Dòng chảy lao động...

C.B.L 13/02/2019 01:55

Trên địa bàn tỉnh, báo chí đưa tin, nhiều doanh nghiệp có số lao động lớn đã khởi động ngày làm việc đầu tiên của năm mới với không khí rộn ràng. Đó là không khí chung, còn tâm lý chung thì có lẽ năm nào cũng vậy - sau những ngày vui, khi trở lại với công việc, dễ làm nhiều người uể oải. Đặc biệt đối với những lao động “hành phương Nam”, sau những ngày về quê ăn tết xôm tụ, bây giờ phải lăn lộn tàu xe vào lại, thật không dễ gì có được cảm giác háo hức.

Như một người bạn của tôi, hôm tiễn anh vào lại Bình Dương, tôi đã nhìn thấy vẻ mệt mỏi trong ánh mắt. “Ngày vui qua mau” - anh nói trước khi tâm sự rằng đợt này vào lại sẽ tìm việc gì nằng nặng một chút mà làm, như công nhân xây dựng ở công trường, để có thu nhập cao hơn, vài năm có thể tích cóp chút vốn rồi không đi nữa. Anh hóm hỉnh rằng làm công nhân may vá lâu nay khiến người đàn ông như mình cứ “thẳng tắp, nhỏ lại, và đôi khi cuộn tròn như sợi chỉ mà đầu mối tương lai thì dường như khuất mờ”. Và phải sống trong những căn nhà trọ chật chội, nóng bức, lại đối mặt với đủ thứ vấn nạn của xã hội, mà ớn nhất là tình trạng thực phẩm bẩn tràn về các khu chợ công nhân...

Nỗi vất vả của bạn tôi, không đại diện cho tầng lớp công nhân, nhưng là lý do khiến nhiều người bỏ việc trong các nhà máy vốn không thong thả gì, lại vẫn được gọi là lao động giá rẻ. Và đây cũng là lý do chính khiến dòng chảy lao động, đầu năm nào cũng là nỗi lo sau không khí nhộn nhịp khi nhà máy mở cửa trở lại. Lo đến nỗi như giám đốc của một công ty đóng chân tại huyện Đại Lộc, đã nhờ một cơ quan báo chí tư vấn pháp luật rằng: công ty của ông sử dụng nhiều công nhân, trong đó có một số ở xa. Cứ sau mỗi đợt Tết Nguyên đán, một số công nhân trở lại làm việc trễ so với quy định, số khác bỏ việc luôn nên công ty đã tiến hành sa thải. Ông hỏi vậy có đúng với quy định của pháp luật không? Câu trả lời rất rõ ràng là theo quy định, người lao động có thể bị sa thải nếu tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng. Áp với quy định này thì việc sa thải một công nhân không có gì là quá rắc rối, nhất là người mất việc đã chọn con đường khác để mưu sinh. Khi họ đã chọn cách ấy, thì câu hỏi nên đặt ra là có thể làm gì tốt hơn để những lao động giá rẻ đó không nằm trong danh sách bị sa thải...  

Trên địa bàn tỉnh, mấy năm gần đây tình hình lao động nhảy việc đã bớt căng thẳng hơn, cũng một phần hầu hết đó là những lao động nông thôn vốn đã có sẵn “lợi thế” khó khăn, mức sống chưa cao, mà khi so sánh với thu nhập của công nhân là có thể chấp nhận được. Nhưng tốc độ đô thị hóa ở nông thôn đang rất nhanh, áp lực cuộc sống ngày càng căng thẳng hơn, thì những “lợi thế” đó sẽ không giữ được lâu nếu họ vẫn mãi là những lao động giá rẻ!

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dòng chảy lao động...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO