Một cách tổng quát, Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ gồm 20 bài, được gọi là 20 bản tổ. Căn cứ vào điệu thức, tình cảm bản nhạc, 20 bản tổ ấy phân ra: Ba bài Nam, sáu bài Bắc, bảy bài Lễ, bốn bài Oán; gọi tắt là ba Nam, sáu Bắc, bảy Bài, bốn Oán. Trong ba Nam, có Nam xuân, Nam ai, Nam đảo (còn gọi là Đảo ngũ cung). Hơi Nam có khi ung dung đỉnh đạc, có khi buồn thương ngậm ngùi. Trong sáu Bắc có Tây Thi, Cổ bản, Lưu thủy, Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Xuân tình chấn (còn gọi là Xuân tình điểu ngữ). Hơi Bắc tương đối mạnh mẽ, vui tươi. Trong bảy bài Lễ có Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá. Hơi Lễ nghe ra nghiêm trang, chuẩn mực. Trong bốn Oán có Tứ đại oán, Phượng hoàng, Phượng cầu, Giang nam. Hơi Oán ai oán nuối tiếc, uyển chuyển phản trắc, nghe rất sang trọng nhưng buồn. Nghệ nhân chơi dàn nhạc ĐCTT Nam Bộ bắt buộc phải thuộc lòng 20 bản tổ đó.
Ngày nay, nghệ nhân chơi tinh tuyền được 20 bản tổ rất hiếm. Tôi may mắn được làm công việc nhiều năm ở Bạc Liêu, được nghe nữ danh thủ đàn nguyệt Ngọc Cần (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu) đờn cho nghe đủ 20 bản tổ. Với sự cảm thụ của một nhạc sĩ sáng tác và người nghiên cứu âm nhạc dân gian Nam Bộ, tôi phải công nhận rằng 20 bản tổ của ĐCTT xứng đáng là tác phẩm âm nhạc giá trị, giai điệu thật lớn rộng, phong phú, đa dạng. Hai chục bản tổ ấy có quy chuẩn hẳn hoi, chẳng khác nào âm nhạc cổ điển Tây phương.
Thế nhưng, 20 bản tổ ấy chỉ là nền tảng căn bản của ĐCTT Nam Bộ. Phát triển qua hơn 100 năm, ĐCTT Nam Bộ càng đi càng mới, càng dung nạp thêm các bài bản khác để làm phong phú thú chơi của mình. Một điều dễ hiểu, nhân dân lao động mới là đối tượng thưởng ngoạn âm nhạc. Nếu ĐCTT cứ đi lại trong 20 bản tổ mà không phát triển thì e người thưởng ngoạn sẽ không tìm ra cái gì mới và người chơi nhạc cũng sẽ nhàm chán. Cho nên, ĐCTT phải càng ngày càng mới để tạo ra cảm hứng cho cả hai phía người nghe và người chơi.
Trường hợp đầu tiên là ĐCTT Nam Bộ dung nạp bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Cao Văn Lầu viết “Dạ cổ hoài lang” năm 1919 tại Bạc Liêu. Bản nhạc vừa ra đời đã được những nghệ nhân ĐCTT hân hoan đón nhận, hòa tấu đờn và ca diễn khiến nó vụt nổi tiếng. Nó trở thành bài ca quán quân trong ĐCTT Nam Bộ. Có thể cắt nghĩa được điều này bởi “Dạ cổ hoài lang” thu tóm được chất ai, chất oán trong âm nhạc Nam Bộ; nội dung lại nói lên khát vọng đoàn viên hạnh phúc lứa đôi vốn rất gần gũi với mỗi đời người. Những nghệ sĩ sân khấu đi sau đã lấy “Dạ cổ hoài lang” làm cột mốc, phát triển tiết tấu và điệu thức nhanh thêm thành ra bài ca vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32… Như vậy, “Dạ cổ hoài lang” trở thành bản tổ của bài vọng cổ 6 câu ngày nay, làm nên cái hồn cho sân khấu cải lương. Sau đó, bài vọng cổ 6 câu cũng trở thành một bài bản trong những bài bản của ĐCTT.
Trường hợp khác nữa là ĐCTT Nam Bộ dung nạp luôn cả các bài bản dân ca, các điệu thức được sáng tác sau như Văn Thiên Tường, Khổng Minh tọa lầu, Sơn Đông hướng mã… ĐCTT còn dung nạp thêm dân ca Khmer và dân ca Hoa (gọi là giọng Quảng - Quảng Đông). Thí dụ: Trong lúc đờn ca cao hứng, tôi đã được nghe một nghệ nhân ca bài “Thằng làm biếng” - dân ca Khmer như vầy: “A dắc con sấu dưới nước anh đâu có dám bắt/ A dắc con sấu chết ngắt anh bắt cho em coi/ A dắc con trâu ăn lúa anh đâu có dám đuổi/ A dắc con trâu đi rồi anh đuổi cho em coi/ A dắc bao lúa nặng quá anh đâu có dám vác/ A dắc nếu có bao trấu anh vác cho em coi”.
