Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.
Từ 29.11, nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH được đơn giản hóa. Trong đó, tham gia BHXH, BHYT giúp người lao động an tâm làm việc. Ảnh: C.N |
Theo đó, nhiều thủ tục được đơn giản hóa như: giải quyết hưởng chế độ thai sản; giải quyết hưởng chế độ tử tuất; giải quyết di chuyển đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và người chờ hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ tỉnh này đến tỉnh khác; giải quyết hưởng trợ cấp hằng tháng; giải quyết hưởng trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu… Nghị quyết có hiệu lực ngày 29.11. Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH lập đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật BHXH năm 2014 theo quy định gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi Chính phủ xem xét, thông qua chính sách để báo cáo đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Đối với việc sửa đổi các văn bản dưới luật, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định để sửa đổi các nội dung liên quan; giao BHXH Việt Nam sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản liên quan; đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định kê khai thông tin về số định danh cá nhân vào tờ khai, biểu mẫu văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ của BHXH Việt Nam.
Chế độ thai sản và tử tuất
Về thủ tục “giải quyết hưởng chế độ thai sản”, nghị quyết nêu rõ, bỏ thành phần hồ sơ là bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 101 Luật BHXH năm 2014. Đối với thủ tục “giải quyết hưởng chế độ tử tuất”, bỏ thành phần hồ sơ là bản sao giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 111 Luật BHXH năm 2014.
Lương hưu và trợ cấp
Về thủ tục “giải quyết di chuyển đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và người chờ hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ tỉnh này đến tỉnh khác”, bỏ thành phần hồ sơ là bản sao hộ khẩu thường trú tại nơi cư trú mới, bản sao chứng minh nhân dân/hộ chiếu theo quy định tại Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22.4.2016 của BHXH Việt Nam. Đối với thủ tục “Giải quyết hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 613/QĐ-TTg” của Thủ tướng Chính phủ, bỏ thành phần hồ sơ là giấy chứng tử hoặc giấy báo tử đối với trường hợp đề nghị hưởng trợ cấp mai táng khi giải quyết chế độ theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg được quy định tại Công văn số 1969 BHXH/CĐCS ngày 26.9.2000 và Công văn số 1614 BHXH/CĐCS ngày 14.9.2001 của BHXH Việt Nam.
Về thủ tục “giải quyết hưởng trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg”, bỏ thành phần hồ sơ là giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc quyết định của tòa án tuyên bố là đã chết đối với trường hợp nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp nhưng chưa được giải quyết, đã chết từ ngày 1.1.2012 trở đi được hướng dẫn tại Công văn số 4281/BHXH-CSXH ngày 29.10.2013 của BHXH Việt Nam. Thủ tục “giải quyết điều chỉnh thông tin về nhân thân đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; điều chỉnh, hủy quyết định, chấm dứt hưởng BHXH”, bỏ thành phần hồ sơ là giấy khai sinh được quy định tại tiết b điểm 3 Công văn số 3228/BHXH-CSXH ngày 4.9.2014 của BHXH Việt Nam hướng dẫn điều chỉnh thông tin về nhân thân trong hồ sơ hưởng BHXH hằng tháng. Thủ tục “truy lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hoặc trợ cấp một lần của người hưởng đã chết nhưng còn những tháng chưa nhận”, bỏ thành phần hồ sơ là giấy chứng tử hoặc giấy báo tử quy định tại điểm 4.2 khoản 4 Điều 21 Quyết định số 828/QĐ-BHXH ngày 27.5.2016 của BHXH Việt Nam quy định về quản lý chi trả các chế độ BHXH.
Khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế
Nghị quyết 125 cũng quy định đơn giản hóa nhiều thủ tục thuộc lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, đối với thủ tục “khám chữa bệnh BHYT”, nghị quyết quy định bỏ thành phần hồ sơ giấy khai sinh đối với trẻ em dưới 6 tuổi được quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24.11.2014 của Liên bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT. Về thủ tục “thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT”, bỏ thành phần hồ sơ giấy khai sinh đối với trẻ em dưới 6 tuổi được quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24.11.2014 của Liên bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT. Thủ tục “Cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH, thẻ BHYT”: bỏ thành phần hồ sơ là giấy khai sinh; sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.
Ngoài ra, Nghị quyết 125 cũng quy định đơn giản hóa về tờ khai, biểu mẫu. Trong đó, một số biểu mẫu bỏ thông tin ngày, tháng, năm cấp chứng minh thư nhân dân; bổ sung số định danh cá nhân của người có liên quan...
TÙNG CHI