Chiếc tàu QNa-91945 của ngư dân Nguyễn Thanh Vương và Đỗ Thanh Cảnh (cùng thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) vừa cập bờ sau chuyến “ăn tết” ở biển Hoàng Sa. Chuyến biển bội thu đã tiếp thêm động lực để các ngư dân vươn khơi trong những ngày tới.
Chuyến biển bội thu
Lúc 10 giờ ngày mùng Bảy tết (ngày 3.2), tàu cá QNa-91945 ghé vào Trạm kiểm soát biên phòng An Hòa (xã Tam Hải, Núi Thành). Con trai của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Vương là ngư dân trẻ Nguyễn Lý Minh Tây đứng ở mũi tàu nói to: “Về đất liền rồi. Bán cá xong là đón tết trên bờ. Mùng 7 chưa phải là hết tết”. Chủ tàu nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết và sau đó cho tàu cập cảng Tam Quang. Trên bờ, 2 xe đông lạnh chờ sẵn. Có hơn 20 lao động nữ tiến về phía cầu cảng. Như có sự phân công từ trước, những sọt cá màu đỏ được chưng ra, sắp ngay hàng thẳng lối. Mùi cá, mùi biển mặn mòi ập vào mũi tôi khi 8 hầm cá được mở nắp, đá cây xộc xệch được vớt lên.
Tàu cá QNa-91945 cập bờ sau hành trình 17 ngày bám biển Hoàng Sa.Ảnh: N.Q.V |
Một tiểu thương tiến đến, lật từng con cá nục, cá ngừ, cầm lên tay ngắm nghía và nói: “Tính chung, bán gộp tất thảy thì giá 50 (1kg cá có giá 50 nghìn đồng). Còn nếu phân loại thì loại 1 có giá 60 nhưng loại 2, loại 3 giảm dần chỉ còn 40 và 30”. Anh Vương, anh Cảnh hội ý và quyết định bán một giá 50. Rất nhanh chóng, 13 lao động đi “bạn” xộc hết đá cây đông lạnh dưới 8 hầm bảo quản hải sản. Những con cá nục, cá ngừ tươi xanh nằm gọn trên sàn tàu cá thu hút mọi ánh nhìn. “Cá tươi lại đánh bắt trong những ngày tết mà chỉ bán với giá 50 thì rẻ quá. Hôm qua, tôi đi chợ mua cá ngừ đến 100 nghìn đồng/kg nhưng đã để lâu rồi. Cá tươi mà bán rẻ, tiếc quá!” - vợ một bạn biển nói.
Thu mua cá từ tàu QNa-91945. |
Dù giá rẻ nhưng tất thảy 10 tấn cá nục, cá ngừ được các ngư dân trên tàu cá QNa-91945 bán hết một cách chóng vánh. Tổng thu là 500 triệu đồng, trừ phí tổn chuyến biển còn lại 400 triệu đồng. Cầm trên tay hơn 15 triệu đồng, bạn biển Trần Quốc (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải) cho biết: “Chúng tôi khởi hành từ ngày 20 tháng Chạp năm trước, chuyến biển này kéo dài 17 ngày. Vậy nhưng, chỉ sản xuất có 2 ngày mùng một và mùng Hai tết. Biển động dữ quá. Chỉ 2 mẻ lưới đạt 10 tấn cá cũng là lộc biển ban tặng”.
Nghiệp biển
Tôi nhớ như in những ngày cuối năm vừa qua ở xã biển Tam Quang, trong khi mọi nhà tất bật sắm tết thì Nguyễn Thanh Vương, Đỗ Thanh Cảnh quyết định ra khơi. Anh Vương đến từng nhà các bạn biển í ới gọi, thúc giục còn anh Cảnh thì nối máy điện thoại khẩn trương “điều” những người đi “bạn” ở Tam Hải mau thu xếp hành lý, chuẩn bị vươn khơi. Rất nhanh chóng, 100 cây đá, 7 tấn dầu diezen, gạo, mắm, muối, rau, hành, thịt, mứt, bánh tét vận chuyển lên tàu. “Đầu năm đón “lộc” trên biển Hoàng Sa còn chi vui hơn. Những chuyến biển thời điểm ấy rất đạt vì gió giật nên cá hay nổi lên tầng mặt hoạt động. Mình chưa trang bị được máy dò ngang có giá hàng tỷ đồng, chỉ sắm sửa được máy dò đứng, soi thẳng xuống đáy nên dò rõ được đàn cá khi nó trồi lên. Ra đi rồi lại trở về đón tết thôi mà” - anh Cảnh nói.
Thường thì hành trình đến Hoàng Sa tốn 2 ngày 2 đêm nhưng do sóng giật nên phải đến gần 3 ngày, tàu cá QNa-91945 mới đến được ngư trường. Anh Vương cho biết, từ Hoàng Sa, các anh rất thường xuyên gọi về nhà để “chia” không khí tết với gia đình. Anh Vương kể, thời khắc giao thừa trên biển để lại những ấn tượng khó quên. Lúc 0 giờ, tàu cá QNa-91945 quay mũi về hướng đất liền, các ngư dân cùng thành tâm cúng vái cầu mong quê hương đón tết yên lành, cầu mong thần Nam Hải độ trì. Sau lễ cúng, mọi người quây quần trên boong tàu, chia nhau bánh tét, nhấp chén rượu đầu năm. Đêm hôm sau, ngày mùng Một tết, biển trời yên ả, 15 thành viên trên tàu cá đánh mẻ lưới đầu tiên thu 5 tấn cá ngừ, cá nục. Đêm hôm sau nữa, mùng Hai tết, mẻ lưới thứ 2 của tàu cá QNa-91945 cũng thu được 5 tấn cá. Qua sáng mùng Ba tết thì nghe đài báo sẽ có đợt không khí lạnh tràn về, trên biển có gió giật. Mọi người hội ý nhanh rồi đưa tàu về đất liền.
Cuộc sống của những ngư dân ăn sóng nói gió là vậy, xoay vần như con sóng vỗ bờ, ra đi rồi lại trở về, trở về rồi lại vội vã thu xếp để lại ra khơi. Vòng tròn của nghiệp biển. Câu nói của ngư dân trẻ tuổi Nguyễn Lý Minh Tây như vẫn còn vang vọng: “Cha tôi kế nghiệp bám biển từ cha ông đi trước. Đến lượt tôi cũng vậy và tôi cũng sẽ hãnh diện truyền lại cho con cháu tôi sau này. Giữ biển để làm giàu cho quê hương. Chúng tôi sẽ lại vươn khơi ngày 16 âm lịch tới đây”.
NGUYỄN QUANG VIỆT