Giữa trập trùng gian khó, đất và người Tiên Lãnh đã kiên gan gầy đắp nên những trang sử oai hùng. Dòng nước sông Tranh, sông Tum lẫn ý chí của người dân xứ Tiên trong kháng chiến vẫn đang miệt mài đắp bồi phù sa cho mảnh đất nơi thượng nguồn Tiên Lãnh thêm xanh …
Những trầm tích oai hùng
Tiên Lãnh mùa lúa đang xanh. Nắng nhẹ, sương còn vương trắng trên cánh đồng dọc hai bên tỉnh lộ. Tháng 3, khắp các nẻo đường rợp cờ hoa, như đánh thức niềm hân hoan của ngày quê hương Tiên Phước hoàn toàn giải phóng 40 năm về trước. Trước thềm kỷ niệm trọng đại ấy, những cán bộ lão thành, những cựu binh từng đổ máu xương trên quê hương Tiên Lãnh rưng rưng kể với nhau câu chuyện về một thời hoa lửa. Họ là du kích, là cựu binh trong đội quân chủ lực giải phóng, là dân công trong những ngày cuộc chiến còn ác liệt, đã ở lại với quê hương từ ngày đó đến nay. Đứng trước những người về từ cuộc chiến ấy, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Lãnh Trần Thế Tôn trịnh trọng đọc lại diễn biến của chiến dịch giải phóng Tiên Phước - Phước Lâm. Thi thoảng bên dưới có tiếng nhắc “trận này có tui”, “trận này X. hy sinh”… Không ít người trong số đó vĩnh viễn để lại một phần cơ thể của mình ở đâu đó, trên mảnh đất này…
Những cánh đồng lên xanh nhờ bàn tay cần mẫn của người Tiên Lãnh.Ảnh: GIANG ANH |
Lần giở lại những trang sử của Đảng bộ xã Tiên Lãnh trong kháng chiến, mới thấy mảnh đất này lưu giữ biết bao trầm tích oai hùng. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây từng là điểm đóng quân của trại sản xuất Hoàng Hữu Nam, trại quản lý quân binh 150 của Quân khu V, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Lê Văn Hiến chọn làm nơi đặt kho bạc, kho muối và kho thóc chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến… Đến kháng chiến chống Mỹ, đây cũng là nơi đóng quân của Tiểu đoàn 70, đoàn hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, khu căn cứ của Huyện ủy Tiên Phước… Những ngày hoa lửa ấy, Tiên Lãnh là nơi bảo bọc, chở che cho cơ sở cách mạng. Hưởng ứng lời kêu gọi của cách mạng, nhiều gia đình tự nguyện đem tư trang, của hồi môn bằng vàng đóng góp cho “Tuần lễ vàng” như ông Phùng Thiện, ông Huỳnh Khiêm, bà Phùng Thị Mãn, Tạ Thị Muôn… Hay mảnh đất Gò Đu còn giữ hình ảnh những người thanh niên “Nam tiến”, đọc lời tuyên thệ sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, rồi bước lên “Cầu vinh quang” trong tiếng vỗ tay vang dội của dân làng. Đó chính là những hồi ức không thể nào quên trong lòng những người đã ngã xuống, và những người đang sống hôm nay.
Trường Tiểu học Tiên Lãnh. |
Ông Phùng Hải Vân, nguyên Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Tiên Lãnh nói, sức mạnh để mảnh đất này đi qua hai cuộc kháng chiến chính là tình quân dân son sắt, là sự đồng thuận của nhân dân với bộ đội, với Đảng và Bác Hồ. Ông Vân cũng là một trong những thanh niên của Tiên Lãnh ngày ấy xung phong bước lên “Cầu vinh quang” để tòng quân ra trận. “Địch có chà qua xát lại bao nhiêu lần, người dân vẫn bảo vệ được cơ sở cách mạng, đánh trả những đợt tấn công. “Mùng ba bom nổ, mùng mười sắn lên”, cứ thế bền bỉ kháng chiến” - ông Vân nói. Mẹ của ông Vân, năm nay đã 95 tuổi, vẫn còn nhớ như in chuyện cán bộ cách mạng vượt trận lũ lớn, cứu 20 ang lúa được gia đình cất giấu bên kia sông vào tháng 11 âm lịch năm 1966. Dân Tiên Lãnh nuôi bộ đội bằng “con gà kháng chiến”, “buồng chuối kháng chiến”, chở che cách mạng bằng tấm lòng kiên trung của mình. Trong những niềm tự hào về tấm gương tham gia kháng chiến, có cả những phụ nữ như cô Ba Sừng, tức bà Trịnh Thị Ngọc Lan, đã anh dũng chỉ huy 5 chuyến đò đưa bộ đội vượt sông Tranh giải phóng Lãnh - Ngọc. Cô Ba Sừng - người mang 2 dòng máu Lào - Việt, đã một mình chèo chống một chiếc thuyền, trong khi bốn thuyền kia phải hai người mới dám vượt sông giữa cơn mưa nguồn dữ dội: “Mệnh lệnh vượt sông vừa ban ra, cô Ba Sừng cúi đầu, chống dầm xuống nước, chiếc thuyền lao tới… (Trích tập ký sự “Vượt sông: Chuyện kể về tiểu đoàn 70 Quảng Nam anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” của Trần Trúc Tâm). Những câu chuyện, những xúc cảm vẫn nằm ngồn ngộn đâu đó trong lịch sử, trong hồi ức của những người trở về, trong niềm tự hào về quá khứ oai hùng của mảnh đất xanh ngút ngàn Tiên Lãnh. Đó đây trong vườn nhà họ, vẫn còn dấu tích của những đoạn giao thông hào, hầm trú ẩn ngày xưa…
Điểm đặt vai
Giữa chênh vênh đồi núi, dân Tiên Lãnh miệt mài be bờ, nhặt dời từng viên đá, tìm chỗ cho cây lúa lên xanh. Đâu đâu cũng thấy ngút ngàn ruộng đồng, cây trái. Từ thuở lập làng, dân trong vùng đã quen tự cấp, tự túc, với vô vàn kinh nghiệm dân gian về sản xuất, thời vụ. Hoặc nhìn ong làm tổ trên cao mà biết sẽ có lụt lội nhiều, dưới thấp ắt có bão, gió to; hoặc bắt ếch làm thịt, xem xương đùi, nếu đen phần trên thì mưa vào đầu tháng, đen phần dưới thì mưa cuối tháng, nếu xương đen toàn phần thì mưa nhiều, không đen thì trời hạn… Đất đai cứ thế “thuần phục” dưới bàn tay con người, báo ân những giọt mồ hôi bằng mùa bội thu.
