Những năm qua, mặc dù tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Tại kỳ họp thứ 16 diễn ra hôm qua 26.4, HĐND tỉnh khóa VIII đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016 - 2020.
Tập trung thủy lợi hóa đất màu
Ông Đỗ Văn Thành - cán bộ địa chính & xây dựng xã Duy Châu (Duy Xuyên) cho biết, địa phương có 200ha đất màu, tập trung chủ yếu tại các thôn Lệ Bắc, Thanh Châu, Cù Bàn, Lệ An, Lệ Nam, Thọ Xuyên. Nhằm giúp nông dân hình thành những vùng sản xuất hàng hóa, thời gian qua, bằng nhiều kênh vốn huy động, Duy Châu đã đầu tư 6,5 tỷ đồng kéo 10km đường dây điện để thủy lợi hóa đất màu. Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho hay, toàn huyện có 1.800ha đất màu. Những năm qua, địa phương đã chi gần 31,7 tỷ đồng để kéo 115km đường điện hạ thế phục vụ chương trình thủy lợi hóa đất màu, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng, nhân dân đóng góp khoảng 23,7 tỷ đồng. Nhờ vậy, hiện nay đã có 1.037ha diện tích đất màu của huyện chủ động được nguồn nước tưới. Ông Năm nói: “Chương trình thủy lợi hóa đất màu đã được các đơn vị liên quan của huyện sớm triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả hết sức thiết thực. Phần lớn các công trình đều phát huy hiệu quả, đáp ứng nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện xây dựng các cánh đồng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày và cây thực phẩm, cho mức thu nhập 60 - 70 triệu đồng/ha/năm, có nhiều cánh đồng thu về 100 - 150 triệu đồng.
Nhờ chủ động nguồn nước tưới, hàng loạt mô hình sản xuất cây trồng cạn theo phương thức hàng hóa đã được hình thành. |
Từ sau Tết Bính Thân đến nay, nắng nóng diễn ra gay gắt nhưng rất nhiều loại rau màu và cây trồng cạn chủ lực trên các cánh đồng của xã Điện Minh (Điện Bàn) vẫn xanh mơn mởn. Ông Trần Bường - Chủ tịch UBND xã Điện Minh cho biết, trên địa bàn 7 thôn của xã có 138ha đất màu. Những năm qua, bên cạnh việc nông dân tự bỏ tiền kéo điện, đóng giếng bơm nước tưới tại một số khu vực có diện tích sản xuất ít, từ nguồn vốn do ngân sách nhà nước hỗ trợ, chính quyền địa phương đã đầu tư 1,6 tỷ đồng kéo 3,6km đường dây điện ra các cánh đồng của thôn Khúc Lũy và Đồng Hạnh để thủy lợi hóa 70ha đất màu canh tác theo hướng tập trung. Với cách làm tương tự, trong tổng số 3.500ha đất màu trên toàn thị xã Điện Bàn đến thời điểm này đã có 90% số diện tích cơ bản đảm bảo nước tưới. Nhờ đó, nông dân địa phương đã xây dựng được hàng loạt mô hình chuyên canh, luân canh các loại rau màu và cây trồng cạn theo phương thức hàng hóa. Bình quân hàng năm mỗi héc ta đất sản xuất theo hướng này cho mức thu nhập 110 - 250 triệu đồng.
Ngoài những địa phương điển hình trên, những năm qua, nhiều nơi khác cũng ưu tiên nguồn lực tài chính cho công tác thủy lợi hóa đất màu. Mới đây, tại cuộc làm việc với Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 160 ngày 22.4.2010 và Nghị quyết số 61 ngày 14.12.2012 của HĐND tỉnh, bằng nhiều kênh vốn huy động, giai đoạn 2011 - 2015 toàn tỉnh đã đầu tư 74,24 tỷ đồng để xây dựng 89 công trình thủy lợi hóa đất màu. Nhờ vậy, toàn tỉnh có thêm 2.157ha đất sản xuất các loại hoa màu chủ động nước tưới”.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư kiên cố hóa thêm 700km kênh mương các loại. Ảnh: VĂN SỰ |
Nỗ lực nhiều khâu trọng yếu khác
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT Thăng Bình cho biết, giai đoạn 2011 - 2015 huyện đã dành gần 40 tỷ đồng để thực hiện chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương. Với số tiền trên, ngoài việc xây dựng 2 công trình thủy lợi hóa đất màu ở xã Bình Nam, Bình Phục và nâng cấp, sửa chữa, gia cố một số đập dâng, trạm bơm điện thì bình quân hàng năm địa phương cũng triển khai bê tông hóa 5km kênh mương nội đồng. Theo ông Vũ, 5 năm trở lại đây Thăng Bình có thêm 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp đảm bảo nguồn nước tưới. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng hiệu quả sản xuất, giúp nông dân từng bước cải thiện đời sống.
