Đồng bào thôn A Rooi làm kinh tế

NHƯ TRANG 17/12/2019 10:43

(QNO) - Những năm gần đây, đời sống đồng bào Cơ Tu ở thôn A Rooi (xã Ga Ry, Tây Giang) khá giả hơn nhờ biết cách làm kinh tế từ các sản vật của rừng.

Đồng bào thôn A Rooi hái măng rừng để cải thiện kinh tế. Ảnh: NHƯ TRANG
Đồng bào thôn A Rooi hái măng rừng để cải thiện kinh tế. Ảnh: NHƯ TRANG

Mùa măng rừng

Măng rừng mọc tự nhiên quanh năm, vào mùa mưa càng nhiều hơn, đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10. Đồng bào Cơ Tu cứ đợi đến mùa măng rừng lại bắt tay vào thu hoạch. Món ăn từ măng ngày càng phổ biến nên bà con cũng thuận lợi trong việc mua bán.

Công việc hái măng rừng không hề đơn giản, bởi lẽ măng mọc ở giữa những cây tre hoặc cây lồ ô. Đó là chưa kể côn trùng, rắn rết cắn bị thương. Người đi hái măng thường là phụ nữ và trẻ em, mỗi ngày họ vào rừng từ sáng sớm, đến chiều tối thì trở về làng cùng với gùi hoặc bao măng đầy.

Phơi khô măng để bán cho thương lái. Ảnh: NHƯ TRANG
Phơi khô măng để bán cho thương lái. Ảnh: NHƯ TRANG

Măng được lột vỏ, chỉ lấy ruột vàng bên trong rồi cho vào nồi luộc chín. Sau đó cắt mỏng, phơi khô chờ thương lái đến thu mua. Măng khô có giá 100 - 150 nghìn đồng/kg tùy loại lớn hay nhỏ. Mỗi ngày, nếu nhà nào làm chăm chỉ sẽ hái và phơi được hơn 1kg măng khô. Chị Alăng Lan vốn là người Đông Giang, lấy chồng về thôn A Rooi, bao nhiêu năm làm dâu là bấy nhiêu năm chị học nghề làm măng rừng, phụ chồng buôn bán kiếm tiền xây nhà, dựng cửa.

Còn chị Zơrâm Thị Bhiênh thuộc diện khó khăn, chồng mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, một mình chị nuôi 3 con nhỏ. May sao bà con trong thôn chỉ cách đi hái măng, làm măng bán nên đời sống của chị bớt nhọc nhằn. Chị Bhiênh chia sẻ: “Ngoài làm lúa rẫy, tôi tranh thủ đi hái măng phơi bán kiếm tiền. Lúc ốm đau hay dịp lễ tết còn có tiền sắm sửa cho bản thân và gia đình”.

Trồng cam, sâm dây

Sau những chuyến đi rừng, đồng bào thôn A Rooi thu hoạch được một loại cam, ăn xong họ thử lấy hạt gieo xuống đất, ngờ đâu cây đâm chồi nảy lộc và phát triển, cho trĩu quả. Vậy là bà con trong cả thôn rủ nhau ươm giống, trồng loại cây ăn quả này hái bán với giá 15 nghìn đồng/kg.

Ông Zơrâm Xim năm nay gần 70 tuổi, không còn khỏe để băng rừng, lội suối nên ở nhà ươm giống cam và trồng tổng cộng 200 gốc rải rác từ vườn nhà đến ngoài nương rẫy. Đến mùa thu hoạch, ông Xim bán được hơn 10 triệu đồng. Ông cho biết: “Những mùa cam đầu cho ra quả to, ngọt. Nhưng những mùa sau thì cây sẽ suy, cho quả nhỏ dần. Chính vì thế phải ươm giống, trồng xen canh thì đến vụ mới thu hoạch được nhiều”.

Anh Pơloong Gạch cũng nổi tiếng trong thôn nhờ có “tay” trồng cam giống ở rừng và cam ghép theo sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Mỗi mùa cam, anh Gạch thu về 25 - 30 triệu đồng. Nhờ thế, đời sống khả giả dần lên, anh có điều kiện sắm phương tiện xe máy đến các chợ mua bán trực tiếp, tìm hiểu giá cả thị trường.

Ông Zơrâm Xim (phải) hiện trồng 200 gốc cam, mỗi mùa cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Ảnh: NHƯ TRANG
Ông Zơrâm Xim (phải) hiện trồng 200 gốc cam, mỗi mùa cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Ảnh: NHƯ TRANG

Không chỉ biết trồng cam số lượng lớn, hiện nay bà con thôn A Rooi còn chỉ bảo nhau cách trồng sâm dây ở rừng, đến mùa thu hoạch thì đào sâm bán với giá 200 - 250 nghìn đồng/kg. Vợ chồng anh Bríu Mơ - chị Pơloong Thị Nhóc tiên phong trồng loại sâm dây này và đạt kết quả rất tốt, khiến bà con ai cũng nể phục.

Trước kia, đời sống quá khó khăn, ở thôn bản không biết làm gì ra tiền, anh Mơ phải đi phụ hồ ở dưới xuôi, chị Nhóc ở nhà lam lũ nuôi con. Không lâu sau, nhận thấy sâm dây được nhiều khách hàng ưa chuộng dùng ngâm rượu thuốc, anh Mơ về làng phát rẫy, trồng hơn 1ha sâm dây cho thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng. “Nhờ sâm dây mà vợ chồng mình có của ăn của để. Nay có căn nhà gỗ rộng rãi che nắng mưa, các con được ăn học tử tế” - anh Mơ nói.

Anh Zơrâm Nhê - Trưởng thôn A Rooi cho biết: “Trước kia, bà con nơi đây chưa biết làm kinh tế. Làm ra gì thì ăn cái nấy. Bây giờ họ đã biết trao đổi, mua bán và bắt đầu kiếm tiền từ sản vật rừng”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đồng bào thôn A Rooi làm kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO