(Xuân Nhâm Dần) - Vùng động lực ven biển với hạ tầng được đầu tư đồng bộ, được kỳ vọng sẽ đưa con tàu kinh tế Quảng Nam tăng tốc mạnh mẽ trong những năm đến.
Hoàn thiện hệ thống giao thông
Đường Võ Chí Công được ví như quốc lộ 1 ven biển sắp khai thông toàn tuyến; sẽ kết nối cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chạy song song, bằng các trục ngang đang được đẩy mạnh đầu tư xây dựng.
Ở khu vực ven biển, mạng lưới giao thông phát triển đa dạng với hệ thống đường bộ, đường sắt, vận tải biển và hàng không. Các khu công nghiệp, đô thị, du lịch lớn… hầu hết được xây dựng ở vùng động lực này.
Về định hướng, tỉnh xác định đầu tư phát triển vùng ven biển trở thành chuỗi đô thị, là trung tâm dịch vụ, du lịch, phát triển công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đưa kinh tế biển và vùng ven biển của tỉnh giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế.
“Vệ tinh” phát triển năng động nằm ở các khu công nghiệp trên địa bàn Núi Thành, với sự dự phần của nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có tập đoàn Trường Hải (Thaco). Ngoài sản xuất ô tô, phát triển công nghiệp phụ trợ, Thaco còn mở rộng đầu tư thêm lĩnh vực nông - lâm nghiệp, hậu cần cảng và logistics gắn với cảng biển.
Tín hiệu vui là mới đây, HĐND tỉnh đã đưa hai dự án hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư 4.350 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Đó là dự án đường nối Khu công nghiệp Việt - Hàn đi đường Võ Chí Công và ĐT613B bao gồm cả hạng mục cầu bắc qua sông Tam Kỳ, cầu qua sông Trường Giang và tuyến nối cảng Kỳ Hà đi quốc lộ 1 với chiều dài khoảng 6km.
Hai dự án này nhằm hiện thực hóa quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư vào Chu Lai, thúc đẩy phát triển trung tâm dịch vụ logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Cơ hội cho các tập đoàn lớn
Tại vùng Đông, dọc tuyến đường xương sống Võ Chí Công, hàng loạt khu dân cư đô thị, dịch vụ quy mô hàng nghìn héc ta đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng.
Đó là khu đô thị đông nam Thăng Bình 2 được quy hoạch với diện tích 2.785ha; khu đông nam Thăng Bình 3 quy mô 1.828ha. Thaco đang nghiên cứu đầu tư khu đô thị Chu Lai quy mô 329ha và khu đô thị cao cấp Tam Hòa - Tam Tiến (Núi Thành).
Còn tại TP.Tam Kỳ, Tập đoàn Sun Group đề xuất nghiên cứu đầu tư khu đô thị và cảnh quan hai bên đường Điện Biên Phủ, đoạn từ sông Kỳ Phú đến quảng trường biển Tam Thanh; Tập đoàn FPT nghiên cứu đầu tư khu đô thị công nghệ FPT quy mô khoảng 300ha. Ở phía bắc của tỉnh, Tập đoàn Sun Group đang nghiên cứu đầu tư, lập quy hoạch dự án khu đô thị ven sông Vĩnh Điện (Điện Bàn)...
Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - ông Bùi Ngọc Ảnh thông tin, thành phố đã có các “ông lớn” đăng ký đầu tư. Quan điểm của địa phương là không kêu gọi đầu tư xé lẻ mà săn đón tập đoàn có tiềm lực tài chính và thương hiệu, đầu tư đồng bộ, quy mô lớn, có thể đi chậm nhưng bền vững và khác biệt.
Thời gian qua, nhờ hạ tầng giao thông hoàn thiện cùng với việc dự trữ quỹ đất sạch, vùng đông Tam Kỳ thu hút các tập đoàn lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Hạ tầng tốt là chưa đủ, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, động lực phát triển khu vực ven biển nằm ở chỗ có quy hoạch chiến lược, đúng định hướng. Quan điểm xuyên suốt của tỉnh là không vội vàng lấp đầy dự án mà đón các nhà đầu tư có tiềm lực.
“Chất lượng quy hoạch phải đặt lên hàng đầu, việc thu hút đầu tư phải bám chặt vào quy hoạch, không để xảy ra tình trạng thu hút dự án manh mún, xé lẻ. Vùng Đông chỉ thu hút các dự án có quy mô tối thiểu vài trăm héc ta trở lên, thay vì giao đất nhỏ lẻ, dễ phát sinh vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.