TPP - một hiệp định tự do thương mại lớn nhất hành tinh được kết thúc đàm phán vào năm 2015, hứa hẹn một sự thay đổi, phát triển năng động hơn cho các nền kinh tế thành viên.
TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) - một “hiệp định thế kỷ 21” đang trong giai đoạn chờ đợi các cơ quan quyền lực của 12 nước thành viên đặt bút ký để sau đó chính thức có hiệu lực. Là một trong những thành viên tham gia TPP, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định, TPP mang lại nhiều cơ hội tiếp cận mới cho hàng hóa Singapore vào thị trường các nước TPP. Do vậy, Singapore chuẩn bị để đối phó với sự cạnh tranh hàng hóa với các nước vào thị trường của đảo quốc Sư tử. Cũng như Singapore, mỗi nước thành viên đều tập trung phân tích những thuận lợi và rủi ro nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đón đầu cơ hội từ TPP, qua đó cải thiện thu nhập và cuộc sống của người dân trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa kinh tế.
Ngành sản xuất xe hơi sẽ chịu nhiều tác động khi TPP có hiệu lực. |
Là thành viên TPP, Nhật Bản lập kế hoạch bổ sung thêm 3 tỷ yên vào tài khóa quốc gia năm 2015 để giúp nông dân nước này đối phó với tác động, ảnh hưởng từ TPP. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, ngân sách bổ sung sẽ tập trung vào các biện pháp giúp gia tăng thu nhập tiềm năng cho nông dân chăn nuôi và mở rộng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, được áp dụng rộng rãi cho các đối tượng khu vực nông nghiệp cùng một số dự án liên quan khác. Về phía người dân, Masatoshi Numata (38 tuổi, chủ trang trại chăn nuôi bò tại thành phố Hokkaido, tỉnh Ashoro) chia sẻ rằng, những nông dân tại Nhật như anh đang chuẩn bị mọi thứ tốt nhất có thể khi kịch bản TPP trở thành hiện thực. “Dù sức cạnh tranh sản phẩm thịt bò tại thị trường Nhật là rất lớn, TPP vẫn là một cơ hội tốt và điều quan trọng là chúng tôi sẽ cho ra những sản phẩm sạch, an toàn nhất - một sự lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng hiện nay” - Eiichi Kuroiwa, một quan chức ngành sản xuất, chăn nuôi tại Ashoro cho biết.
Theo TPP, 98% thuế giữa các nước tham gia sẽ được xóa bỏ đối với các sản phẩm như thịt bò, sữa, rượu, đường, gạo, thực vật, hải sản, hàng chế biến, khoáng sản và năng lượng. Nhiều chuyên gia kinh tế thừa nhận, giảm rào cản thương mại không phải luôn luôn là điều có lợi và không phải tất cả đều được lợi. Ví như, Mỹ sẽ phải mở cửa thị trường cho xe hơi Nhật Bản, không có lợi cho các nhà sản xuất xe hơi Mỹ nếu như họ không thay đổi chiến lược. Thậm chí, nhà khoa học đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001, Joseph E. Stiglitz của Đại học Columbia (Mỹ) nhận xét, thỏa thuận TPP khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn trong cạnh tranh do cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ rào cản thương mại. Nhưng mặt khác, phó GS-TS. Amran Awang - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia cho rằng, TPP là công cụ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ được “thoát” khỏi sự độc quyền, tạo động lực phát triển cho họ trong môi trường cạnh tranh lành mạnh cả ở thị trường nội địa và quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có sự điều chỉnh kịp thời trước khi TPP có hiệu lực.
Tuyên bố TPP của lãnh đạo các nước thành viên nhấn mạnh, TPP để những người tiêu dùng, công nhân, nông dân và các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, có thể gặt hái các lợi ích của hiệp định càng sớm càng tốt cũng như được hưởng một tương lai tốt đẹp hơn mà TPP đem lại.
Mười hai nước thành viên tham gia TPP bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam với tổng dân số là gần 800 triệu người, chiếm 1/3 hoạt động thương mại nhưng có tổng GDP chiếm 40% toàn cầu.
QUỐC HƯNG