Dòng chảy của lụa

VĨNH LỘC 15/12/2022 09:44

(VHQN) - Lụa tơ tằm Quảng Nam không còn là ký ức của thương cảng Hội An xưa mà đã hồi sinh trong cuộc sống gắn các hoạt động du lịch như một sản phẩm lưu niệm hấp dẫn.

Các tiết mục trong Chương trình nghệ thuật “Hội An - Sắc màu của lụa“. Ảnh: VĨNH LỘC
Các tiết mục trong Chương trình nghệ thuật “Hội An - Sắc màu của lụa“. Ảnh: VĨNH LỘC

Lần đầu tiên, chương trình biểu diễn nghệ thuật tràn ngập sắc màu với chủ đề về lụa được TP.Hội An tổ chức nhằm không chỉ tôn vinh nghề dệt lụa tơ tằm mà còn “sân khấu hóa” lụa trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Tôn vinh lụa

Ngược dòng lịch sử, Quảng Nam xưa vốn nổi tiếng với lụa tơ tằm được xuất đi khắp nơi trên thế giới qua thương cảng quốc tế Hội An. Với con đường gốm sứ mậu dịch và tơ lụa trên biển một thời, những sản phẩm lụa Quảng Nam được giới thương gia nước ngoài ưa chuộng. Trải bao thăng trầm, con đường tơ lụa qua thương cảng Hội An dần tàn lụi kéo theo đó là những phai mờ về lụa trong dòng chảy lịch sử.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước khi Hội An bắt đầu làm du lịch, lụa đã trở thành sản phẩm tiên phong gắn với nghề may mặc, được nhiều du khách yêu thích đặt mua làm quà lưu niệm. Hàng loạt nhà may đo lần lượt ra đời, những bộ trang phục từ lụa cũng theo chân du khách đến khắp nơi trên thế giới, biến lụa thành thương hiệu sản phẩm lưu niệm thú vị riêng có tại Hội An.

 

Chương trình nghệ thuật “Hội An - Sắc màu của lụa” được TP.Hội An tổ chức hôm 26/11 là câu chuyện kể về nghề thủ công mỹ nghệ đặc trưng với những cung sắc của miền quê hai bên bờ Thu Bồn.

Ở đó, người xem có thể cảm nhận được sự biến chuyển của nhiều mẫu trang phục theo từng thời kỳ phát triển xã hội, đặc biệt là sự sang trọng của chiếc áo dài lụa Việt Nam xưa và nay; từ đó tạo nên mảnh ghép hoàn hảo giữa quá khứ và hiện tại về lụa.  

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An cho biết, việc sân khấu hóa lụa không chỉ quảng bá hình ảnh Hội An với các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà còn góp phần tôn vinh nghề sản xuất lụa, tơ tằm và may mặc Hội An.

“Qua bao thăng trầm lịch sử lụa vẫn không thể thiếu trong cộng đồng, thậm chí còn được phát triển, nâng cao như một sản phẩm của sự tự hào về một vùng đất. Thương cảng Hội An xưa chính là nơi tập trung các nguồn hàng, đặc sản của Quảng Nam giao thương với các nước, và tơ lụa là một trong những loại hàng hóa chủ lực. Có thể nói, chính tơ lụa giúp cho Hội An vang danh, giúp kết nối với các vùng miền khác thông qua các hoạt động giao thương, trao đổi” - bà Cẩm diễn giải.

Sản phẩm du lịch về đêm

Lụa luôn là đề tài thú vị gắn với đời sống, tâm thức người xứ Quảng. Từ câu chuyện Bà Chúa Tằm tang trên dòng sông Thu Bồn đêm trăng đến thanh âm khung cửi vang vọng ở làng quê Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc... một thời.

Từ trang phục áo dài lụa thướt tha trong các sự kiện, lễ hội đến những bộ veston lịch lãm may nhanh trong những kiệt hẻm phố Hội, tất cả đã tạo nên nét riêng có cho vật phẩm này.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, sở dĩ Hội An chọn lụa để “sân khấu hóa” bởi sức lan tỏa và sự đa dạng của sản phẩm này trong đời sống văn hóa, xã hội luôn mãnh liệt.

Thực tế, khác với một số mặt hàng khác, tơ lụa không hề mất đi hoặc lãng quên, ngược lại vẫn tồn tại theo dòng chảy của lịch sử, chuyển tải thông điệp văn hóa không chỉ của quá khứ mà còn của hiện tại và tương lai để tạo nên sức hấp dẫn đặc trưng cho mặt hàng quý phái này.

Đến nay, hầu như các sản phẩm du lịch Hội An đều bắt đầu từ tơ lụa như may mặc, đèn lồng. Do vậy, việc Hội An chọn lụa để xây dựng một chương trình nghệ thuật càng mang nhiều ý nghĩa, ngoài tôn vinh nghề lụa tơ tằm, điều quan trọng nhất thành phố muốn hướng đến là kết hợp giữa tơ lụa, nghề thủ công với diễn xướng dân gian, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức cư dân bản địa, kỹ năng diễn xướng để trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Trong bối cảnh Hội An đang hướng đến tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên hai lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian truyền thống, việc lan tỏa những giá trị từ lụa càng phù hợp. Đây được xem là mảnh ghép hoàn hảo giữa quá khứ và hiện tại, là thông điệp của sự sáng tạo trên nền lịch sử, văn hóa truyền thống để hướng tới những giá trị tốt đẹp.

“Chương trình “Sắc màu của lụa” được chúng tôi thai nghén từ rất lâu và ý tưởng này càng thôi thúc trở thành hiện thực khi Hội An đăng ký tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu. Chương trình là sự kết hợp giữa văn hóa với ngành nghề thủ công được trình diễn qua các hình thức diễn xướng dân gian.

Đây sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo, nhất là mở ra hướng đi mới với các hoạt động ban đêm, ngoài chương trình Đêm phố cổ. Từ thành công của chương trình sẽ tạo nguồn cảm hứng mới để thành phố tiếp tục sáng tạo nhiều chương trình tương tự nhằm làm mới hơn Hội An trên nền sản phẩm cũ” - ông Lanh chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dòng chảy của lụa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO