Đón làn sóng đầu tư FDI

TRỊNH DŨNG 22/06/2016 09:53

Quảng Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư, nhưng làm gì để đón dòng vốn lớn trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thời hội nhập kinh tế vẫn là vấn đề đáng quan tâm.

Sôi động

Việc thu hút dòng vốn FDI vào Quảng Nam tiếp tục sôi động khi nhiều nhà đầu tư khởi công dự án và tăng vốn mở rộng dự án trong vòng 6 tháng qua. Ngày 13.1.2016, nhà máy Sasaki Shoko Việt Nam (chuyên về sản xuất lưới lồng chochin và các loại lưới khác phục vụ nuôi trồng thủy sản) đã khánh thành tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc sau 7 tháng thi công xây dựng. Mười ngày sau đó, cũng tại khu công nghiệp này, nhà máy M&H Industry Việt Nam cũng được đưa vào sản xuất. Mới đây nhất, 46 nhà cung cấp linh kiện, vật tư cho Tập đoàn Mazda (Nhật Bản) đã  đến Chu Lai xúc tiến đầu tư và nhiều nhà đầu tư khác cũng thỏa thuận địa điểm, chuẩn bị đầu tư vào Chu Lai và ngày 24.4, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD được khởi công xây dựng, hứa hẹn sẽ tạo ra khoảng 2.000 việc làm với cam kết đào tạo chuyên môn khách sạn, dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế cho người lao động địa phương, đóng góp đáng kể vào số thu ngân sách Quảng Nam.

Doanh nghiệp Sedo Vinako - một trong những doanh nghiệp FDI đang hoạt động hiệu quả tại Quảng Nam.Ảnh: T.DŨNG
Doanh nghiệp Sedo Vinako - một trong những doanh nghiệp FDI đang hoạt động hiệu quả tại Quảng Nam.Ảnh: T.DŨNG

Theo thống kê, trong vòng 6 tháng qua đã có 6 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn đăng ký hơn 84 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 128 dự án với tổng vốn đăng ký 2,1 tỷ USD. Theo nhận định của các cơ quan quản lý, số dự án này thực sự là những dự án có đủ khả năng phát triển. Hiện tại nhiều tập đoàn lớn vẫn rót vốn mở rộng đầu tư kinh doanh, một số dự án vượt qua khó khăn, chính thức triển khai. Đây là chỉ dấu, tín hiệu tích cực của dòng vốn FDI, bắt đầu giai đoạn khai thông sau nhiều năm bị nghẽn dòng. Ông Byung - Tae, Kim - Giám đốc Sedo Vinako ở Đông Yên (Duy Trinh, Duy Xuyên) - doanh nghiệp FDI, xuất khẩu 100% mặt hàng lều, bạt, túi xách… cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh Quảng Nam vẫn đang hấp dẫn. Doanh nghiệp đã nhận được nhiều hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nên quyết định mở rộng dự án đầu tư giai đoạn 2, thu hút thêm 1.500 lao động.

Theo các chuyên gia kinh tế, giữa bối cảnh kinh tế thế giới đang bị suy thoái, các tập đoàn đa quốc gia đang cắt giảm danh mục dự án đầu tư ra nước ngoài, trong khi đó các quốc gia và địa phương đang cạnh tranh quyết liệt để thu hút FDI thì việc Quảng Nam thực sự lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư tiềm năng chính là nhờ sự năng động trong vận dụng cơ chế chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực xây dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh và đề ra các chính sách thu hút phù hợp. Những kết quả ấy đặt nền móng vững chắc cho Quảng Nam bước vào một giai đoạn mới với mục tiêu tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững hơn khi năm 2016 tham gia cộng đồng chung ASEAN và thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực.

Cơ hội đón làn sóng đầu tư mới

Trong một phỏng vấn mới đây trên báo Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng khó khăn chung của nền kinh tế đã khiến thu hút đầu tư chậm. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn dù khá mạnh vẫn phải cơ cấu lại danh mục đầu tư. Họ ưu tiên dự án có tính khả thi cao, ít mang lại rủi ro và dễ sinh lời trong ngắn hạn. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là sẽ thay đổi xúc tiến đầu tư đại trà, tràn lan bằng xúc tiến chọn lọc, theo từng chuyên đề. Điều này sẽ mang lại nguồn gió mới cho FDI cho dù có muộn.

Dự báo FDI sẽ tốt hơn bởi sự hội nhập của Việt Nam sẽ tiếp nhận làn sóng đầu tư từ các khu vực kinh tế. Những văn bản pháp lý về FDI cũng đã rõ ràng hơn về tài chính cũng như quy hoạch, đội ngũ nhân lực đã được nâng cao hơn sau nhiều năm sàng lọc và tiếp xúc với giới đầu tư nước ngoài. Khả năng sẽ khôi phục mạnh chỉ trong một vài năm tới. Nhiều nhà kinh tế khuyến cáo trình độ lao động, cơ sở hạ tầng hiện tại chưa thể đáp ứng yêu cầu nên các nhà đầu tư chỉ mới dừng ở các dự án dịch vụ. Để đón được làn sóng đầu tư mới này, rất cần cơ chế, chính sách đầu tư thay đổi thì mới có kết quả tốt. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần 1% có lãi là họ sẽ không ngần ngại đầu tư, nhưng Quảng Nam có đủ cơ sở để tạo ra 1% ấy cho doanh nghiệp không mới là điều đáng để bàn. Ông Tạ Minh Huy - Tổng hội trưởng Tổng Hiệp hội thương mại Đài Loan tại Việt Nam nói những thông tin hữu ích từ cuộc tiếp xúc với chính quyền Quảng Nam và cuộc khảo sát từ ngày 17 đến 19.6.2016 sẽ tạo cơ sở cho doanh nghiệp Đài Loan sớm xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam trong nay mai. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng trong khi chờ đợi dấu hiệu khả quan của nền kinh tế, một trong những ưu tiên hàng đầu của Quảng Nam là nâng cao hiệu quả các dự án còn hiệu lực. Chính quyền sẽ tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả tại địa phương. Quảng Nam sẽ dồn sức để huy động nguồn ngân sách xây dựng kết cấu hạ tầng, các nguồn năng lượng phục vụ sản xuất, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách chính sách kinh tế và thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động xúc tiến, thu hút và triển khai các dự án đầu tư FDI và tạo một hành lang pháp lý cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư và mở rộng dự án.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đón làn sóng đầu tư FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO