Sức sống của Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ mãnh liệt bởi lẽ không gian diễn xướng của nó quá lớn rộng. So với một số giá trị văn hóa phi vật thể khác như Cồng chiêng Tây Nguyên chỉ bao gồm 5 tỉnh, Hát xoan Phú Thọ chỉ khu trú trong phạm vi Phú Thọ, Quan họ chỉ khu trú trong vùng Kinh Bắc… thì ĐCTT “phủ sóng” trên khắp 21 tỉnh thành phố Nam Bộ. Đặc biệt ở 12 tỉnh thành phố miền Tây Nam Bộ, ĐCTT vẫn được diễn xướng ngay trong những vùng giải phóng trong hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm.
|
Ngày nay, các câu lạc bộ ĐCTT gần như có đều khắp ở các xã, phường miền Tây Nam Bộ. Ở tỉnh Hậu Giang, tất cả các xã phường đều có câu lạc bộ ĐCTT. Tất cả các xã, phường của TP.Hồ Chí Minh cũng đều có các câu lạc bộ này; cấp quận huyện lại có câu lạc bộ của quận huyện. Nói là “tài tử” nhưng những nghệ nhân tham gia chơi đều khá chuyên nghiệp, sinh hoạt đều đặn hằng tuần. Tất cả những điểm du lịch, giải trí của các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, An Giang, TP.Cần Thơ… đều có các đội ĐCTT phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Bạc Liêu là cái nôi của ĐCTT Nam Bộ nên việc tổ chức và phát triển ĐCTT rất quy mô. Ngoài việc các xã phường đều có câu lạc bộ, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu còn tổ chức dạy ĐCTT cho nhân dân. Ai muốn học ca, đặc biệt là ca bài “Dạ cổ hoài lang” và bài Vọng cổ đều có thể ghi tên tại rạp Cao Văn Lầu để học. Bài “Dạ cổ hoài lang” và một số bài bản khác được ngành giáo dục tỉnh này đưa vào giáo trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Hàng năm, tỉnh Bạc Liêu đều tổ chức kỷ niệm ngày bài “Dạ cổ hoài lang” ra đời vào Rằm tháng 8 âm lịch. Khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu được xây dựng khang trang, thu hút nhiều khách du lịch đến viếng.
Thoạt kỳ thủy, ĐCTT Nam Bộ là một dạng nhạc thính phòng như âm nhạc cổ điển Tây phương. Sau một đám cưới, đám giỗ hay họp mặt bạn bè, các nhà giàu và điền chủ thường tổ chức đờn ca ngay trong nhà mình để giải trí cho khách đến dự tiệc. Từ đó, ĐCTT bung ra rộng rãi trong nhân dân, chỗ nào cũng có thể tổ chức được cả. Không gian diễn xướng của ĐCTT chuyển từ trong phòng ra ngoài trời: trên xuồng, trên ghe, dưới bóng mát vườn cây, bên ruộng lúa, trong khoảng sân trống của xóm ấp… đều có thể chơi ĐCTT. ĐCTT không cần sân khấu, phông màn, hệ thống phát thanh, hậu đài, kỹ thuật. Không gian diễn xướng của nó có thể di động từ nơi này qua nơi khác mà vẫn không làm ảnh hưởng đến phong cách tài tử vốn có. Chính yếu tố này là điểm mấu chốt để phân biệt ĐCTT với sân khấu cải lương.
Đờn ca tài tử là nghệ thuật giải trí, đơn giản chỉ là thú chơi của người Nam Bộ. Người ca, người đờn đồng thời cũng là khán giả thưởng thức đờn ca của chính mình. Trong sân chơi đờn ca tài tử, không phân biệt ai là nghệ nhân, ai là khán giả thưởng ngoạn. Tất nhiên, nếu có thêm khán giả ở ngoài tới tham dự nghe đờn ca thì người chơi càng thêm cao hứng. Có khi, nghệ nhân ngồi giữa ruộng đờn ca thâu đêm suốt sáng; ai mệt mỏi xin cứ tự nhiên nằm ngủ. Đó là một phong cách rất Nam Bộ, rất thoải mái. |
Dàn nhạc trong ĐCTT bao gồm các thứ đờn tranh, đờn cò, đờn nguyệt (đàn kìm), đờn độc huyền, ghi ta phím lõm, sáo dọc hay tiêu xuôi (sáu lỗ), song lang. Phân tích các nhạc cụ ấy, ta thấy âm nhạc của ĐCTT bao gồm âm tơ (cò, nguyệt, độc huyền); âm sắt (tranh, ghi ta), âm gỗ (song lang); âm trúc (sáo, tiêu). Nhạc cụ gõ chỉ cần song lang đặt dưới chân nhạc công nào đó, thỉnh thoảng đạp một cái để giữ nhịp. Thông thường, dàn nhạc phải “rao” trước cho người ca nghe được cao độ, tinh thần của từng loại bài bản, sau đó song lang gõ “cốc” một tiếng thì người ca mới vào nhịp mà ca với dàn nhạc.
