Mấy ngày qua không viết chữ nào. Lý do không phải không thích hoặc không có gì trong đầu để viết ra, cái chính là chuẩn bị...
Chắc các bạn bảo tôi chuẩn bị đề tài, tình huống, lựa chọn nhân vật và bây giờ viết chứ gì? Điều này chỉ đúng một nửa. Thôi không quanh co như lò xo nữa. Tôi xin bắt đầu truyện ngắn này...
Hôm xuống chợ đi tất tần tật ba hàng dãy bảy hàng dài, lên lầu xuống tầng trệt rồi lại lên lầu như thế cả thảy đâu hai lượt. Cuối cùng không mua gì cả. Đứa con trai út níu tay tôi gật gật nũng nịu:
- Sao ba chẳng mua chi cả?
Tôi suy nghĩ một chặp mới nói:
- Chắc để mẹ con mua tốt hơn!
Rồi hai ba con dắt nhau vào quán đối diện chợ kêu chai nước. Cô chủ quán nhanh nhẹn đập đá cho vào hai cái ly thủy tinh rồi lấy một chai nước suối đặt vào khay bưng đến bàn hai ba con tôi ngồi và nói:
- Sao chú đi chợ chẳng mua gì?
Hai người, một trong nhà một ngoài ngõ lại có câu hỏi giống nhau, lạ thật! Cũng như lần trả lời câu hỏi của con trai út, tôi suy nghĩ một chặp mới nói:
- Chắc để vợ tôi mua tốt hơn!
Ngôi chợ vừa xây xong trông hoành tráng, chữ “hoành tráng” là của cu út tôi trầm trồ khi bước chân tới đây. Nó to gấp bốn, năm lần so mới khu chợ cũ. Thứ gì mới cũng lạ mắt và đẹp.
Hồi nãy khi đi ngang qua quầy hàng vải, áo quần may sẵn của một chủ sạp cỡ tuổi đâu trên bốn mấy, tôi có hỏi:
- Sao cô không mời khách mua?
Ở chợ thường thường là vậy kẻ mời người mua, kẻ trả người bán tạo nên không khí chộn rộn, tất tả, nhộn nhịp, huyên náo... Đó là hôm không có quý ông bán đồ quảng cáo bằng loa phóng thanh, chứ nếu có thì khung cảnh chợ thêm phần sôi động hẳn lên.
Cô chủ sạp vải, áo quần may sẵn đáp lời tôi bằng nụ cười một nửa vui một nửa chưa vui rồi nói:
- Phần lớn khách dạo này đi thăm chợ thôi chú ơi chứ chả mua gì, nên...
Câu nói được bỏ dở nhưng tôi hiểu. À ra thế, tôi nghĩ thầm trong bụng và nói:
- Ế ẩm thì cầm chắc ở đâu cũng vậy.
Như có dịp thổ lộ, cô cho biết tết nhất tới nơi rồi mà chẳng mua bán gì nên hồn, mong sao từ giờ đến 28 tháng chạp sau khi công nhân, viên chức có lương có thưởng họa may... chớ còn...
Tôi chào cô chủ sạp vải rảo bước.
Cô bán quầy nước giải khát sớm chừ ngồi say sưa đọc báo, tờ báo cũ màu hơi nhạt một chút nhưng sạch sẽ. Không rõ báo nói điều gì mà cô đọc không chớp mắt. Tôi tằng hắng, cô gái hơi gật mình ngừng đọc nhìn tôi như muốn hỏi chú cần gì? Tôi đoán thế nhưng không phải, cô hỏi:
- Chú nghe chuyện...
- Thì ba chuyện tầm phào chứ gì? - Tôi rắn mắt nói như vậy.
Cô không chút phản ứng trách móc gì câu nói bông lơn cà khịa của tôi mà hỏi lại thật nghiêm túc:
- Chuyện nghèo!
Từ hôm ấy đến bây giờ đang ngồi gõ từng con chữ trên phím viết truyện ngắn này vào máy vi tính, tôi bâng khuâng mãi... Bâng khuâng những điều cô ở quán bán nước giải khát bộc bạch và cả những câu nói của cô chủ sạp vải nữa, họ là phần không nhỏ trong cộng đồng xã hội đang ngày đêm cật lực với cơm áo gạo tiền trong thời bão giá...
Ở quanh tôi, khu lao động và xa hơn khoảng non cây số là xóm nhà của bà con nông dân, sự tần tảo bươn chải cho cuộc sống là điều mọi người phải tự lo. Mà bao giờ, ở đâu… lại không như thế, chỉ khác chăng sự tần tảo bươn chải có hiệu quả tới mức độ nào mới là điều đáng quan tâm.
