Nuôi cá nước ngọt trong lồng bè không xa lạ với người Kinh nhưng lại mới mẻ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Mô hình này mở ra triển vọng chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ đồng bào Ca Dong ở huyện miền núi Bắc Trà My.
Chuyển đổi sinh kế
Sương sớm quyện vào nắng mai khiến cho lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 đẹp như bức tranh thủy mạc. Khi chúng tôi cập ghe vào bè cá vừa mới hoàn thành, gia đình chị Hồ Thị Bông - dân tộc Ca Dong ở thôn 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My vui mừng ra đón. “Cá giống về đến rồi, chuẩn bị thả nuôi thôi” - chị Bông hồ hởi. Niềm nở mời khách an tọa trong bè cá có bố trí cả bộ bàn mới toanh, chị Bông loay hoay pha trà rồi mở hộp bánh đãi khách. Sau chừng 10 phút xã giao, việc thả cá giống điêu hồng bắt đầu. Chị Bông và người nhà lăng xăng luýnh quýnh bởi đây là lần đầu tiên họ nuôi cá mà lại đầu tư với quy mô lớn. Chị kể, trước đây gia đình đã cật lực tìm mọi kế sinh nhai nhưng kinh tế không ổn định. Bởi vậy khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá điêu hồng theo tiêu chuẩn VietGAP trong lồng bè, gia đình rất phấn khởi. “Không chỉ riêng gia đình chúng tôi, đồng bào Ca Dong sinh sống ở khu vực gần hồ thủy điện Sông Tranh 2 nói chung không có sinh kế ổn định. Chúng tôi hy vọng mô hình này sẽ cho hiệu quả kinh tế khả quan” - chị Bông thổ lộ.
Nuôi cá lồng bè mở ra triển vọng ổn định kinh tế cho đồng bào thiểu số. |
Triển khai nuôi cá điêu hồng trong lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2, gia đình chị Bông được Nhà nước hỗ trợ con giống, thuốc thú y và men vi sinh giúp cá sinh trưởng tốt. Gia đình chị đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để hoàn thiện một bè cá gồm 6 lồng nuôi. Số tiền này được tập hợp từ nhiều nguồn, vay không lãi suất của huyện Bắc Trà My, mượn của người thân và tích lũy từ lâu. Tại mỗi lồng nuôi có thể tích nước 60m3, gia đình chị Bông thả nuôi cá giống điêu hồng với mật độ 100 con/m3. Nguồn giống cá được mua về từ Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam. Ngay từ lúc thả nuôi cá giống, gia đình chị Bông cũng đã chuẩn bị sẵn thức ăn có chất lượng cùng các dụng cụ dùng để kiểm tra môi trường nước trong lồng nuôi.
Hỗ trợ vốn và kỹ thuật
Cơ sở hạ tầng còn khó khăn, nguồn lực đầu tư thiếu đã khiến cho nhiều mô hình kinh tế ở khu vực miền núi, đặc biệt là nông nghiệp gặp nhiều trở ngại trong thời gian qua. Trong khi đó, đồng bào Ca Dong ở khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2 lại có cuộc sống rất bấp bênh. Bài toán trồng cây gì, nuôi con gì để thu được giá trị kinh tế khá cho đồng bào dân tộc đã được đặt ra cấp thiết tại huyện miền núi Bắc Trà My. Nuôi cá lồng bè tại hồ thủy điện Sông Tranh 2 là một hướng giải quyết vấn đề. Bà Tạ Thị Én (xã Trà Sơn, Bắc Trà My) là một ví dụ. Từ 5 nghìn con cá giống được thả nuôi 5 tháng trong lồng bè, gia đình bà Én đã thu được hơn 10 tấn cá, thu lãi hơn 60 triệu đồng.
Hỗ trợ cá giống cho đồng bào Ca Dong.Ảnh: Q.VIỆT |
Một lồng cá có thể tích nước 60m3 để thả nuôi cá điêu hồng ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 với mật độ 100 con/m3 có tổng chi phí khoảng 60 triệu đồng. Sau 5 tháng thả nuôi có thể thu hoạch được hơn 2 tấn cá, bán được khoảng 80 triệu đồng. Một bè cá được đầu tư bài bản có thể bố trí đến 10 lồng nuôi cá. Sau 5 tháng thả nuôi, có thể thu lãi đến 200 triệu đồng. “Thu được hàng trăm triệu đồng sau 5 tháng thả nuôi là số tiền quá lớn so với kỳ vọng ban đầu của đồng bào thiểu số nói chung, người Ca Dong nói riêng. Dĩ nhiên, sản xuất hàng hóa phải đầu tư rất lớn, đòi hỏi người dân tộc thiểu số phải thay đổi tập quán sản xuất. Quy luật cung cầu của thị trường cũng hết sức khắt khe, đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng cao” - ông Phan Thành Phương, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My nói.
Để mô hình nuôi cá trong lồng bè trong lòng hồ thủy điện ổn định và bền vững, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã làm việc với đại diện nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, tạo điều kiện thuận lợi cho các nông hộ được nuôi cá trong lòng hồ. Ngoài ra, Nhà nước còn tạo điều kiện để người dân được vay vốn đầu tư. Số tiền vay không lãi suất mà mỗi nông hộ triển khai nuôi cá trong lồng bè được huyện Bắc Trà My hỗ trợ vay là 120 triệu đồng. Sau vụ nuôi thành công, nông dân hoàn trả lại vốn để huyện tiếp tục hỗ trợ cho các nông hộ khác đầu tư nuôi tiếp theo. Tuyến đường dẫn vào lòng hồ cũng được ngành nông nghiệp huyện Bắc Trà My phối hợp với các hộ nuôi xây dựng, phục vụ nuôi cá. Huyện Bắc Trà My hỗ trợ 100% chi phí cá giống, chuyển giao kỹ thuật theo hướng VietGAP cho các hộ dân.
NGUYỄN QUANG VIỆT