Người ta thường bảo rằng, ở đời mỗi người đều phải trả giá cho cuộc sống của chính mình. Khi có được cái này, phải chấp nhận mất cái kia... Vì thế, tâm lý chung của con người là thường hay hối tiếc về những điều đã cũ. Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta loay hoay trong vô nghĩa, nhìn đồng hồ và tự hỏi tại sao cuộc sống lại có quá nhiều chông chênh vì những chuyện không đâu. Ở một khía cạnh nào đó, những tình huống khó khăn, những khắt khe của cuộc sống lại giúp chúng ta lớn lên từng ngày. Vào mỗi thời điểm như vậy, bản thân thường sẽ thúc giục chính mình vượt qua giới hạn và một khi đã bước qua nó ta sẽ có cơ hội để khám phá khả năng của mình. Có thể kết quả vẫn vậy hoặc tồi tệ hơn đôi chút, nhưng ít nhất chúng ta cũng đã tiến một bước về phía trước chứ không đứng yên ở một vị trí. Thà rằng là thay đổi để biết mình đang ở đâu còn hơn cứ mắc kẹt mãi ở vạch xuất phát!
Chúng ta sẽ chẳng biết mình thay đổi nhiều thế nào cho đến ngày mình gặp lại những người bạn cũ... Nhưng điều đáng buồn là ngày tôi gặp lại bạn cũ lại là trong tang lễ của bạn. Hai năm không gặp, trải qua bao nhiêu thiên biến vạn hóa cuộc đời chẳng liên lạc với nhau cho đến ngày nhận được một cuộc gọi báo tin. Tôi giật mình thì thầm: “Ồ, mới đó mà nhanh quá!”. Chúng ta - ai cũng sợ đau khổ và mất mát... Tôi cũng không có thói quen so sánh nỗi buồn của người này, người nọ. Nhưng thực ra, tôi luôn cho rằng ai cũng đều đã trải qua một nỗi đau nào đó, có thể khác nhau về hình thù và mức độ. Có nỗi đau tiếc thương khi mất đi một người bạn thân, có nỗi đau day dứt vì lỡ làm tổn thương ai đó hoặc có sự nuối tiếc muộn màng khi chưa kịp nói lời chào tạm biệt… Có quá nhiều niềm đau. Nhưng, còn thấy đau là còn có cảm xúc, là đang còn được sống! Đau thương là một phần để con người hướng thiện và sống tốt hơn. Thời gian sẽ chữa lành mọi thứ bởi không có gì là mãi mãi, cái gì đã qua hãy cứ để nó qua đi.
“Linh hồn tạm trú” - tựa đề bộ phim gần đây nhất, tôi vừa mới xem kể về một nam sinh tự sát vì phát hiện ra nhiều sự thật nghiệt ngã, quá sức chịu đựng của mình. Bố từ bỏ công việc giáo viên để làm nhân viên đa cấp, khoảng cách giữa cậu và anh trai ngày càng lớn do môi trường học tập cách biệt. Cô bạn gái bị lạm dụng tình dục nơi học đường với kẻ xấu “đội lốt” giáo viên. Cuối cùng, người mẹ mà cậu tin tưởng nhất cũng phản bội cậu và gia đình. Bi kịch nối tiếp bi kịch, tổn thương chất chồng khiến cậu dần rơi vào khủng hoảng, trầm cảm và mất dần niềm tin vào cuộc đời. Thế nhưng, khi được sống một lần nữa với linh hồn khác trong chính thể xác của mình, cậu vẫn là cậu nhưng đã khác đi. Quyết tâm vực dậy tinh thần, giúp mình sửa chữa những sai lầm trong ngày còn sống cuối cùng, thay đổi suy nghĩ và biết nhìn nhận mọi thứ đa chiều hơn, tha thứ cho mẹ và học cách trưởng thành sau những biến cố dồn dập. Quá khứ không thể thay đổi, nhưng hiện tại và tương lai thì hoàn toàn có thể! Bộ phim “Linh hồn tạm trú” đã giúp tôi trưởng thành hơn trong suy nghĩ.
Chẳng ai biết trước ngõ quẹo tiếp theo của cuộc đời sẽ là gì, chúng ta sẽ gặp được những ai. Tôi luôn tâm niệm rằng khi có điều gì đó xảy đến với mình, hãy sẵn sàng với hai tâm thế: “Đón nhận hoặc chấp nhận”. Tốt đẹp thì may mắn, hân hoan và tận hưởng. Còn lỡ không được như ý mình mong muốn, không thể thay đổi thì hãy học cách chấp nhận. Một trong những bí quyết giúp chúng ta sống tích cực, vui vẻ hơn mỗi ngày chính là thay vì than trách bản thân, nuối tiếc những điều đã cũ thì nên rộng lòng đón chào những điều mới mẻ sắp xảy đến và đó cũng là cách thức cuộc sống này diễn ra…
HẠNH NGUYÊN TRANG