Bằng nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng bào Ca Dong, Xê Đăng ở huyện Nam Trà My đã góp sức sẻ chia với cộng đồng, trở thành gương sáng vùng cao.
Là người con Xê Đăng sinh ra trong gia đình nghèo khó, hơn ai hết, ông Hồ Văn Diếu (ở thôn 3, xã Trà Linh) hiểu rõ nỗi vất vả, khó khăn của đồng bào mình. Ông Diếu kể, hơn chục năm trước, khi cây “thuốc giấu” (sâm Ngọc Linh) chưa có nhiều giá trị về kinh tế, cuộc sống của đồng bào dưới chân núi Ngọc Linh vẫn… nghèo bền vững. Không cam chịu cảnh nghèo khó, tranh thủ sau những ngày giáp hạt, ông Diếu lại lên rừng, mở rộng diện tích trồng sâm. Hồi đó, khi biết ông trồng loài cây “thuốc giấu”, vì chưa có giá nên nhiều người không mấy ủng hộ. Nhưng rồi trời thương phận người, sâm Ngọc Linh được giá, cao ngất ngưởng như bây giờ. Từ hộ khó khăn, ông Diếu trở thành tỷ phú. Tiếp tục mở rộng diện tích để trồng sâm, sau nhiều năm nhìn lại, ông Diếu đã có trong tay hơn chục héc ta sâm, ước giá hàng trăm tỷ đồng.
Trở thành người giàu có, ông Diếu chia sẻ với cộng đồng khó khăn, hỗ trợ nhiều gia đình về hạt giống, cây giống để làm kinh tế. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn đồng bào cách trồng và chăm sóc để cây sâm phát triển tốt, phòng tránh được sâu bệnh. “Ở thôn, nhà nào không có sâm giống, mình sẵn sàng tặng, để họ có điều kiện làm kinh tế. Hồi xưa mình cũng nghèo khó nên nhờ sâm mới được như bây giờ. Giúp bà con thoát cái đói, cái nghèo là điều nên làm” - ông Diếu tâm sự.
Chủ tịch UBND xã Trà Linh - ông Hồ Văn Thể cho hay, không chỉ ông Diếu, nhiều hộ dân khác như Hồ Văn Du, Hồ Văn Dang, Hồ Văn Hình… đã có nhiều việc làm hỗ trợ đồng bào địa phương trong phát triển kinh tế. Bên cạnh nhận công nhân vào chăm sóc, bảo vệ vườn sâm, các hộ này còn linh hoạt trả công bằng cách tặng sâm để cùng làm giàu. Thậm chí, mừng sinh nhật, mừng nhà mới, hay mừng sự kiện nào đó trọng đại cũng đều lấy sâm để làm quà. Bằng cách làm này, nhiều hộ dân từ làm thuê đã trở thành chủ sâm thực sự, tiếp tục nêu gương “ân nhân” cùng giúp đỡ các hộ khó khăn khác. “Chúng tôi luôn khuyến khích các chủ sâm nhân rộng mô hình ý nghĩa này, nhằm vừa giúp đỡ các hộ khó khăn có điều kiện trồng sâm, phát triển kinh tế, vừa gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng, cùng nhau làm giàu” - ông Thể nói.