Đón Tết ngày ấy, bây giờ…

VĂN PHIN 17/02/2015 11:31

(QNO) - Rậm rịch tết là những bữa cúng tất niên rôm rả của nhiều gia đình. Ngày xưa, năm hết tết đến, các nhà thường cúng tất niên, mừng cho một năm làm ăn xuôi chèo mát mái, công việc ổn thỏa. Sắm sửa cho buổi tất niên ngày ấy thông thường gia chủ mua một cái đầu heo, đủ đầu đuôi thủ dĩ thêm con gà trống rồi dâng cúng... Sau đó là bày ra bốn năm mâm để đãi con cháu, họ hàng cùng bà con hàng xóm thân thiết. Họ cùng nhau chè chén, tâm sự qua một năm miệt mài lao động, sản xuất. Trong mâm tất niên ngày ấy thường có thịt heo đầu, thịt gà, ít món xào trộn đơn sơ cùng với rượu trắng đãi khách.

Ở quê tôi, thuở xưa vào thời kỳ đói kém, có nhà không đủ sức lo bữa tất niên, phải đi cào mấy ang hến trên sông Trường Giang về trộn với chuối cây cùng một ít thịt heo mỡ với nồi cháo hến to đùng cho bữa họp mặt cuối năm, tống tiễn năm cũ, chào đón năm mới.

Thời đó đã xã rồi, ngày nay, cứ khoảng mùng 9 tháng chạp âm lịch là chộn rộn những bữa tất niên. Mở đầu thường là những doanh nghiệp, doanh nhân, những cơ sở kinh doanh, buôn bán bắt đầu tất niên mừng một năm làm ăn phát đạt, mua may bán đắt...Để có những bữa tất niên, các chủ doanh nhân, doanh nghiệp nhiều khi không cần phải tự nấu nướng mà đặt hẳn cho các nhà hàng hoặc dịch vụ nấu ăn. Họ mời có khi đến bốn năm chục khách đến dự. Trên mâm tất niên đủ thứ món sang trọng và bia lon, rượu ngoại...gia chủ đãi thỏa thuê.

Còn ở nông thôn, nhiều nhà vẫn giữ tục tất niên với đầu heo, con gà...rồi đãi họ hàng, bà con chòm xóm vui vẻ qua một năm vất vả...Những nhà có thờ cúng ông bà thì phải chờ đến 30 âm lịch mới sắm sửa cơm cá rước ông bà. Có nhà mổ heo, làm gà, làm cơm, kho cá đón ông bà rồi đãi bà con xóm giềng....

Nhớ những cái tết tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi coi giờ phút giao thừa thật thiêng liêng. Đối với mẹ tôi, giao thừa và sáng mùng một Tết là thờì khắc rất quan trọng, quyết định cho cả năm mới. Do vậy, mọi người trong nhà phải vui vẻ, các thành viên trong gia đình không được nói những lời trái tai, nặng lời, trẻ em phải được dỗ dành, đừng để khóc trong giờ giao thừa đón năm mới...

Đêm ba mươi, cha tôi canh nồi bánh tét và chờ đến giao thừa. Lúc nầy, cha tôi và các chủ hộ gia đình kính cẩn làm lễ cúng đầu năm thường với mâm hoa quả, bánh trái hoặc con gà, bánh trái...

Sáng mùng một tết, mẹ tôi thường dẫn bọn trẻ chúng tôi đến nhà ngoại mừng tuổi ông bà và nghe ông bói quẻ đầu xuân bằng thơ Lục Vân Tiên. Ông tôi ít bói Kiều dịp đầu năm bởi vì theo ông trong Truyện Kiều hay còn gọi là “Đoạn trường tân thanh” có quá nhiều đoạn nói lên cảnh thương tâm, không may mắn trong ngày đầu xuân nên tránh đi...

Ở nhà ngoại ra, chúng tôi xúng xính trong bộ đồ mới và rất đổi hân hoan. Một năm mới bắt đầu, được nhận thêm tuổi mới. trong không khí ấm cúng của ngày đầu năm, chúng tôi tôi ùa ra đường làng, một không khí xuân tràn ngập hiện ra. Bạn bè đồng trang lứa cũng đã diện những bộ quần áo mới tinh tươm. Chúng tôi cùng nhập bọn dạo chơi trong tưng bừng không khí của ngày đầu năm mới.

Đó là tết ngày xưa. Còn tết ngày nay, đối với nhiều người trưởng thành thì cả một lập trình sắp sẵn, nào là viếng hương mộ tổ tiên ông bà, thăm bên nội, bên ngoại, bên vợ bên chồng rồi thăm nhà “sếp”, thăm thú bạn bè... Có người thảnh thơi hơn thì đi lễ chùa, thăm danh lam thắng cảnh. Tục “Mùng 1 tết cha, mùng ba tết thầy” đâu đó vẫn còn nhưng không còn mặn mà cho lắm. Còn bọn trẻ bây giờ tết đến xuân về cũng háo hức mừng vui nhưng trong những ngày xuân, chúng không còn thích thú lắm với những trò chơi dân gian ngày xưa mà hay sà vào những trò chơi hiện đại...

Mạo muội kể lại chuyện tết ngày xưa tết ngày nay ngỏ hầu góp thêm cho quý vị một chút men xuân nhân dịp Xuân Ất Mùi – 2015...

Xin kính chúc mọi nhà mọi người hưởng một cái tết an lành, vạn điểu may mắn!

VĂN PHIN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đón Tết ngày ấy, bây giờ…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO