(QNO) - Nhà tôi ở vùng trũng, nên mùa lũ, trong nhà thường bị ngập nước. Vì thế, vừa qua rằm trung thu mấy hôm, ba mẹ tôi chuẩn bị dọn dẹp đồ đạc lên căn gác gỗ.
Những thứ gì ít dùng tới hoặc khó dọn thì tranh thủ đưa lên gác trước. Tuy nhiên, mọi việc phải thông qua ý kiến của mẹ, vì mẹ quán xuyến việc nhà, mọi vật dụng đều do mẹ bố trí, sắp đặt ngăn nắp. Mẹ quy định cái gì để ở đâu, thì nhất định phải nằm gọn chỗ đó, để khi cần không phải mất công tìm kiếm. Biết tính mẹ, nên cả nhà vào cuộc nhanh gọn, cái gì được mang lên gác cũng phải cất có nơi có chỗ đàng hoàng.
Tôi biết có vài thứ mẹ rất quý, nên mỗi khi mùa lũ sắp về đều ưu tiên dọn trước. Đầu tiên phải kể đến các loại giấy tờ được mẹ cất trong một chiếc bao lớn ở trong tủ. Đó là cuốn gia phả dòng họ “Lê Phước” của chúng tôi, được viết từ thời ông cố, sau này ba tôi kế thừa công việc này. Tập gia phả đã ngả vàng, nhiều chỗ bị ố, nếu không giữ cẩn thận sẽ rách nát ngay. Thỉnh thoảng, các cụ họ hàng đến mượn gia phả để xem, mẹ tôi lật đật đi tìm xâu chìa khóa, mở tủ mang ra cẩn thận.
Trong cái bao nhựa ấy còn có xấp giấy khai sinh của chín đứa con, cả những tờ lịch kỷ niệm sinh của từng đứa, cùng một số hình ảnh của ông bà, ba mẹ tôi thời trẻ… Quý như thế, nên nghe tin lũ lụt về, đích thân mẹ ôm cái bao nhựa ấy lên gác. Rồi đến lúa được cho vào bao; nong, nia, thúng, mủng được gác lên cao; mấy rọ chén đĩa dùng làm đám tiệc cũng phải tranh thủ dọn bớt… Mẹ tôi vốn lo xa: cái gì có thể làm trước thì nên làm, để khi “nước tới chân mới nhảy” vừa bất tiện, có khi rủi ro.
Dọn bùn non sau lũ. Ảnh: internet. |
Cứ mỗi mùa trung thu đi qua, lại nhớ tới không khí dọn lụt của gia đình ngày trước. Tôi sống xa quê, không còn cơ hội dọn lụt giúp ba mẹ. Mẹ tôi kể, mấy năm đầu sống ở vùng trũng, vì thiếu kinh nghiệm dọn lụt, có năm nước lớn nhanh, lại lớn trong đêm khuya nên không kịp trở tay, một số vật dụng đành chấp nhận ngâm nước. Mấy năm gần đây, việc xả lũ từ các thủy điện, khiến nước ngày càng ngập sâu, việc dọn lụt sớm là điều cần thiết, nhất là khi nhà neo người.
Những người sống xa quê, ngày mưa lũ, ai cũng ngóng lên bảng tin dự báo thời tiết để biết tin tức quê nhà. Lũ về, tôi thường gọi điện nhắc nhở mẹ mua thêm thức ăn dự trữ như mì gói, cá khô, mua thuốc hút cho ba và mua trầu cho mẹ. Mua dầu hôi để phòng khi cúp điện, thay mới tim đèn, bóng đèn dầu; mua đèn pin để tiện xoay sở trong đêm và chuẩn bị thức ăn cho trâu, lợn và đàn gà. Mẹ bảo tôi cứ hay lo xa, chuyện đối phó với lũ lụt là chuyện thường tình của mẹ xưa nay rồi. Mẹ bảo còn phải mua thuốc hạ sốt, thuốc đau đầu, đau bụng, thuốc sát trùng, bông, băng y tế để sẵn trong nhà. Xem ra mẹ tôi đã thành “chuyên gia” phòng chống bão lũ, nên dù xa quê, tôi cũng có phần an tâm.
Quảng Nam quê mẹ lại sắp phải đối diện với thiên tai bão lũ. Chẳng ai biết trước lũ năm nay “hiền” hay “dữ”, nhưng đã thành lệ, thời điểm này ba mẹ tôi chuẩn bị dọn dẹp những gì cần thiết, như cách “chạy” trước lũ của người dân quê tôi.
KHÁNH THI