Đón đợi bình minh

Ghi chép KIỀU LY - PHƯƠNG GIANG 04/07/2014 07:42

Có người nói với chúng tôi, đôi mắt ngóng chờ của những người đàn bà biển là nẻo về cho chồng, con đang lênh đênh giữa muôn trùng sóng cả. Đàn bà biển lam lũ, lo toan, giọt mồ hôi họ nồng hơn vị muối, đón đợi và đắp xây những an lành…

Những vành nón trong đêm

Dưới ánh đèn dầu tù mù, chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Hà Quang, Tam Tiến, Núi Thành) cùng các mẹ, các chị rôm rả trò chuyện. Ba giờ sáng, các mẹ, các chị đã ra đây với những câu chuyện lao xao bên bến cá ở bãi biển Tam Tiến. Có người đã hơn nửa đời người gắn với bến cá. Ngư dân lấy đêm làm ngày, còn những người như chị Thúy chỉ trông chờ lúc bình minh những con tàu trở về. Hơn 10 năm chị theo chồng về làm dâu là 10 năm hằn in dấu chân trên bến cá. Riết hồi giọng quê Tiên Phước bị sóng và gió nhòa đi, đặc sệt xứ biển. Công việc của chị là mỗi sáng quảy hàng chục gánh nước rửa cá mực mua được của ngư dân, rồi gánh đá xuống tàu, thu gom những cái rổ, cái ki cho các chủ buôn cá. Lời lãi theo mùa, tài sản cộng lại tính bằng thời gian nuôi 4 đứa con; đứa lớn đã đi làm, ba đứa nhỏ vẫn đang tuổi ăn tuổi học. Chị nói: “Mấy năm ni ông chồng bị đau không đi đánh bắt được, may răng biển còn cho tôi việc để làm, để nuôi 4 đứa con tuổi ăn tuổi lớn, không nhờ vô gánh nước, mấy con cá, con mực thì biết lấy chi mà nuôi con”. Thường thì tầm 4 giờ sáng tàu mới bắt đầu trở về. Trời chưa sáng, các mẹ, các chị đã ra bến cá ngồi ngóng đợi, phần để tỉnh táo, phần đón được những ghe cá, ghe mực ngon nhất. Trong đêm, những vành nón ngả quanh từng tốp ba, tốp năm người cùng những câu chuyện. Chuyện nhà, chuyện chồng con, chuyện giá cả chợ búa, đến cả chuyện biển Đông dậy sóng, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, tấn công ngư dân, những câu chuyện cứ thế kéo dài đến khi những chiếc thuyền về…

Lội ra biển đón thuyền về.
Lội ra biển đón thuyền về.

 Những người có mặt sớm nhất ở bến cá, không phải là những người đi buôn như chị Thúy mà là những gánh hàng ăn. Bà Bốn Hiệp là một trong số đó. Bà bán bánh mỳ cho những người đi buôn, cho ngư dân lúc vừa trở về, cho mấy người gánh thuê ở bến. Hàng bánh mỳ nhỏ xíu, vậy mà cũng đủ làm kế sinh nhai cho bà suốt hơn mười năm qua.Với bà, bến cá là nguồn sống, nguồn vui. “Ngày mô không ra biển, không bán hàng, ngày đó thấy trống vắng liền” - bà nói. Trong hàng trăm khuôn mặt ở bến cá mỗi ngày, bà nhớ hết tên những người quen, biết ai lần đầu tới, chuyện tàu kia hôm qua trúng đậm, tàu ni chỉ đủ vốn về…

Gánh cá lên bờ.
Gánh cá lên bờ.

Tôi ngồi với bà Bốn Hiệp, với chị Thúy lúc bến cá còn chưa đông. Trong đêm, những giọng nói rầm rì pha vào nhau đều như tiếng sóng. Họ ngồi ngay trên cát, hướng mặt ra biển, những vành nón ngửa đặt xung quanh chỗ họ ngồi. Sự đợi chờ nào cũng chứa ít nhiều hy vọng. Đàn bà biển, họ đợi chờ bằng một niềm hy vọng ăn sâu vào tiềm thức như một điều hiển nhiên, đến mức không ai trong số họ gọi tên điều đó nữa…

Một góc chợ cá Tam Tiến lúc bình minh.
Một góc chợ cá Tam Tiến lúc bình minh.