Nguyên tắc thì lý tưởng như vậy nhưng trong thực tế, dàn nhạc của ĐCTT nhiều khi rất giản dị bởi nó không cần hội đủ các loại nhạc cụ trên. Có đôi khi thiếu người chơi nhạc, chỉ cần một ghi ta phím lõm hay một cây nguyệt cầm là có thể đờn cho người ta ca được. Đặc điểm phi chính quy này lại làm cho âm nhạc của ĐCTT có tính chất tự do, cơ động, lãng mạn thú vị. Tôi đã từng nghe một nhạc công chơi cây đờn cò một mình và ca “Dạ cổ hoài lang”. Chỉ cần một vài người chơi, một đờn, một ca đã ra… ĐCTT.
Bởi là thú chơi của dân gian nên ĐCTT là nghệ thuật dân gian. Bất kỳ một người nào cũng có thể tham gia ĐCTT được miễn là người ấy biết ca dù chỉ ca được… một bài bản. ĐCTT không yêu cầu người ca phải thay trang phục, phải hóa trang khuôn mặt như trong sân khấu tân nhạc hay cải lương. Anh đi gặt, chị đi cấy, chị tiểu thương bán si rô nước ngọt, ai muốn ca cứ vào ca. Họ chỉ cần rửa sơ khuôn mặt, đôi tay, đôi chân là có thể tham gia ca diễn. ĐCTT quý trọng mọi người, mọi tài năng; nam, phụ, lão, ấu đều có quyền tham dự. Hay nhất là sau một ngày gặt lúa, người ta trải chiếc chiếu ra giữa ruộng, mang một lít rượu, mấy con khô nướng và vài cây đờn ra “rao” mấy câu là tất cả mọi người đều ngừng công việc để tham gia ĐCTT. Cái không khí dân dã ấy không dễ có được trong Hát xoan, Quan họ hay Cồng chiêng Tây Nguyên.
ĐCTT vì vậy không cần đến kịch bản, sự sắp đặt và cũng không cần đạo diễn. Người đến trước ca trước, người đến sau ca sau; ai thích bài bản nào cứ ca bài bản ấy. Với những bài bản cao cấp như Nam ai, Nam đảo, Nam xuân, Phượng hoàng thì ít có người dám ca. Nhưng với bài vọng cổ 6 câu hay “Dạ cổ hoài lang” thì người ca lại quá nhiều. Cho nên, bạn đừng bực mình khi vào một điểm du lịch mà nghe các nghệ nhân ca một loạt sáu, bảy bài vọng cổ. Điệu thức vọng cổ thì chỉ có một nhưng nội dung từng bài cụ thể thì khác nhau, chất giọng người ca khác nhau, phong cách kỹ thuật nhấn nhá khác nhau. Cái hay của ĐCTT là thích gì ca nấy, chẳng ràng buộc o ép ai. Người Nam Bộ nói “đi xem” cải lương nhưng lại nói “đi nghe” ĐCTT Nam Bộ là vì vậy.
Một đặc điểm chung của ĐCTT và âm nhạc dân gian Nam Bộ là “học thì chính quy nhưng biểu diễn thì hoa lá”. Cách dạy của ĐCTT là thầy dạy cho trò thì dạy rất chuẩn mực. Thế nhưng, khi trò tham gia ĐCTT thì biểu diễn nhấn nhá, luyến láy là sáng tạo riêng của trò, miễn là phải giữ đúng tiết tấu của bài bản. Ta không lấy làm lạ khi Dạ cổ hoài lang chỉ có một bản nhạc gốc, mà sáu người ca lại ra sáu cách diễn khác nhau; thậm chí có người còn thêm một vài chữ, bớt một vài chữ, hạ thấp một tông (ton - toàn âm) từ Xàng lên Xề. Thí dụ bản gốc câu 20 của “Dạ cổ hoài lang” là “Cho én nhạn hiệp đôi ứ ư”, ca đúng nhạc thì “Liu xáng xàng xề phạn liu xáng liu” nhưng cũng có người thích ca “Liu xáng xề xề phạn liu xáng liu”. Chẳng có ông thầy đờn nào bắt lỗi người ca khác với bài bản của tác giả. Cách ca diễn hoa lá như vậy là tùy thuộc cảm hứng, khung cảnh, tình huống cụ thể của từng người ca, từng sân chơi ĐCTT.
----------------
Kỳ cuối: Ngọc sáng văn hóa Nam Bộ
VŨ ĐỨC SAO BIỂN