Trong ba ngày qua, sau khi cất cái ví tiền vào tủ khóa lại và vất chiếc chìa khóa đi, tôi thử sống mà không có lấy một đồng xu dính túi xem sao. Ôi, có thức đêm mới biết đêm dài. Lâu nay, sáng dậy tôi dắt chiếc xế xịn ra sân lau sơ cho sạch bụi, xong dông một mạch đến những nơi cần đến quán cà phê, quán điểm tâm... vừa nhâm nhi vừa cà vừa phê đủ chuyện vui vẻ. Giờ thì khác, không có tiền biết đi đâu, làm gì? Tôi hết ra lại vào cứ như gà mắc tóc. Tôi thoáng nghĩ đến chuyện làm sao chối bỏ được sự ích kỷ, tham lam trong tình trạng này, nếu có điều kiện… Nhưng tôi kịp đẩy lùi ý nghĩ tiêu cực, và nhớ đến Hinh.
Hinh năm nay sắp bước vào tuổi “tri thiên mệnh”, một vợ, ba con sống ở thành phố mới lên hạng ba. Nghề nghiệp xe thồ, biết tiếng Anh và là cây thơ. Thời buổi giờ mà nói cây thơ cây văn thiên hạ chắc “cười cười” bởi cái nghiệp ấy chỉ có danh chứ không bao lăm xu. Có một quãng không biết có ma lực nào anh nhà thơ của tôi mỗi tuần viết hoàn chỉnh cả năm bài thơ mà bài nào cũng dài ngoằng cả hai trang giấy A4. Tôi luôn là bạn đọc đầu tiên của anh. Nhiều bài được anh thêm tranh minh họa, đôi khi cao hứng còn chèn thơ lên hình tươi tươi mát mát của các em xinh đẹp. Công bình mà nói, thơ anh có bài đọc được, nhưng nói rằng “quá hay” thì không tới.
Giáp tết, trời mưa lất phất, Hinh phải mặc thêm chiếc áo mưa tiện lợi để khỏi lạnh khi chạy xe đưa khách và cả khi ngồi ở ngã ba đợi đến phiên. Một ngày không soạn giấy má ghi ghi chép chép gì đó nhân khi đợi khách thì Hinh buồn lắm. Anh tâm sự như vậy lúc ngồi với tôi lai rai mấy ly rượu gạo đặc sản của bà Tư Hôm. Rượu vào thơ ra... Lúc ấy Hinh vui như được của. Hết đề dẫn tại sao có bài thơ X bài thơ Y, lại bàn do không dùng chữ “đến” mà phải dùng chữ “tới” trong một câu thơ. Tôi ngồi nghe và thán phục:
- Đúng, có lý!
Hinh cao hứng đọc nguyên bài chuẩn bị đón Tết mới viết hồi trưa.
“Mẹ nó đừng buồn! Vui lên chứ!/ Tết này ba nó thắng mùa thơ...”
Tứ của bài là sau bao nhiêu năm nỗ lực tỉ mẩn vì thơ, tết này anh có gần chục tờ báo đăng, mà nhuận bút ngày thường hai ba trăm ngàn đồng một bài nhất định đăng báo tết tiền nhuận bút phải lên chứ!
Hinh tặng tôi một tờ báo xuân phát hành sớm có thơ của anh rồi gật gù:
- Ông phải để tờ báo nơi trang trọng nhất và dễ thấy nhất tại phòng khách của ông…
Anh ngừng nói, giục tôi cùng nâng ly trót một phát sạch bách để chúc mừng cho “vụ được mùa”, rồi nói tiếp:
- Để ai vô nhà ông cũng thấy và đọc.
Mưa càng lúc càng nặng hạt, chiều của những ngày cuối năm có màu ghi. Tôi nghĩ thời suy thoái kinh tế ở đâu cũng thế thôi, giới kinh doanh người giàu có mà còn kêu như bộng huống gì người lao động tự do.
Khi rời quán, Hinh giành trả tiền cuộc “tương tri” này nhưng tôi nhất định không chịu. Tôi bảo:
- Dù gì nhà tôi cũng khá hơn nhà ông, nên ông cứ cất khoản tiền này, thêm vào mang về khoe với vợ. Vợ sẽ khen ông tuyệt vời cho mà xem!
Tôi nói như thuyết giảng một điều gì to tát lắm. Hinh tưng tửng cười, nụ cười đẹp như đóa hoa xuân sắp nở.
HÒA VĂN