Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh mộ cụ Hồ Học

N.Đ 31/03/2023 20:01

(QNO) - Chiều nay 31/3, UBND xã Tam Dân (Phú Ninh) tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh mộ cụ Hồ Học. Đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL, huyện Phú Ninh cùng gia tộc cụ Hồ Học dự lễ.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh “Mộ Hồ Học” cho lãnh đạo địa phương và gia tộc cụ Hồ Học tại buổi lễ. Ảnh: N.Đ
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL (ngoài cùng bên trái) trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh mộ cụ Hồ Học cho lãnh đạo địa phương và gia tộc cụ Hồ Học. Ảnh: N.Đ

Ngày 5/1/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 41 xếp hạng 10 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh; trong đó, có di tích lịch sử mộ Hồ Học tọa lạc tại thôn Ngọc Tú, xã Tam Dân.

Theo hồ sơ di tích, cụ Hồ Học còn có tên gọi khác là Hồ Đức Phước (1837 - 1887). Từ nhỏ, ông được đánh giá là người có tư chất thông minh, sớm bộc lộ tinh thần yêu nước. Cuộc đời của ông gắn liền với các giai đoạn đấu tranh của quê hương, đặc biệt là phong trào Nghĩa hội Quảng Nam.

Với lòng yêu quê hương, đất nước, ông tham gia Nghĩa hội và được tin tưởng giao giữ chức Tán Lý quân lương. Ông cùng với nhân dân, sĩ phu trong huyện tích cực tích lũy lương thảo, xây dựng căn cứ, chuẩn bị nhân vật lực tham gia chống Pháp. Ông là một trong những võ quan có mặt ở hầu hết trận đánh lớn của Nghĩa hội.

Lãnh đạo huyện Phú Ninh cùng gia tộc cụ Hồ Học dâng hoa, dâng hương tri ân cụ Hồ Học chiều nay 31/3. Ảnh: N.Đ
Lãnh đạo huyện Phú Ninh cùng gia tộc cụ Hồ Học dâng hoa, dâng hương tri ân cụ Hồ Học chiều nay 31/3. Ảnh: N.Đ

Tại khu vực Suối Đà, Hồ Học được giao án ngữ phía đông của căn cứ Nghĩa hội, xây dựng căn cứ, huấn luyện quân sĩ để tác chiến, bảo vệ căn cứ. Bằng uy tín và công lao đóng góp cho địa phương, như vận động nhân dân đào kênh mang nước về làng, làm đường giao thông để thuận tiện trong việc đi lại, xây dựng đình làm nơi tổ chức họp hành..., ông nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong vùng. Do đó phong trào Nghĩa hội nhanh chóng lan rộng, ngày càng lớn mạnh.

Ngày 29/1/1886, khoảng 500 lính Pháp và lính Nam triều tấn công căn cứ Nghĩa hội tại Nà Lâu, Tiên Phước. Khi quân địch tiến công đến địa phận xã Tam Dân đã bị Nghĩa hội bao vây, đánh bại, căn cứ Nghĩa hội được bảo vệ an toàn.

Lúc bấy giờ, Hồ Học cùng với Nghĩa hội tham gia nhiều trận đánh lớn và hy sinh vào ngày 21/4/1887. Những tư liệu lịch sử của ông có giá trị to lớn cho việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa Quảng Nam qua các giai đoạn lịch sử…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh mộ cụ Hồ Học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO