Thời điểm này, nuôi tôm nước lợ vụ 3 đang diễn ra sôi động trên địa bàn tỉnh. Nhiều nông dân áp dụng mô hình nuôi tôm sạch và kỳ vọng sẽ thu hiệu quả kinh tế cao bởi đón đầu thị trường cuối năm.
Sôi động nuôi tôm vụ 3
Ông Đỗ Văn Tân đang tất bật với các công đoạn nuôi tôm vụ 3 tại khu vực dọc sông Trường Giang đoạn qua thôn Kim Đới (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ). Theo ông Tân, thời điểm tháng 8, tháng 9, do tác động của dịch bệnh Covid-19, giá tôm thương phẩm xuống rất thấp, cỡ tôm 100 con/kg chỉ có giá 80 nghìn đồng/kg.
Từ đầu tháng 10, giá tôm tăng trở lại nên ông cải tạo ao nuôi có diện tích 2.500m2, thả 15 vạn tôm giống Việt Úc để nuôi thương phẩm. Hiện tôm phát triển tốt, ông Tân dự kiến sẽ thu được hơn 1,5 tấn tôm và bán vào cuối năm.
Cần thường xuyên theo dõi, ứng phó với thời tiết
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - chuyên viên Phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, ngành chức năng khuyến khích nông dân nuôi tôm vụ 3 ở các vùng cao triều và trên cát nếu tuân thủ kỹ các quy trình kỹ thuật, nhất là nuôi tôm sạch. Để vụ nuôi thành công, nông hộ cần cập nhật, theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để chủ động nuôi tôm. Khi có hiện tượng mưa lớn xảy ra, nông hộ cần cân bằng độ pH trong ao, tăng cường quạt nước.
Bước vào những tháng cuối năm, thời tiết thay đổi bất thường, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn, lại hay có mưa bất chợt nên dễ phát sinh các yếu tố bất lợi cho con tôm. Nông hộ cần bảo đảm mực nước ao nuôi ổn định, theo dõi kỹ các yếu tố môi trường ao nuôi để chủ động ứng phó.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Kim Đới cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, đã có 10 nông hộ đầu tư nuôi tôm vụ 3. Nhờ mua tôm giống chất lượng, chú trọng xử lý nguồn nước, áp dụng quy trình kỹ thuật tốt nên tôm sinh trưởng nhanh, dự kiến kịp bán vào thời điểm cuối năm.
“Thông thường nuôi tôm vụ 3 không nhiều nên nguồn cung không cao, được giá bán. Tôi nghe nhiều nhà chuyên môn dự đoán sẽ thiếu nguồn tôm thương phẩm cuối năm cho thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Rất mừng là nông hộ trên địa bàn tính toán kỹ, đón đầu thị trường cuối năm với nhiều tín hiệu khả quan” - ông Tiến nói.
Tôm sạch với VietGAP
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để phát triển nuôi tôm bền vững cần phải đầu tư công nghệ, chuyển đổi hình thức nuôi quảng canh, bán thâm canh sang thâm canh, công nghiệp, áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, nhất là VietGAP.
Đối chiếu với các mô hình nuôi tôm trong vụ 3 này, có thể nhận thấy mô hình nuôi tôm sạch VietGAP được nông hộ áp dụng rộng rãi. Điểm chung là toàn bộ khu vực nuôi tôm được nông hộ phân chia thành các khu riêng biệt gồm kho chứa thức ăn, kho thuốc thú y, hệ thống ao nuôi, ao chứa lắng, xử lý nước thải…
Thay cho nuôi tôm ở ao to khó kiểm soát dịch bệnh, các nông hộ đã bố trí nhiều ao nuôi nhỏ, lót bạt ở đáy để tránh rò rỉ, thất thoát ra ngoài và thẩm lậu nước vào trong ao. Trong suốt quá trình nuôi tôm, các thông số về khối lượng thức ăn, thuốc, các yếu tố vi sinh được nông dân ghi chép cẩn thận vào nhật ký nuôi tôm.
Ưu điểm của cách đầu tư VietGAP là an toàn nhờ kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào (nước, thức ăn, con giống...), giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh, bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để xử lý môi trường ao nuôi, nông hộ sử dụng chế phẩm sinh học, vừa kích thích tăng trưởng nguồn thức ăn tự nhiên của tôm trong ao nuôi (tảo, phù du, sinh vật nhỏ) vừa giảm chi phí thức ăn. Nhờ giảm lượng thức ăn thừa tồn lưu trong ao, môi trường nước trong sạch, nên tôm nuôi giảm dịch bệnh. Với mật độ nuôi phù hợp (dưới 100 con/m2) cùng chế độ chăm sóc hợp lý, tuân thủ đúng quy trình vệ sinh phòng bệnh nên tôm nuôi phát triển tốt.
“Nuôi tôm VietGAP thường đạt hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, có thể tăng thêm vụ sản xuất trong năm. Mô hình giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm tôm sạch, hạn chế rủi ro so với nuôi tôm truyền thống nên khuyến khích nhân rộng để lan tỏa xu hướng nuôi tôm bền vững” - ông Ngô Tấn nói.