Có những bản tin ấm áp trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần với sự kiện các nhà đầu tư “xông đất” bằng các dự án lớn đầu năm.
Rộn ràng là khu vực phía bắc, có 3 dự án FDI lớn gồm: dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek tại Khu công nghiệp WHA ở Nghệ An được điều chỉnh tăng vốn đầu tư từ 100 triệu USD lên 500 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (JNTC - Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 163 triệu USD tại Phú Thọ; dự án thương mại và dịch vụ GE Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 216,9 triệu USD tại Bắc Ninh.
Trong khu vực Trung Bộ, có lẽ Dự án Điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) đầu tư “khủng” nhất với tổng vốn đăng ký gần 54.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD). Và theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhiều tập đoàn lớn, như Apple, Samsung, Nike, Adidas, Foxconn… cũng có kế hoạch tăng vốn, mở rộng sản xuất, cụ thể như Tập đoàn LEGO có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD, hay kế hoạch tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD của Intel.
Tại Quảng Nam, trong khi dòng vốn FDI còn im ắng thì nhà đầu tư trong nước có tầm ảnh hưởng lớn là Thaco đã có chiến lược mở rộng sản xuất. Cụ thể Thaco đề ra mục tiêu năm 2022 sản xuất lắp ráp gần 128.000 xe các loại, tăng 54% so với năm 2021; chỉ tiêu doanh số hơn 125.000 xe.
Tập đoàn này cũng dự kiến tiếp tục đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để phát triển trung tâm cơ khí của Thaco tại Chu Lai trở thành trung tâm cơ khí đa dụng của miền Trung; sản xuất kinh doanh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí đạt doanh thu hơn 13.000 tỷ đồng trong năm nay, tăng gấp đôi năm 2021.
Chiến lược dài hơi của Thaco là tiếp tục phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác và chủ động tái cấu trúc toàn diện để trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành bao gồm ô tô, nông nghiệp, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, logistics, đầu tư - xây dựng và thương mại - dịch vụ có tính bổ trợ, tích hợp cao theo xu thế hội nhập quốc tế và số hóa.
“Nồi cơm bát gạo” của Quảng Nam cũng được Thaco làm đầy thêm khi dự kiến năm 2022 nộp ngân sách tại Quảng Nam 22.300 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2021.
Ngoài Thaco, các tập đoàn, công ty lớn trong nước cũng đang xúc tiến nghiên cứu đầu tư vào Quảng Nam như SunGroup, Tập đoàn T&T, Vingroup, Công ty Hào Hưng, Công ty An Việt Phát, Tập đoàn Tín Thành, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, liên doanh các nhà đầu tư Singapore… Trong đó, Công ty Nutifood đầu tư vào Công ty CP Thương mại - Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam khoảng 2.000 tỷ đồng...
Chưa nhiều nhà đầu tư lớn “xông đất” triển khai dự án quy mô bằng một số tỉnh thành đã nêu trên, cho nên Quảng Nam sẽ còn nhiều việc phải làm nếu muốn có thêm xung lực mạnh thúc đẩy phát triển.
Nếu Việt Nam như là “ngôi sao đang lên” của các chuỗi sản xuất cung ứng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì mỗi tỉnh thành đang cạnh tranh thu hút đầu tư làm đại bản doanh cho các tập đoàn, dự án lớn.
Trong bối cảnh đó, việc tạo mặt bằng sạch, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính, đồng thời triển khai cơ chế chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư, vẫn là những đòi hỏi cấp bách.
Đặc biệt lưu ý thực hiện một giải pháp quan trọng như Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nêu ra là “xây dựng cơ sở dữ liệu số về đất đai để quản lý hiện trạng và rút ngắn thời gian cho giải phóng mặt bằng triển khai các dự án; số hóa các thông tin về quy hoạch và thu hút đầu tư để đảm bảo tính minh bạch và tiện dụng”.
Thời cơ không chờ đợi những ai chậm chân.
Phần thắng trong thu hút đầu tư thường dành cho mảnh đất lành hội tụ thiên thời - địa lợi - nhân hòa.