Hoặc một điệu thức khác - bài “Ô ka lơ mi” (Vương hậu hồi cung): “Ô ka lơ mi/ Miền Tây sông nước quê ta đẹp tươi/ Chờ em cất tiếng hát lên người ơi/ Chư Phật chư thánh thương em có lòng/ Ban một đôi má cho em ửng hồng, chào em”. Nhạc giọng Quảng cũng được đưa vào ĐCTT Nam Bộ. Thông thường, các điệu thức Quảng được lựa chọn là bài ngắn, thuộc cung trưởng, tiết tấu khá chắc chắn. Cũng như các điệu thức của dân ca Khmer, điệu thức Quảng nghe rất vui, thậm chí nội dung rất hóm hỉnh. Tôi xin giới thiệu một bài Quảng như thế này: “Rừng Nhum có cô Kiều Hạnh/ Quán Dốc có chị Ba Bèo/ Xóm Bời Lời có thím Tư Phong/ Cái đầu bèo nhèo, cái đít láng mướt/ Cái đầu bèo nhèo, cái đít láng mướt/ Có con, mà chưa có chồng!”.
Nói tóm lại, nội dung bài bản ĐCTT càng đi càng lớn rộng, càng phát triển. Nó vừa bao hàm tính chất bác học, chính quy của điệu thức; vừa bao hàm tính chất dân dã của nhân dân trong việc viết lời ca mới. Một bài bản của ĐCTT - thí dụ như điệu Phụng hoàng, có thể được cả nghìn người ở những nơi khác nhau viết ra những bài (nội dung) khác nhau nói về nỗi nhớ quê hương, ca ngợi người yêu, niềm vui mùa gặt, xây dựng ngôi trường, mừng ngày tết đến… Ta lấy thí dụ một khúc Phượng hoàng uyển chuyển, phản trắc, trữ tình: “Chị Hai ơi, chị nói chi câu ấy cho đau lòng/ Ai kia cũng đau khổ vô cùng (ờ ơ ớ ơ)/ Chớ nào phải đâu người ta phụ bạc/ Số trời biết tính sao đây…”. (Nửa đời hương phấn - Hà Triều và Hoa Phượng).
Chỉ duy nhất có bản “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (mà tôi đã có dịp giới thiệu trên Báo Quảng Nam) là không ai đặt lời mới, nói về một nội dung mới khác với ca từ 20 câu của ông. Có lẽ vì Dạ cổ hoài lang độc đáo và ca từ của tác giả hay quá, cũng như “bản quyền” của tác giả quá rõ ràng nên không ai muốn làm ra bài mới. Bởi vì có làm cũng không thể hay hơn được. Mà trong nghệ thuật, cái người sau làm ra không hay hơn người xưa thì nhất quyết không làm.
Ban đầu, trong khi biểu diễn ĐCTT Nam Bộ, người ta thường ngồi mà ca, hoặc đứng mà ca. Riết rồi thấy ngồi hay đứng thì lời ca cũng chưa diễn tả hết tinh thần, tính cách bài ca nên nghệ nhân ca cảm thấy phải thể hiện một số động tác, điệu bộ. Từ đó, dạng “ca ra bộ” ra đời. Trên cơ sở bài bản ĐCTT Nam Bộ, những nghệ nhân, nghệ sĩ, soạn giả đi sau cảm thấy nên tập hợp tất cả lại trong một câu chuyện có logic, hình thành một kịch bản để có thể ca diễn dài hơi hơn (so với từng bài bản lẻ của ĐCTT). Sân khấu cải lương Nam Bộ ra đời từ đó, trở thành một bộ môn nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người phương Nam.
Ở thời đại chúng ta, ĐCTT Nam Bộ và sân khấu cải lương chuyên nghiệp cùng tồn tại song song. Trong vòng 15 năm trở lại đây, sân khấu cải lương có vẻ không hấp dẫn đông khán giả như thời hoàng kim ngày trước do ảnh hưởng của văn hóa nghe nhìn internet, điện ảnh, ti vi. Một điều chắc chắn là sân khấu cải lương có thể mai một nhưng ĐCTT Nam Bộ thì vẫn sống, phát triển một cách mãnh liệt. Tại sao ĐCTT lại có sức sống tuyệt vời ấy?
_______
Kỳ 3: Thú chơi dân gian
VŨ ĐỨC SAO BIỂN