Cuộc sống của người dân thôn Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) lại gặp khó khăn sau lũ lụt bởi giao thông cách trở và thiếu nước sinh hoạt.
|
Tuyến đường độc đạo Đông Bình - Hà Mỹ bị sạt lở nặng sau 2 cơn lũ liên tiếp. Ảnh: HOÀI NHI |
Qua sông lụy đò
Sáng qua 5.1, chúng tôi trở lại thôn Đông Bình và nhận thấy tuyến đường độc đạo dẫn về khu dân cư này chỗ thì sạt lở nặng, chỗ ngổn ngang những bao tải cát. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng – một người dân địa phương, cơn lũ đầu tiên xuất hiện hồi đầu tháng 12.2016 khiến tuyến đường giao thông trọng yếu Hà Mỹ - Đông Bình bị xói lở nghiêm trọng với tổng chiều dài ít nhất 60m. Trước tình hình đó, chính quyền xã Duy Vinh, lực lượng vũ trang huyện Duy Xuyên cùng hơn 300 hộ dân khẩn trương xúc cát đổ vào hàng chục nghìn bao tải rồi quăng xuống dòng sông để gia cố tạm thời nhằm hạn chế tình trạng sạt lở vườn tược, nhà cửa và phục vụ cho việc đi lại. Thế nhưng, cơn lũ thứ hai xảy ra vào giữa tháng 12.2016 tiếp tục gây hư hỏng, cuốn trôi tuyến đường này. Ông Hoàng nói: “Hiện tại, người dân Đông Bình muốn qua sông phải lụy đò, vất vả vô cùng. Điều đáng lo là mới đây, khoảng 30 em học sinh và người dân suýt nữa nguy hiểm tính mạng khi chiếc thuyền chở mọi người vừa rời bến thì bị thủng đáy. Vì vậy, tôi mong cấp trên sớm quan tâm sửa chữa, nâng cấp lại tuyến đường Đông Bình - Hà Mỹ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.
Niềm mong mỏi của ông Hoàng cũng chính là ước mơ của hơn 300 hộ dân với 1.200 nhân khẩu ở thôn Đông Bình. Trao đổi với chúng tôi vào trưa ngày 5.1, ông Trần Văn Sành – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho hay, tuyến đường độc đạo (dài 300m, rộng 9m) nối 2 thôn Hà Mỹ - Đông Bình thi công hoàn thành vào đầu năm 2014, chấm dứt tình cảnh người dân phải qua sông bằng ghe thuyền suốt mấy chục năm qua. Hai bên đường sử dụng gần 3.000 cây tre đan trục trịch giữ cố định và 10.000 mét khối đất đá để đắp đổ lên trên bề mặt. Thế nhưng, lũ lụt vừa qua đã khiến hơn 1/3 chiều dài tuyến đường bị sạt lở nặng, chia cách người dân Đông Bình với các vùng lân cận. Để đảm bảo cho việc đi lại của người dân, chính quyền địa phương đang tiến hành gia cố lại các bao tải cát và huy động 3 máy lớn hút cát từ dưới sông lên. Dự kiến, khoảng một tuần nữa người dân mới có thể đi lại trên tuyến đường này. Ông Sành nói: “Việc gia cố con đường độc đạo ấy bằng bao tải cát chỉ là giải pháp tình thế. Còn về lâu dài, phải thuê tư vấn khảo sát, thiết kế và thi công một cống ngầm nằm ở khoảng giữa tuyến đường với chiều dài 40m và rộng 5m để tạo lối thoát lũ. Đồng thời phải tiến hành kè kiên cố dọc hai bên mái đường. Theo dự tính, tổng nguồn kinh phí thực hiện việc này là khoảng 9 tỷ đồng. Với số tiền lớn như vậy, ngân sách địa phương không thể nào kham nổi”.
Thiếu nước sạch
Bà Lê Thị Quý - một người dân thôn Đông Bình cho biết, suốt một tháng nay gia đình bà thiếu nước sạch sử dụng bởi đường ống dẫn nước từ xã Duy Nghĩa sang đây đã bị 2 cơn lũ liên tiếp làm hư hỏng nặng nề. “Do nguồn nước giếng ở địa phương luôn trong tình trạng nhiễm phèn nghiêm trọng, không đảm bảo hợp vệ sinh nên muốn có nước dùng cho việc ăn uống, tôi đành phải hứng nước mưa, còn không thì phải bỏ tiền ra mua nước đóng bình loại 20 lít về sử dụng với mức giá 12 nghìn đồng/bình, cao hơn 2 nghìn đồng/bình so với trước đây, bởi việc vận chuyển của nhà cung cấp gặp rất nhiều khó khăn” - bà Quý than phiền.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thôn Đông Bình bốn bề bao bọc bởi sông nước nên hầu như 30 giếng đào đều bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Hơn nữa, toàn bộ số giếng đào này đều bị ngập lũ sâu nên người dân chỉ sử dụng nguồn nước cho việc giặt giũ quần áo, còn nước dùng để ăn uống thì phải đi mua. Trước tình hình này, những ngày qua chính quyền xã Duy Vinh tích cực huy động nhân lực, máy móc, phương tiện tập trung khắc phục sự cố đường ống dẫn nước sạch từ Duy Nghĩa qua. Tuy nhiên, công việc này đang gặp không ít trở ngại vì độ sâu từ mặt sông xuống đến chỗ đường ống bị hư hỏng khoảng 5m. Muốn nối lại đường ống, đòi hỏi phải thuê thợ lặn chuyên nghiệp cùng đầy đủ các trang thiết bị kỹ thuật thì mới thực hiện được.
Cần nói thêm, từ đầu tháng 12.2016 đến thời điểm này gần 10 hộ dân ở thôn Hà Mỹ thuộc khu vực giáp ranh với thôn Đông Bình cũng lâm vào tình cảnh tương tự bởi họ sử dụng chung đường ống dẫn nước sạch từ xã Duy Nghĩa sang. Trong vòng một tháng nay, muốn có nước để uống và nấu ăn, người dân nơi đây phải xách thùng, chậu, xô ra sân hứng nước mưa hoặc qua chợ Bàn Thạch mua bình nước loại lớn về sử dụng. Còn chuyện tắm giặt, rửa chén bát… đành phải gánh nước ngoài sông Bàn Thạch vào sử dụng. Nếu tình trạng thiếu nước sạch cứ kéo dài thì sức khỏe của nhân dân vùng “rốn lũ” này bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi...
HOÀI NHI