Theo nhận định của các chuyên gia, sau khi Nga đóng cửa thị trường du lịch với Thổ Nhĩ Kỳ, nguồn khách Nga sẽ chuyển sang các nước châu Á và Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, đặc biệt là miền Trung, nơi có những bãi biển đẹp. Du lịch Quảng Nam có thể hưởng lợi gì từ sự thay đổi này?
Các bãi biển ở Quảng Nam được xem là điểm nhấn quan trọng để thu hút khách Nga. Ảnh: T.V.L |
Thị trường tiềm năng
Theo thống kê của Tổng cục du lịch, năm 2014 khách Nga đến Việt Nam đạt khoảng 360 nghìn lượt, riêng 11 tháng đầu năm 2015 có hơn 297 nghìn lượt khách Nga đến Việt Nam. Tại Nha Trang (Khánh Hòa), nơi được xem là điểm đến ưa thích của du khách Nga ở miền Trung, thống kê đến tháng 12.2015, dù giảm 8% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng vẫn đạt khoảng 220 nghìn lượt, dẫn đầu trong số 950 nghìn lượt khách quốc tế đến Khánh Hòa cả năm 2015. Đặc biệt, dù mức chi tiêu có sụt giảm so với những năm trước do kinh tế suy giảm, đồng rúp mất giá… nhưng thời gian lưu trú trung bình khách Nga vẫn đạt 10 - 12 ngày, thậm chí có khách lưu trú hơn một tháng để tránh đông. Tuy vậy, tại Đà Nẵng và Quảng Nam dù có những lợi thế về biển nhưng lượng khách Nga lại chiếm số lượng khá nhỏ trong tổng cơ cấu khách đến khi tỷ lệ chưa đến 1% (năm 2014). Ông Nguyễn Xuân Bình – Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch TP.Đà Nẵng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến khách Nga khó đến Đà Nẵng, Quảng Nam vì chưa có đường bay thẳng. Bên cạnh đó, sản phẩm của 2 địa phương ngoài biển thì dịch vụ vẫn còn thiếu và không phù hợp với nhu cầu khách Nga, nhất là sản phẩm giải trí về biển. Hiện tại, lượng khách đến Đà Nẵng chủ yếu là nối tour từ 2 đầu đất nước hoặc từ Nha Trang ra. “Thời gian qua, Nga chỉ được xem là thị trường tiềm năng chứ chưa bao giờ coi là thị trường trọng điểm cả” - ông Bình nói.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Tú – Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam, việc khách Nga đến Quảng Nam, Đà Nẵng thấp còn có nguyên nhân khác như thị trường Nga ít được quan tâm đúng mức trong một thời gian dài. Đặc biệt, công tác quảng bá, xúc tiến còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí eo hẹp cũng như quan điểm của mỗi tỉnh trong chiến lược quảng bá xúc tiến du lịch chung giữa 3 địa phương là Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế chưa đồng nhất. Ngoài ra, sự thiếu hụt về dịch vụ, sản phẩm, lao động biết tiếng Nga… cũng phần nào cản trở trong việc đón tiếp dòng khách này. “Dù không phải là thị trường ổn định nhưng việc đón khách Nga vẫn được xem là có tiềm năng. Điều này thì ai cũng biết nhưng do nhiều yếu tố khách quan nên thị trường này vẫn chưa chú trọng. Dự kiến tháng 1.2016 này trong cuộc họp chung của 3 địa phương chúng tôi sẽ cùng bàn thảo lại nhằm thống nhất ý kiến triển khai việc xúc tiến quảng bá thị trường Nga mạnh mẽ hơn trong năm 2016” - ông Tú cho biết.
Khó đón khách Nga
Theo ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL, việc khách Nga có đến Quảng Nam sau những biến động vừa qua hay không vẫn chưa lấy gì làm chắc chắn do không có thông tin cụ thể. Vì vậy, thị trường trọng điểm của du lịch Quảng Nam hướng đến trong năm 2016 và những năm tiếp theo chủ yếu vẫn là các thị trường truyền thống (châu Âu, Bắc Mỹ, Úc…) và thị trường gần (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan…). Sự dè dặt này cũng dễ hiểu vì đây không phải là lần đầu tiên vấn đề đón đầu nguồn khách Nga đến Quảng Nam và Đà Nẵng nóng bỏng. từ năm 2012, khi Công ty Ánh Dương (TP.Hồ Chí Minh) phối hợp với Công ty du lịch Pegas (Nga) đưa những vị khách đầu tiên đến Đà Nẵng và Quảng Nam thông qua đường bay trực tiếp từ Siberia (vùng viễn đông Nga) đến Đà Nẵng cũng đã được kỳ vọng rất nhiều nhưng chỉ sau một thời gian ngắn các chuyến bay đã chấm dứt do lượng khách đăng ký trên mỗi chuyến bay quá ít, không đủ công suất ghế để đạt lượng thu bù chi nên nhiều hãng lữ hành phải tạm dừng khai thác đưa khách đến Đà Nẵng.
Thực tế, để đón được lượng khách Nga mỗi năm trên 200 nghìn lượt đến Nha Trang, ngoài những lợi thế về thời tiết, biển, nhà hàng, khách sạn và đội ngũ lao động chuyên nghiệp am hiểu ngôn ngữ và văn hóa Nga, thì Khánh Hòa còn có mối quan hệ lâu đời với một bộ phận người Nga đã từng sinh sống và làm việc tại cảng Cam Ranh. Đặc biệt, với việc mở đường bay trực tiếp từ Cam Ranh đến Moscow (Nga) tầng suất 5 ngày/chuyến cũng góp phần quan trọng để đưa lượng khách Nga đến thành phố biển này thuận lợi hơn. Ngoài ra, một yếu tố khác mà Quảng Nam, Đà Nẵng không có chính là sự đồng lòng của nhà nước và doanh nghiệp trong việc xác định thị trường khách trọng điểm để triển khai các chương trình khuyến mãi, kích cầu du lịch. Tại Nha Trang không chỉ các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào sản phẩm phù hợp hay phát triển nguồn nhân lực biết tiếng Nga, xây dựng bảng hiệu, thông tin bằng tiếng Nga… mà còn phối hợp Sở VH-TT&DL Khánh Hòa tung ra các chương trình kích cầu khách Nga như giảm giá phòng xuống 50% (từ 1,2 triệu còn 600 nghìn đồng/phòng đối với khách sạn 3 sao) hay tổ chức hội thảo tháo gỡ thị trường khách… Gần đây nhất, trước những biến động về dòng khách Nga, ngày 9.12 vừa qua Sở VH-TT&DL Khánh Hòa cũng đã tổ chức buổi tọa đàm với sự tham gia của đại diện lãnh đạo ngành du lịch 10 tỉnh từ Bình Định vào đến miền Tây nhằm tìm giải pháp về phát triển thị trường và thu hút nguồn khách này.
Có thể nhận thấy, dù được kỳ vọng nhiều nhưng du lịch Quảng Nam vẫn khó thể đón được lượng khách Nga do những yếu tố khách quan về dịch vụ, lưu trú, bãi biển, vui chơi giải trí về đêm… Chưa kể thời tiết mùa đông xứ Quảng mưa gió thất thường, mà đây lại là thời điểm chính để du khách Nga du lịch tránh đông (tháng 10 qua đến tháng 3 năm sau). Nói như lời một lãnh đạo Sở VH-TT&DL Quảng Nam: “Vẫn mong chờ nhưng không kỳ vọng sẽ có nhiều khách Nga đến”.
THÂN VĨNH LỘC