Cầu Cửa Đại hoàn thành đã mở ra những cơ hội mới cho các xã vùng đông Duy Xuyên nhờ sự lan tỏa khách từ phía Hội An sang. Tuy nhiên, đi cùng với niềm vui là những âu lo về sinh kế người dân khi làn sóng du lịch tràn vào.
Từ khi cầu Cửa Đại thông tuyến, những ngôi làng thuộc các xã Duy Nghĩa, Duy Hải bắt đầu có khách viếng thăm. Nhiều cụ già nheo mắt nhìn lạ lẫm còn lũ nhỏ thì hồn nhiên chào khách bằng câu từ tiếng Anh ngọng nghịu. Du lịch đã bắt đầu manh nha sang bên kia bờ nam sông Thu Bồn. Viễn cảnh về một tương lai tươi sáng khi những dự án du lịch đã được phê duyệt và đang rục rịch khởi động. Trong đó, dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với diện tích hơn 985ha vắt qua hai huyện Duy Xuyên, Thăng Bình khởi công trong năm 2016 được kỳ vọng sẽ biến vùng đông Duy Xuyên thành một trung tâm dịch vụ du lịch nổi trội không chỉ của Quảng Nam mà trong cả nước.
Du khách tìm hiểu nghề chế biến nước mắm của người dân vùng đông Duy Xuyên.Ảnh: V.LỘC |
Bước chuyển động
Ông Nguyễn Tấn Nam – Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa không giấu được niềm vui bởi khát vọng về một cây cầu nối đôi bờ Cửa Đại bao đời nay đã không còn là giấc mơ nữa. Từ đây người dân có thể dễ dàng qua lại Hội An làm việc; hàng hóa, nông sản cung cấp các nhà hàng bên phố cũng sẽ có giá hơn do hết cách trở đò giang. Đặc biệt, dự án đầu tư xây dựng các khu du lịch bờ nam Thu Bồn đang hứa hẹn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân vốn lâu nay chỉ gắn với ruộng vườn, cát trắng. “Dân mừng lắm, ai cũng hy vọng đời sống sẽ thay đổi khi có du lịch, giống như bên Hội An vậy” - ông Nam chia sẻ.
Để đón đầu du lịch, bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền phát động nhân dân học ngoại ngữ, định hướng ngành nghề sản xuất, xã cũng xây dựng nhiều kế hoạch cụ thể theo hướng dịch vụ, du lịch như nâng cấp chợ Nồi Rang thành điểm du lịch thương mại trọng tâm của vùng đông, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai quy hoạch chi tiết khu tái định cư Lệ Sơn làm cơ sở để xây dựng trung tâm dịch vụ tổng hợp với các chức năng như khu dịch vụ, giải trí văn hóa, thể thao; khu ăn uống nhà hàng, ẩm thực; khu dịch vụ lưu trú, khách sạn…. nhằm hỗ trợ cho dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An khi triển khai.
Cầu Cửa Đại hoàn thành đã mở ra những cơ hội mới cho người dân các xã vùng đông Duy Xuyên.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Tương tự, tại xã Duy Hải, thời gian qua chính quyền cũng đã tổ chức tuyên truyền cho người dân về chủ trương phát triển du lịch, về cung cách ứng xử văn minh, lối sống đô thị; xây dựng chương trình đào tạo nghề gắn với sản phẩm tại chỗ như chế biến mắm, hải sản khô phục vụ du lịch. Đặc biệt là bố trí riêng khu vực làm rau sạch, đề xuất khu chăn nuôi tập trung, khuyến khích các làng nghề hải sản truyền thống phát triển, sản xuất theo hướng du lịch. Ngoài ra, xã cũng đang tiến hành khảo sát và lập hồ sơ để hình thành khu dịch vụ biển, dịch vụ du lịch nhằm liên kết, kết nối với các điểm di tích lịch sử đã được công nhận để giới thiệu cho khách tham quan như bến An Lương, chùa Thanh Lương; kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch sông nước, làng quê, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn… với kỳ vọng du lịch sẽ làm thay đổi vùng cát này.
Nỗi lo sinh kế
Cầu Cửa Đại hoàn thành đã thật sự mở ra viễn cảnh làm thay đổi diện mạo của cả vùng đông và xa hơn là các huyện phía nam của tỉnh. Tuy vậy, song hành cùng kỳ vọng là bao âu lo sinh kế, nhất là những hộ dân trong vùng giải tỏa để dành đất cho dự án. Ông Nguyễn Hồng Danh, người dân thôn Tây Sơn Đông (Duy Hải) bộc bạch, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân trong làng bao đời qua chỉ biết nghề biển, đánh ruốc phơi khô, trình độ không có, ngoại ngữ lại càng không, nay du lịch tới chẳng biết làm gì. “Nhà nước giải tỏa lấy đất làm dự án du lịch, phát triển kinh tế dân ủng hộ nhưng ngẫm lại cũng nhiều băn khoăn. Bây giờ vô khu tái định cư thì biết làm gì đây, đánh ruốc về cũng không có chỗ phơi. Còn xin vào làm trong các khu du lịch chắc gì họ nhận vì mình lớn tuổi rồi, nghề nghiệp chuyên môn cũng không, nên vui thì có nhưng mà lo cũng nhiều” - ông Danh chia sẻ.
Cùng tâm trạng trên, ông Nguyễn Quang - Trưởng thôn Sơn Viên (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) thì lo lắng về các tệ nạn xã hội, thái độ ứng xử của dân với khách, giữa làng xóm với nhau khi có du lịch; rồi những ưu tư, lo lắng về nguy cơ người dân “đứng bên lề” khi làn sóng du lịch tràn về. “Bao đời nay có biết du lịch là gì đâu, nay nghe nói huyện sẽ phối hợp với xã mở lớp đào tạo tiếng Anh và các nghề dịch vụ khác cho người dân thì cũng khấp khởi, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Mà không biết tiếng Anh thì làm sao làm du lịch được, chưa nói mình có học nổi không nữa” - ông Quảng tâm sự. Trong tổng số hơn 985ha đất của dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An thì xã Duy Hải bị giải tỏa nhiều nhất với 526ha cùng khoảng 2.200 hộ dân phải di dời. Riêng Duy Nghĩa là gần 240ha đất cùng 600 hộ dân di dời vào khu tái định cư để giao lại cho dự án. Vì vậy, bài toán sinh kế cho người dân khi không còn đất sản xuất, canh tác vẫn là một câu chuyện dài phía trước.
Việc kết nối cầu Cửa Đại đã mang đến những đột phá về hạ tầng, giúp thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội của cả vùng đông phát triển theo hướng thương mại dịch vụ. Đặc biệt, sự ra đời của dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với nhiều hạng mục công trình hạ tầng quan trọng phục vụ du lịch đòi hỏi sẽ cần một nguồn nhân lực rất lớn, ước tính khoảng 5.000 lao động có chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động khi dự án hoàn thành, nên ngay từ bây giờ việc đào tạo nghề cho lao động tại chỗ là rất cấp thiết. Trong buổi gặp mặt doanh nghiệp du lịch cuối năm vừa diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý: “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Quảng Nam là vấn đề cấp thiết. Vì vậy, từ năm 2016 sẽ có một chương trình đào tạo nghề về du lịch, đối tượng chủ yếu tập trung vào 3 khu vực là Duy Xuyên, Điện Bàn và Hội An nhằm phục vụ cho dự án Nam Hội An sắp tới”.
VĨNH LỘC