Tết Nguyên đán 2024 là mùa mua sắm, tiêu dùng trong năm nên các doanh nghiệp đang sẵn sàng nguồn hàng, đón đầu và bình ổn thị trường.
Dồi dào nguồn cung
Ngoài các mặt hàng “định danh” trà linh chi 4 sao OCOP, bột nấm mộc nhĩ 3 sao OCOP, HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang (Núi Thành) đã sẵn sàng cung ứng ra thị trường tết những mặt hàng mới, chất lượng như rượu đông trùng hạ thảo, nấm linh chi nguyên tai đóng hộp. Những mặt hàng này rất bắt mắt về kiểu dáng, bao bì, nhãn mác, đặc biệt là đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm, có lợi cho sức khỏe người dùng.
Ông Nguyễn Thanh Vũ - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang nói: “Tôi sản xuất, kinh doanh cả năm và đón đợi mùa thương mại sầm uất cuối năm, dịp tết. Hàng hóa dồi dào để cung ứng cho thị trường nội địa. Tôi sẽ xúc tiến thương mại để xuất khẩu hàng hóa”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định. Có giải pháp bảo đảm nguồn cung giá xăng dầu và chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi giá xăng dầu trên thị trường có biến động, bảo đảm hoạt động thông suốt của hệ thống phân phối xăng dầu.
Các tiểu thương ở chợ Hội An cho biết, các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt heo, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt, kẹo… phong phú, da dạng chủng loại. Kỳ vọng thị trường cuối năm, dịp tết sẽ sôi động hơn mọi năm.
“Tết năm ngoái còn ảnh hưởng đại dịch COVID-19, sức mua chưa mạnh. Hy vọng Tết Giáp Thìn 2024 sẽ đông đúc người dân mua sắm. Hàng hóa rất nhiều và đang chờ sức tiêu thụ mạnh” - bà Lâm Bảo Ngọc, tiểu thương chợ Hội An cho biết.
Theo bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ, đơn vị đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa lớn để cung ứng kịp thời dịp tết. Năm nay, lượng hàng tại siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, Co.opMart Tam Kỳ đã kết hợp nhiều dòng sản phẩm của các thương hiệu Việt và nhãn hàng riêng của Co.op đáp ứng đủ mọi phân khúc tiêu dùng bình dân, cao cấp. Đặc biệt, còn dành riêng một khu vực rộng lớn, dễ nhìn để các doanh nghiệp, HTX Quảng Nam giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Ông Lê Duy Khoa - quản lý Siêu thị Điện máy - nội thất Chợ Lớn chi nhánh Quảng Nam (đường Phan Châu Trinh, Tam Kỳ) cho biết, lượng hàng dự trữ tết chiếm 20% sản lượng. Ngoài việc bảo đảm bình ổn giá, doanh nghiệp còn giảm giá 20 - 30% các sản phẩm thiết yếu vào các ngày cuối tuần để kích thích mua sắm.
Bình ổn thị trường
Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, Quảng Nam cùng các bộ ngành nỗ lực điều hành bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm.
Sở Công Thương đã hướng dẫn các cơ sở sản xuất mặt hàng phục vụ tết có kế hoạch sản xuất bài bản, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Các đơn vị phân phối, nhà bán lẻ hàng hóa thiết yếu chủ động kết nối, cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản “made in Quảng Nam” phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm, trước trong và sau Tết Giáp Thìn.
Khuyến khích các điểm bán hàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả, nhất là triển khai chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao. Sở Công Thương sẽ triển khai các điểm bán hàng, tổ chức các chuyến bán hàng phục vụ tết tại miền núi, hải đảo, các khu công nghiệp để phục vụ đầy đủ cho nhân dân trong dịp tết.
Ông Lê Cần - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, đơn vị đã có kế hoạch kiểm soát, tạo cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, cơ sở trên thị trường.
Ngành chức năng chú trọng kiểm tra, giám sát thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý. Kịp thời kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá nếu hàng hóa có biến động bất thường dịp cuối năm, tết đến.
“Cục Quản lý thị trường Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá. Theo dõi diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân, kỳ vọng ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp” - ông Cần nói.