Dịch vụ thuyền thúng làm du lịch ở rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh, TP.Hội An), ngoài hiệu quả thu hút du lịch, đem lại lợi nhuận cho bà con, thì chuyện đua nhau mở nhạc ầm ĩ, ảnh hưởng sinh thái, sinh hoạt của người dân, khiến một bộ phận khách châu Âu, châu Mỹ không đến, làm cho chính quyền phải ra tay chấn chỉnh. Khi nhạc “kẹo kéo” từ từ giảm volume, thì cũng bắt đầu lộ ra những cú “sấp, ngửa” từ chuyện trăm hoa đua nở… thuyền thúng.
Du lịch thuyền thúng tại rừng dừa Bảy Mẫu. Ảnh: XUÂN THỌ |
Anh Lê Văn Vũ, thôn phó thôn Thanh Nhứt đang ngồi viết giấy mời bà con dự Ngày hội Đại đoàn kết. Anh cũng là chủ cơ sở sản xuất tre, dừa cùng với anh Lê Công Thắng. Chỗ tôi và anh ngồi là căn nhà nhỏ nấp mình dưới bạt ngàn dừa nước nằm bên đường liên thôn. Dừa được kết từng liếp phơi dọc lối đi. “Tôi làm nghề dừa nước từ năm 1990, nhưng năm ngoái tới chừ là bắt đầu đi xuống” - anh nói. “Không có nhu cầu hả?”. “Cầu rất cao, nhưng cung không nổi cũng vì không có người”. “Giá nhân công thấp nên người ta bỏ…?”. “Không, do mấy cái thuyền thúng”. Anh buông bút, nói liền một mạch: “Khách Hàn Quốc, Trung Quốc kéo tới đi du lịch thuyền thúng ngày càng đông, nên thợ bỏ hết. Đây, họ bơi thuyền, ngày trung bình từ 200 - 500 nghìn đồng, vừa bơi vừa chơi, sướng hơn làm cho mình”. “Làm thợ kết lá dừa, làm nhà cửa bằng tre, dừa, ngày công bao nhiêu?”. “300 - 320 nghìn đồng, nhưng cực lắm, phải lội bùn, đốn, phơi, về kết lá, trong khi đó, nếu bơi thuyền ngày 4 suất, mỗi suất 30 - 40 phút là có 400 nghìn đồng, chưa kể tiền khách cho thêm, làm xong về nhậu, lại nghe nhạc suốt ngày đã tai. Một số người thì chuyển qua bán trái cây, hàng lưu niệm, khỏe cái xác…”. “Vậy cơ sở anh có từ chối đơn đặt hàng không?”. “Có chứ, đâu dám nhận, trung bình ở chúng tôi 10 người làm thường xuyên, nay 3 người làm giỏi đã bỏ đi rồi. Ví dụ làm một công trình kết 15 ngày như trước đây, thì nay phải một tháng, lạng quạng là lỗ liền. Nhiều công trình người ta hối, mình làm không kịp, mang tiếng lắm. Thêm nữa, trước đây dừa nước nằm cạnh các biền cỏ ven sông, nay các nơi đó bị đào hết, dừa chặt ra không có chỗ phơi, phải tìm mặt bằng rộng phơi thì tốn công vận chuyển, phải tận dụng lề đường để phơi”.
