(Xuân Quý Mão) - Hơn 25 năm qua, ngư dân Quảng Nam đã quen với những chiếc tàu tuần tra Grif, BP98 của Hải đoàn 48 (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng). Hải đoàn 48 sát cánh với đội tàu ST112 của Hải đội biên phòng 2 (Bộ đội Biên phòng Quảng Nam) trong thực hiện nhiệm vụ trên biển. Tết này, nhiều người lính lại tiếp tục đón xuân trên sóng.
Những mùa xuân biển khơi
Thời điểm này, ngư trường cũng bắt đầu rộn rã, ngư dân chuẩn bị ra khơi với các loại lưới vây, lưới rê thưa, chụp mực... Đây cũng là lúc tàu tuần tra của Hải đoàn 48 bắt đầu đi thành biên đội và buông neo tại đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Cồn Cỏ, sau đó tổ chức cho bộ đội đón xuân.
Trong âm thanh của động cơ diesel M401B và cỗ máy Caterpillar đang khởi động để kiểm tra kỹ thuật, Thượng tá Đoàn Anh Tiến - Hải đoàn trưởng Hải đoàn 48 kể về vùng biển Quảng Nam, nơi nào có cá theo mùa, khu vực nào có sóng lớn…
Anh nói rằng, từ thời còn là cán bộ cấp đội cho tới lúc trở thành chỉ huy, vùng biển Quảng Nam đã trở nên thân thuộc. Sau hơn 25 năm, những con tàu mà anh và đồng đội thả neo ở Quảng Nam từng là “chiến mã” Grif nổi tiếng do Ukraine sản xuất và bây giờ bước sang thế hệ tàu SPA của Ấn Độ.
Hải đoàn 48 đóng quân tại TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Trước khi tàu xuất bến thực hiện nhiệm vụ trong ngày xuân tại vùng biển Quảng Nam, biên đội đã được “mắt thần” chỉ thị mục tiêu.
Trạm ra đa 555 đóng tại xã Cát Minh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) sẽ hỗ trợ thông tin, hệ thống ra đa Score 3000 đặt trên đỉnh núi Gành phủ sóng trên vùng biển rộng lớn và các tàu “đợi cơ” ở Cù Lao Chàm sẽ nhận được tin và xuất kích.
“Đợi cơ” là thuật ngữ của ngành hải quân và được dịch nghĩa là “chờ đợi, mai phục”. Trong năm 2022, các biên đội của Hải đoàn 48 đã 3 lần xuất kích từ Cù Lao Chàm, dựa theo thông tin của Trạm ra đa 555.
Nhiều tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc đi thành từng tốp tiến vào vùng lãnh hải đã bị chặn lại. Những chiếc tàu đánh cá của nước ngoài, khi gặp tàu tuần tra cao tốc Grif đeo bám và quyết bắt giữ thì khó mà chạy thoát.
Bén duyên với Quảng Nam
Ngày cuối năm, Hải đội biên phòng 2 lại xây dựng kế hoạch sẵn sàng tuần tra trên biển, ngăn chặn các tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Điểm “đợi cơ” sẵn sàng đi làm nhiệm vụ của đơn vị cũng là Cù Lao Chàm.
Với những người lính có thâm niên hàng chục năm ở Hải đội 2, Cù Lao Chàm đã trở thành quê hương thứ hai. Hải đội biên phòng 2 là đơn vị có nhiều quân nhân từ các tỉnh phía Bắc, tốt nghiệp Học viện Hải quân Nha Trang, sau đó được điều động về công tác.
Đại úy Nguyễn Văn Tính - Hải đội trưởng Hải đội biên phòng 2 quê ở tỉnh Thái Bình; Đại úy Dương Văn Duy - Hải đội phó, quê ở TP.Hải Phòng là hai trong số đó.
Đại úy Duy cho biết, năm 2012 được điều động vào công tác tại Quảng Nam, cứ mỗi dịp tết, khi tàu tuần tra ra tới Cù Lao Chàm và vào ca trực thì anh em, cha mẹ lại gọi điện hỏi thăm “con về quê đón xuân hay lại ra biển trực tết?”.
Cù Lao Chàm vì vậy trở thành nơi lưu giữ ký ức của những người lính trong ngày xuân. Sau nhiều năm công tác, Đại úy Duy vừa đưa vợ là chị Đoàn Thị Hòa cùng 2 con vào Quảng Nam, ổn định mái ấm gia đình.
Còn Đại úy Nguyễn Văn Tính được điều động vào công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam từ năm 2011. Sau nhiều năm công tác, Đại úy Tính đã bén duyên với quê hương Quảng Nam và cưới vợ là người Núi Thành, từ đó cha mẹ anh mới yên lòng khi thấy con trai mình quyết tâm gắn bó với miền Trung.
Kể lại những sự vụ trên biển, Đại úy Tính và Duy cho biết, tết năm 2022, tình hình trên biển tương đối bình yên, còn mọi năm đều xảy ra tình trạng tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển để đánh bắt trộm hải sản.
Khu vực Cù Lao Chàm vào dịp tết thường xuất hiện nhiều cá cam, ngư dân Trung Quốc thường cho tàu lén vào đánh bắt loại cá này nên nhiệm vụ của những người lính biên phòng là luôn ứng trực sẵn sàng.
Làm nhiệm vụ vào những ngày này, người lính đã chuẩn bị bánh, mứt, trà... để đón giao thừa trên tàu. Với họ, biển đã thật sự là quê hương.