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Xuyến, nguyên Bí thư - Chủ tịch xã Tiên Lãnh thời kháng chiến chống Mỹ. Ông kể, đầy tự hào, rằng đây là nơi duy nhất từng được mệnh danh “Miền Bắc xã hội chủ nghĩa thu nhỏ” ở Quảng Nam. Ấy là thời kỳ 1961-1967, giai đoạn Tiên Lãnh được đánh giá là vùng giải phóng tương đối an toàn, khi quân viễn chinh Mỹ chưa trực tiếp càn quét vào địa phương, chỉ tấn công bằng pháo tầm xa, máy bay ném bom… Vừa là nơi đóng quân của các cơ quan, đơn vị bộ đội, Tiên Lãnh vừa là hậu phương đi đầu trong sản xuất phục vụ kháng chiến. Đây cũng trở thành điểm “trung chuyển” an toàn cho cán bộ tập kết ra Bắc và cán bộ trở về sau Nghị quyết 15 để thực hiện chuyển hướng cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Đồng lòng sản xuất, chiến đấu, quân và dân mảnh đất anh hùng Tiên Lãnh đã đẩy lùi những cuộc tiến công của địch, tham gia hàng loạt chiến dịch lớn, trong đó có chiến dịch vượt sông Tranh để giải phóng Lãnh - Ngọc, rồi làm bàn đạp vượt sông Tiên giải phóng vùng Sơn - Cẩm - Hà rộng lớn, làm cái nôi cho các đơn vị vũ trang của tỉnh, của quân khu lớn mạnh, sẵn sàng cho cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975…
Khói lửa chiến tranh rồi cũng tan, Tiên Lãnh tiếp tục hòa mình vào cuộc dựng xây quê hương thời đổi mới. Dù lưới điện mới kéo về chưa đầy 15 năm, mảnh đất này vẫn âm thầm nhen nhóm sức sống từ nội lực kinh tế tiềm tàng của mình. Ông Võ Hồng Nhiệm, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh nói vui, rằng Tiên Lãnh như “điểm đặt vai” của nhiều đòn gánh, bởi từ lâu đây đã là trung tâm trao đổi, mua bán của các vùng lân cận như Trà Đốc (Bắc Trà My), Phước Gia (Hiệp Đức). Thậm chí, xã lân cận Tiên Lãnh là Tiên Ngọc, dù gần trục đường chính hơn, vẫn không nhộn nhịp bán mua như Tiên Lãnh. Thời giao thông cách trở, còn là vùng đất heo hút phía núi, người dân đã băng bộ gánh đường từ Hiệp Đức lên đổi, dân từ rừng Trà My cũng đổ về. Đã có một thời gian khó đi vào ca dao “Chừng mô Tiên Lãnh tiêu tiền/ Trà My đông chợ hai miền gặp nhau”. Đất nước thống nhất, “hai miền gặp nhau” cũng là lúc Tiên Lãnh khoác lên mình màu áo mới, màu áo của những đổi thay. Nội lực cho kỳ vọng ấy, là gần 7.200ha đất sản xuất, 2.400ha rừng trồng, từ nơi “không có nổi một tấm bằng sau giải phóng” đến hơn 300 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng đang làm việc trong và ngoài địa phương. Chợ Tiên Lãnh hiện tại đang là tấm áo quá chật cho nhu cầu kinh doanh ngày một đông với hơn 180 hộ đang làm đơn đăng ký kinh doanh, đủ để biết sức hút của thương mại, dịch vụ nơi này. Phát huy lợi thế từ rừng, Tiên Lãnh được chọn làm một trong 2 xã điểm trên toàn tỉnh triển khai cấp chứng chỉ rừng cho nhân dân, với nỗ lực xóa bỏ tình trạng người dân “bán gỗ keo như bán rau” vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Những mô hình kinh tế đa canh, thương mại dịch vụ phủ khắp mảnh đất hình cánh cung bọc lấy trung tâm xã càng làm đủ đầy hơn mảng màu kinh tế địa phương bây giờ…
Ghi chép của PHƯƠNG GIANG - VINH ANH