Cùng với việc đầu tư cho khâu thủy lợi hóa đất màu, từ năm 2011 - 2015 huyện Duy Xuyên cũng đã chi hơn 125 tỷ đồng xây mới, nâng cấp 5 trạm bơm điện tại các xã Duy Thành, Duy Trinh, Duy Phước, Duy Tân, Duy Hòa. Đồng thời nâng cấp, sửa chữa 13 công trình đầu mối quan trọng khác. Theo ngành nông nghiệp Duy Xuyên, các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư thi công đã góp phần ổn định nguồn nước và chủ động tưới 4.535ha đất sản xuất lúa và cây màu trên địa bàn huyện. Ngoài ra, việc đầu tư này còn bảo đảm an toàn hồ, đập trong quá trình sử dụng, nhất là vào mùa mưa bão. Cần nói thêm, 5 năm qua Duy Xuyên cũng đã chi 35,6 tỷ đồng bê tông hóa hơn 58km kênh mương, nâng tổng chiều dài kênh mương được kiên cố hóa trên toàn huyện tính đến thời điểm này lên gần 119km với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 72 tỷ đồng.
Theo ông Lê Muộn, giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh cũng đã đầu tư gần 168 tỷ đồng xây mới, nâng cấp, sửa chữa 176 công trình thủy lợi nhỏ. Trong đó, xây mới 81 công trình để tưới tăng thêm hơn 1.815ha và sửa chữa, nâng cấp 95 công trình nhằm tưới ổn định cho ít nhất 1.342ha đất canh tác khác. Ông Muộn còn cho biết: “Năm năm qua toàn tỉnh đã tiến hành kiên cố hóa 369,7km kênh mương loại 3 với tổng vốn đầu tư 368,36 tỷ đồng phục vụ tưới ổn định cho hơn 11.200ha đất nông nghiệp. Ngoài ra, bằng nguồn ngân sách tập trung của tỉnh và vốn ODA, các đơn vị liên quan còn kiên cố hóa 68,87km kênh mương loại 2 với tổng kinh phí 131,73 tỷ đồng”.
Tiếp tục hỗ trợ đầu tư hạ tầng
Ông Nguyễn Xuân Vũ cho rằng, dù ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương ở huyện Thăng Bình đã nỗ lực rất lớn trong việc thi công kết cấu hạ tầng thủy lợi nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Theo ông Vũ, do nguồn kinh phí quá eo hẹp nên thời gian qua việc thực hiện chương trình thủy lợi hóa đất màu mới chỉ dừng lại ở mô hình thí điểm tại một vài nơi chứ chưa thể triển khai trên diện rộng. Trong khi đó, tiến độ kiên cố hóa kênh mương nội đồng cũng diễn ra rất chậm. Hiện nay Thăng Bình có tổng cộng 500km kênh mương nội đồng nhưng tính đến thời điểm này mới chỉ có 100km được kiên cố, trong đó có 22km kênh kín bằng ống nhựa. Trong khi đó, ông Văn Bá Năm cho biết, dù từ trước đến nay huyện Duy Xuyên đã bỏ ra một khoản tiền lớn cho việc thủy lợi hóa đất màu, nhưng đến nay trong tổng số 1.800ha đất màu của địa phương mới có 57,6% số diện tích chủ động nước tưới. Đáng nói hơn, tuy đã bê tông hóa gần 119km kênh mương nhưng con số này cũng mới chỉ đạt 27,2% so với tổng chiều dài kênh mương trên địa bàn huyện.
Báo cáo tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, do nguồn kinh phí có hạn nên số công trình thủy lợi hóa đất màu được thi công trong 5 năm qua mới đạt 81,65% so với Nghị quyết HĐND tỉnh. Tương tự, việc xây dựng thủy lợi nhỏ cũng mới đạt 91,67% kế hoạch và thấp nhất là kiên cố hóa kênh mương loại 2 chỉ đạt 57,87% so với mục tiêu đặt ra. Ông Đức nói: “Hiện nay, toàn tỉnh có 3.500km kênh mương các loại. Thời gian qua đã kiên cố hóa 1.500km, còn lại 2.000km chưa được kiên cố. Tại nhiều địa phương vẫn còn hơn 150 công trình thủy lợi nhỏ và ít nhất 50 công trình thủy lợi hóa đất màu chưa được đầu tư thi công”.
Theo đề án do UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét và đã thông qua tại kỳ họp này, giai đoạn 2016 - 2020 Quảng Nam sẽ tiếp tục đầu tư kiên cố hóa ít nhất 500km kênh mương loại 3 với tổng kinh phí 500 tỷ đồng, bình quân mỗi năm chi 100 tỷ đồng (ngân sách tỉnh phân bổ hỗ trợ 70 tỷ đồng và 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, đóng góp của các hợp tác xã, nhân dân). Bên cạnh đó, sẽ thi công hơn 50 công trình thủy lợi hóa đất màu với số tiền dự kiến khoảng 50 tỷ đồng, bình quân hàng năm phân bổ hỗ trợ 10 tỷ đồng. Ngoài ra, tiến hành nâng cấp, sửa chữa, xây mới 50 công trình thủy lợi nhỏ với tổng dự toán 100 tỷ đồng, bình quân mỗi năm chi 20 tỷ đồng (ngân sách tỉnh phân bổ hỗ trợ khoảng 14 tỷ đồng, còn lại địa phương bố trí lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác). Trong 5 năm tới tỉnh cũng đặt ra mục tiêu kiên cố hóa 100km kênh mương loại 2 với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung hằng năm và vốn ODA.
NGUYỄN VĂN SỰ