Sáng 11.4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình.
Theo gợi ý của chủ trì hội nghị, đại diện lãnh đạo các cơ quan tư pháp, ngành chức năng tỉnh và các địa phương đã thảo luận, cho ý kiến góp ý đối với 5 điểm lớn còn nhận được nhiều ý kiến khác nhau: hình thức tố cáo; thời hiệu tố cáo; việc rút đơn tố cáo; giải quyết tố cáo cuối cùng; bảo vệ người tố cáo. Các đại biểu đánh giá, qua nhiều lần đưa ra lấy ý kiến, chỉnh sửa, dự thảo Luật Tố cáo đã có bố cục hợp lý; những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình và tiếp thu phù hợp với tình hình hiện nay hơn. Góp ý vào nội dung thời hiệu tố cáo, nhiều ý kiến cơ bản thống nhất với dự thảo luật khi không quy định thời hiệu và cho rằng luật chỉ nên quy định cụ thể đối với các trường hợp như đối tượng bị tố cáo đã chết, hành vi bị tố cáo không còn gây thiệt hại, nguy hiểm cho xã hội. Đối với việc rút tố cáo - đây là vấn đề mới, đó là quyền của công dân nhưng cơ quan chức năng không lệ thuộc vào. Luật cần quy định rõ có trường hợp không giải quyết, nhưng có trường hợp cơ quan chức năng phải xem xét giải quyết nếu nhận định hành vi tố cáo là đúng; đồng thời xem xét, xử lý nghiêm đối với các trường hợp lợi dụng việc tố cáo để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân (dù đã rút đơn). Ngoài ra, đơn tố cáo nặc danh cũng phải được xem xét nếu thấy có đủ căn cứ pháp lý, thông tin, tài liệu chứng minh nhằm động viên nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không nên quy định việc giải quyết đơn tố cáo ở hai cấp, mà quy định nếu có chứng cứ mới thì đơn tố cáo được xem xét, giải quyết ở cấp cao hơn, nhất là khi chứng minh được việc giải quyết tố cáo của cấp thẩm quyền chưa đúng, chưa thấu tình đạt lý, có dấu hiệu bao che cho cấp dưới. Đối với việc bảo vệ người tố cáo, nhiều ý kiến cùng có chung quan điểm cho rằng, luật cần quy định khi nhận đơn tố cáo, xét thấy đối tượng tố cáo cần được bảo vệ thì cơ quan có thẩm quyền chủ động áp dụng ngay biện pháp, dù về nguyên tắc người tố cáo phải có văn bản yêu cầu được bảo vệ...
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Phan Thái Bình tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, và giải trình làm rõ thêm đối với một số nội dung cốt lõi, điểm mới được quy định trong dự thảo Luật Tố cáo. Ông Phan Thái Bình cho biết nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2019.
NGUYÊN ĐOAN