Anh Vũ dẫn tôi ra sau nhà, đi ven con đường vào xóm. Dừa đã được chặt, phơi khô, chờ kết tấm nhưng thiếu thợ. Cách nhà anh chừng 100 mét, là một biệt thự của tư nhân nằm lẫn trong vườn dừa xanh um. “Anh thấy đó, nhà bê tông, nhưng họ lợp dừa, làm chòi dừa, dựa hẳn vào dừa làm không gian sống. Bây giờ làm khách sạn nào cũng kêu làm chòi dừa. Ở Cát Bà, Phú Quốc, Củ Chi nhu cầu làm lớn lắm, ở đây chở dừa tới tận nơi để làm. Tôi có một mối ở Nhật Bản, họ nói làm nhà khép kín, toàn dừa, nhưng tôi từ chối vì thiếu người, lại bất đồng ngôn ngữ”. Anh nói trong tiếc rẻ, nhẩm tính ở xã này, nếu là chủ cơ sở làm tre, dừa như anh và anh Lê Công Thắng, thì có chừng 15 người, nhưng số chủ “giải nghệ” vì kêu không ra thợ đã lên tới con số 5 rồi, trong đó thôn Thanh Tam Đông có 3 chủ. Dừa vẫn xanh, nhưng bụng dạ những người như anh thì đang… héo. Như cố vớt vát nỗi lo lắng, anh nói thêm: “Mấy ghe đi biển cũng chết vì thuyền thúng, anh cứ xuống thôn 7 là biết liền”.
*
* *
May quá, ông Võ Chức thôn Thanh Tam Tây đang có ở nhà. Người đàn ông tuổi 60 lực lưỡng như võ sĩ hạng nặng, cười thật hiền. “Tôi đi biển từ nhỏ, nhưng bỏ nghề rồi”. “Nghe mấy ông làm dừa nói dân biển cũng đang “ngáp”…”. “Mấy ông dừa cũng như tụi tôi, mệt lắm. Năm ngoái kêu “bạn” không ra, tôi phải bán cái ghe. Ở đây còn hai chiếc nữa, kêu bán không ai mua. Bên Cẩm Nam, ghe nằm hết bờ, chủ đi lên đi xuống thấy nản theo”. “Bạn” làm khó phải không?”. “Thôi khỏi nói, phải chìu chuộng, đưa tiền, vàng cho mượn, rồi hầu rượu”. “Chừng nớ còn đỡ” - bà Võ Thị Thận, em ruột ông Chức thở ra cái ào, góp chuyện - “Thằng con tôi có cái ghe, đang đậu ở nhà đó, đi kêu “bạn”, “bạn” nói liền: Mai tối có đám giỗ, đưa mượn 1 triệu đồng đi! Mười ngày sau nó nói nữa: Chuẩn bị đám cưới, cho mượn thêm đi… Có đứa nợ 5 triệu không trả, mà mình đâu dám nói”.
Ông Chức cười như méo: “Ngày xưa “bạn” đi với chủ, là biết vá lưới, phụ chủ tùm lum việc, thân thiết lắm, chừ tàu vô bờ là mình phải đưa họ lên, hầu rượu đàng hoàng”. “Cha mẹ tôi không sợ bằng sợ “bạn”, hắn biểu tôi quỳ lạy tôi cũng làm” - bà Thận nói giọng cay đắng, mắt buồn như muốn rụng rơi - “Ở đâu không biết chứ ở đây mà kêu được bạn là mừng lắm”. “Trăm sự cũng tại cái thúng?”, đáp trả câu hỏi của tôi, ông Chức gật cái rụp: “Bơi thúng, lẹt phẹt chơi chơi, tháng cũng bét nhất 5 triệu, ngày mô cũng làm, chiều ăn nhậu, tối ở nhà với vợ con, chứ đi biển, như mùa ni, đi 5 bữa nghỉ 15 bữa, mùa ni đi “bạn” làm mà được 500 nghìn đồng/ngày là giỏi lắm rồi”.
Nhu cầu lớn, nhưng cơ sở của anh Vũ không tìm ra người. Ảnh: TRUNG VIỆT. |
Nói rồi ông Chức rành rẽ: “Nghề giã cào 6 người/ghe, nếu chỉ 3 người thôi, kêu thêm không được, thì phải bán. Khổ hơn là làm nghề câu, cần phải 10 người, có chủ kêu đưa 10 triệu từ vay nóng, mà “bạn” không chịu đi. Ghe lưới trích trước đây tại xã ni có chừng 40 chiếc, nay bán hết, chỉ còn 3 chiếc. Đi biển chừ khó trăm bề, nguồn cá cạn kiệt, ghe càng ít, mà đi ít là không tốt đâu, ví dụ đông ghe, ông chạy lên, tui chạy xuống, nếu có cá là thông tin nhau, chứ chừ đi ra có 1 - 2 chiếc, đánh một mẻ mà không có, thì về chứ ở làm chi. Trúng bữa có cá thì không nói làm chi, bữa không có là “bạn” so bì: Kiểu ni thua thằng ở nhà bơi thúng. Cả Cẩm Thanh chừ nằm bờ 50 chiếc, tội nhiều đứa sắm ghe …”.
Ông Chức chưa dứt lời, bà Thận chen vô liền: “Con gái Tám Được có cái tàu mới sắm cả tỷ bạc, chừ chờ bán không ai mua, bởi 3 người “bạn” đi làm rủ nghỉ một lần”. “Thì ở đây còn hai chiếc giã, bán nửa giá cũng không mua tề” - ông Chức xót xa - “Từ tháng 8 bắt đầu nghỉ lai rai miết tới tháng 3 mới làm lại”. “Tôi hỏi chú, nghỉ như rứa, không khổ răng được, hao tổn, dầu mỡ, phải, không, nếu không đi thì lấy chi ăn?” - bà Thận buồn xo. “Nhà chị có ghe mới hả?”. “Ừ họ đóng 300 triệu, thằng rể tôi mua lại 40 triệu”. “Rẻ quá hè…”. “Ghe mua tính mét khối gỗ mấy chục triệu, bán ra thì như củi”, ông Chức cười như mếu. Bà Thận kết thúc chuyện: “Ghe đắp lá nằm bờ như cá. Bán chứ để làm chi, cứ neo miết, lụt tới nó chìm là chết nữa”.
*
* *
“Uống nước đi em”. Ông Chức nhắc tôi, điệu bộ thong thả. “Chú nghỉ rồi, chừ làm cái chi?”. “Bơi thúng chứ chi” - ông cười to. Tôi suýt trố mắt. “Tôi bán tàu được 3 bữa thì bắt đầu bơi thúng. Tôi bơi vào buổi chiều, chừng 13 giờ thì bắt đầu. Trung bình mỗi ngày kiếm chừng 200 nghìn đồng. Ví dụ đi với hai khách, thì thường nó “bo” thêm 10 đô”. Cạnh chỗ ông là mấy con chim, cá hình được kết từ lá dừa: “Bán hả?”. “Bán chi, đưa cho khách, họ mua hay không thì tùy, cho họ cũng được, thường thì họ đưa mình 1 đô”. “Chú làm rứa, hỏi thiệt, chú có tiếc nghề không?”. “Lớn tuổi rồi, tiếc chi nữa, thấy cũng bình thường, đi không được thì bán. Mỗi ngày bơi thúng, coi như thể dục hai tiếng đồng hồ, vừa bơi vừa chơi, lại mở nhạc nghe nữa, rồi cũng nhảy với khách, nhảy đại cho vui mà…”. Ông cười hì hì. “Coi bộ chú cũng đỡ hè, có mô như nhiều người. Lúc nãy nói chuyện với ông Vũ làm dừa, thấy tội quá, nghĩ nghề biển, làm dừa lá là nghề truyền thống của xã, chừ thiên hạ dần thoái lui rồi…”. “Thì đương nhiên, ai cũng tính tới chuyện cơm áo, làm chi có tiền mà nhàn hạ thì làm thôi, ai ngon thì bao luôn hết đi, trả đủ cho họ?! Dừa cũng chết đứng rồi, tôi có hai sào, 30 - 40 tuổi chứ ít đâu, kêu bán nhưng có ai mua đâu…”.
Tiếng nhạc “kẹo kéo” đâu đó vang lên lúc chát chúa lúc xập xình, bụng nghĩ vui từ nay mà đi thi nhảy, dân Cẩm Thanh chắc vô địch. Bà vợ ông Chức cười: “Khoảng 15 giờ chiều em xuống đó, vui lắm!”.
Phóng sự của TRUNG VIỆT