Đón đợi bình minh

Bình minh lên, cũng là lúc những con tàu trở về. Buổi chợ sớm nơi bến cá bao giờ cũng có những ồn ào rất đặc trưng. Những câu hỏi lặp đi lặp lại: Có chi rứa? Mấy (tiền) đây?..., tiếng bước chân loạt xoạt nơi mép nước, và tiếng sóng rì rào. Có người mặc kệ nước ngập ngang ngực, lội ra để níu từng chiếc thuyền thúng vô bờ. Có người đi như chạy để đón từng xô cá. Tôi cứ có cảm giác tất cả những người đàn bà ở chợ cá Tam Tiến không ai đủ thời gian để đi bộ trong buổi chợ sớm ấy. Họ chạy. Chạy đón từng xô cá, chạy lấy nước rửa, chạy tìm người quen nài nỉ mua từng xô cá, xô mực tươi roi rói từ những chiếc thuyền thúng đang cập bờ. Mùi biển dậy lên từ những tanh nồng của cá mực, từ mồ hôi ngai ngái và từ những bước chạy của những người đàn bà đón đợi bình minh từ tờ mờ sáng. Tôi hỏi chuyện cô bé Nguyễn Thị Thu, con gái của chị Thúy đang ngồi tỉ mẩn rửa từng con mực tươi xếp vào cái ki. “Đi với má ri có thấy cực không con? - Dạ quen rồi chú, với lại vui lắm. - Rửa cá, mực rồi làm chi nữa? - Dạ, nhiều lắm, đi múc nước, đi lấy đá, đi dọn rổ, dọn ki cho họ, đi khiêng cá nữa” - Thu trả lời kèm theo nụ cười hồn nhiên, bình an. Theo chân mẹ từ nhỏ, rồi quen cái nghề “lăng xăng” của mẹ lúc nào không hay, cô bé mới 13 tuổi tháo vát với những công việc của mẹ như một nghề thực thụ. Những nhọc nhằn với mẹ, với công việc mỗi sáng này, đang lặng thầm đắp xây những an lành trong căn nhà của em, đắp xây ước mơ về con chữ mà em vẫn đang ngày ngày theo đuổi, đắp xây một bình minh khác, đỡ lam lũ và vất vả hơn phía trước…

Mấy mươi năm, chợ cá Tam Tiến vẫn đông, vẫn tất bật ồn ào đủ để hàng trăm mảnh đời bám víu mưu sinh. Trừ những ngày biển động, thuyền ghe nằm bờ, còn có người đi biển là còn có những người đàn bà đón đợi lúc bình minh. Những bao dung của biển, những giọt mồ hôi can trường của ngư dân trở thành nguồn sống chở che cho những phận người gắn đời mình vào bến cá. Họ cũng cầu trời yên sóng lặng, cũng ước mong thuyền ghe yên ổn ra khơi và trở về, cá bạc đầy khoang. Những ngày này, câu chuyện Trung Quốc tấn công ngư dân, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, cản trở thuyền ra khơi đánh bắt, họ cũng dõi theo biển cả bằng tình yêu giản dị của mình. Tôi nghe họ nói với nhau về chuyện giàn khoan Trung Quốc, chuyện tàu Trung Quốc đâm chìm tàu đánh bắt của ngư dân, chuyện nhắn tin ủng hộ cho các chiến sĩ đang bảo vệ chủ quyền ngoài biển mà thấy rưng rưng. Chỉ là một tin nhắn, có thể chỉ là vài ba câu chuyện chứa những uất ức, phẫn nộ với “thằng ngoại xâm”, họ chia sẻ với nhau lòng tự hào, niềm tin yêu và tình cảm thiêng liêng với Tổ quốc mình, như thế…

Chợ tan, chị Thúy cùng ba đứa con tất tả dọn dẹp cho mấy chủ buôn, rồi gánh đôi thùng nước ra về. Trong cái bóng đổ liêu xiêu của ba mẹ con theo bờ cát, có một ít thức ăn đem về, có tình yêu của bà mẹ và ước mơ của hai đứa trẻ, những ước mơ lớn lên bằng mồ hôi, bằng lòng nhân từ của biển, bằng những bình minh đang đón đợi chúng ở ngày mai…

Ghi chép KIỀU LY - PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đón đợi bình minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO