Những ngày tết, ngư dân vẫn đưa phương tiện khai thác hải sản ở tuyến bờ, tuyến lộng. Theo ghi nhận, nghề lưới thanh ba đã hái được nhiều “lộc biển” đầu năm.
Chiều ngày Mùng 4 tết, ngư dân Huỳnh Thanh Chương (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành) đưa phương tiện QNa-0835 cập bờ sau 2 ngày lênh đênh khai thác hải sản bằng nghề lưới thanh ba. Ông Chương cho biết, phương tiện có công suất 25CV nên không thể ra khơi đánh bắt hải sản xa bờ. Tùy điều kiện thời tiết mà ông Chương sản xuất ở tuyến bờ hoặc tuyến lộng, xa nhất chỉ cách bờ khoảng 30 hải lý. “Lưới thanh ba chỉ có thể thả sâu vài sải tay. Vàn lưới dài hơn 5km. Mỗi đêm, tôi thực hiện 2 mẻ lưới. Nếu đạt thì sau 2 đêm, tôi đưa phương tiện cập bờ” - ông Chương nói. Chuyến biển vừa qua, ông Chương thu được gần 1 tạ cá, chủ yếu là cá thu, cá ngừ, cá cờ và cá dũa. “Đi biển trước một hay vài ngày không quan trọng. Vì thời điểm đầu xuân, dịp tết, cá thường nổi trên tầng mặt nên tôi sớm đưa thuyền đi đón “lộc biển”. Quả thật chuyến biển đầu năm đem lại hiệu quả kinh tế cao” - ông Chương nói. Thời điểm ngay sau tết, hàng hải sản tươi đánh bắt ở tuyến bờ và tuyến lộng rất được giá nên gia đình ông Chương thu được gần 7 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Cũng ở thôn Đông Xuân, gia đình ông Huỳnh Chiến có thâm niên hơn 10 năm đánh bắt hải sản bằng nghề lưới thanh ba. Phương tiện ông Chiến sử dụng là QNa-0559 có công suất 30CV. Mùng 2 tết, khi mọi người sum vầy, vui vẻ cùng người thân thì ông Chiến cùng vợ, con trai nhổ neo đi biển mở hàng. Sau 2 ngày khai thác hải sản ở vùng biển Cù Lao Chàm với 4 mẻ lưới, phương tiện cập bờ, thu được hơn 50kg cá thu, cá ngừ và một ít cá tạp. “Mùa xuân vạn vật sinh sôi nên đi biển với nghề lưới thanh ba dễ trúng luồng cá lớn nổi lên tầng mặt. Chuyến biển mở hàng đem lại sản lượng lớn khiến gia đình chúng tôi rất vui. Chuyến này phương tiện thu được hơn 5 triệu đồng” - ông Chiến nói.
Lưới thanh ba được ngư dân Quảng Nam du nhập và cải tiến lại từ nghề lưới cản. Tùy theo mỗi xã bãi ngang như Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành) hay Tam Thanh, Tam Phú (TP.Tam Kỳ), ngư dân sửa đổi kết cấu, mắt lưới cho phù hợp với tập quán sản xuất riêng. Lưới này tuy không thể thả thật sâu xuống tầng đáy nhưng nhờ mắt lưới nhỏ nên có thể “tóm gọn” mọi đối tượng trong phạm vi vây lưới của nó. Ưu điểm của loại lưới này là có thể đánh bắt được những loại cá có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cá thu. Nhờ du nhập và cải tiến nghề mới, ngư dân Quảng Nam có thể hoạt động quanh năm với nghề lưới thanh ba chứ không bị động chờ mỗi khi biển “nhóc” mới đánh bắt được như nghề lưới cản.
VIỆT QUANG