Cùng với quy định mức bồi thường đơn giá các loại cây trồng, hoa màu và mật độ cây trồng, UBND tỉnh cũng quy định các loại con vật nuôi để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.
Đối với tôm sú nuôi trong ao, hồ đất, theo quy định của ngành nuôi trồng thủy sản, thời gian nuôi đối với tôm sú bắt đầu từ ngày 1.3 đến ngày 30.9 dương lịch hằng năm và thời gian người sản xuất bắt đầu cải tạo ao, hồ từ tháng 2 dương lịch. Do đó, việc bồi thường, hỗ trợ được tính mức cao hay thấp tùy thuộc vào thời điểm thu hồi đất. Mức bồi thường cao nhất là 19.200 đồng/m2.
Đối với tôm thẻ chân trắng, chỉ hỗ trợ cho những vùng nuôi nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm của tỉnh; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện theo đúng lịch mùa vụ theo quy định của cơ quan chuyên ngành NN&PTNT về quy định lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ. Đối với máy móc, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ cho việc nuôi tôm phải tháo gỡ, di dời thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với chủ đầu tư, UBND cấp xã, các cơ quan liên quan xác định mức hỗ trợ hợp lý, phù hợp với chi phí tháo dỡ, di dời tại thời điểm có quyết định thu hồi đất và cùng chịu trách nhiệm, lập thành biên bản tập hợp vào phương án bồi thường, hỗ trợ trình UBND tỉnh hoặc UBND huyện phê duyệt.
Đối với cua nuôi trong ao, trường hợp có thông báo của cấp có thẩm quyền cho người sản xuất tiếp tục nuôi cho đến chu kỳ thu hoạch của vụ đó; thu hoạch xong mới thực hiện thu hồi đất, được hỗ trợ thêm với mức 7.800 đồng/m2. Trường hợp, ao nuôi hải sản nước lợ có nuôi ghép (tôm sú nuôi ghép với cua) thì áp dụng mức hỗ trợ hoặc bồi thường cao nhất (một trong hai loại con nuôi).
Đối với nghêu nuôi, việc bồi thường, hỗ trợ đối với nghêu nuôi dựa trên số ngày đã thả nuôi. Đối với ba ba nuôi, ếch, cá lóc nuôi trong bể xi măng, mức bồi thường, hỗ trợ tùy thuộc vào trọng lượng. Đối với ba ba giống bố, mẹ nuôi sinh sản đề nghị áp dụng mức hỗ trợ di chuyển không quá 30% giá trị khi bán (theo giá thương phẩm) theo giá thị trường tại thời điểm định giá. Đối với các loại cá nước ngọt khác (cá chép, trắm, mè, trôi, cá rô phi, cá chim trắng …) trong ao đất, mức hỗ trợ tính theo chiều dài. Cá có chiều dài trên 20cm, hỗ trợ 1.800 đồng/con; hỗ trợ công đào ao khi thu hồi đất: 7.800 đồng/m2. Hỗ trợ tiền công thu hoạch đối với con nhông theo đơn vị diện tích đang sử dụng với mật độ: 8 - 10 con/m2, với đơn giá 18 nghìn đồng/m2.
Đối với những con vật nuôi thủy sản, con vật nuôi khác có trong thực tế kiểm kê nhưng chưa có trong danh mục nêu trên thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với chủ đầu tư, UBND cấp xã và cơ quan liên quan xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ lập thành biên bản có chữ ký của các thành viên, lập danh mục riêng tập hợp vào phương án bồi thường, hỗ trợ trình UBND tỉnh hoặc UBND huyện phê duyệt, tùy trường hợp.
Đối với tài sản khai thác nghề biển, nghề sông, hỗ trợ 1 lần để trông giữ tàu, thuyền cho đối tượng khai thác nghề biển. Trong đó, cao nhất là hỗ trợ cho tàu có động cơ từ 60CV trở lên (5 triệu đồng/phương tiện); thấp nhất là hỗ trợ thuyền, ghe, thúng hành nghề (1 triệu đồng/phương tiện). Mức hỗ trợ tối đa cho mỗi hộ không quá 2 phương tiện. Trường hợp nhiều hộ góp vốn mua chung 1 phương tiện, thì cử người đại diện nhận tiền.
Mức hỗ trợ chi phí đầu tư, chi phí di chuyển, lắp đặt lại tài sản (nếu có địa điểm khai thác mới) cho đối tượng khai thác thủy sản trên sông cao nhất dành cho rớ quay: 5 triệu đồng/cái; và thấp nhất dành cho nò: 400 nghìn đồng/cái.
BẢO NGUYÊN