Chính trị

Đồng chí Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng

TRƯỜNG ĐỒNG 01/05/2024 07:45

(QNO) - Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, Trần Phú đã sớm chọn con đường chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tuy thời gian hoạt động cách mạng ngắn ngủi, song đồng chí đã để lại cho các thế hệ đi sau tấm gương sáng ngời của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Đồng chí Trần Phú (bí danh Lý Quý), sinh ngày 1/5/1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Hơn 4 tuổi mồ côi cha, 6 tuổi mồ côi mẹ, tuổi thơ Trần Phú đã trải qua những năm tháng đất nước đắm chìm trong vòng nô lệ.

Truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần cách mạng nơi sinh ra - Phú Yên và quê hương dòng tộc - Hà Tĩnh đã để lại cho Trần Phú những ấn tượng sâu sắc, góp phần bồi đắp lòng yêu quê hương, đất nước; hun đúc ý chí và tinh thần học hỏi, vươn lên tìm con đường cứu nước.

Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú là vào cuối năm 1926, đồng chí được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tại đây, đồng chí đã gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia lớp huấn luyện cán bộ do Người trực tiếp giảng dạy.

Dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, tháng 11/1929 đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động với cương vị là cán bộ chủ chốt của Đảng.

Tháng 7/1930, đồng chí được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Luận cương chính trị. Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng là sản phẩm trí tuệ của tập thể Ban Chấp hành Trung ương, nhưng in đậm dấu ấn cá nhân đồng chí Trần Phú trong vai trò là người trực tiếp soạn thảo.

Luận cương được hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là “Luận cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa” của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (năm 1928) và các văn kiện trong Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đầu năm 1930; được tổng kết từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và phong trào quần chúng ở một số địa phương…

438254779_887314626528826_6992025326709768438_n.jpg
Trường THPT Trần Phú, Hà Tĩnh, tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên tại Nhà trưng bày lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú.

Luận cương chỉ ra, Đảng phải có phương pháp cách mạng trong lúc bình thường và lúc có tình thế cách mạng. Khi có tình thế trực tiếp cách mạng thì Đảng phải lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Về thời cơ khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, dự thảo Luận cương chính trị nêu rõ: “Đến lúc sức cách mạng lên rất mạnh, giai cấp thống trị đã rung động, các giai cấp đứng giữa đã muốn bỏ về phe cách mạng, quần chúng công nông thì sôi nổi cách mạng, quyết hy sanh phấn đấu, thì Đảng phải lập tức lãnh đạo quần chúng để đánh đổ chánh phủ của địch nhân và giành lấy chính quyền cho công nông”.

Về vai trò lãnh đạo của Đảng, dự thảo Luận cương chính trị nhấn mạnh: “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của giai cấp vô sản ở Đông Dương, và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản”.

Cùng với Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại hội nghị hợp nhất đầu năm 1930, Luận cương chính trị đã góp phần xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua mọi thử thách đi tới thắng lợi vẻ vang.

truong-thpt-tran-phu-ha-tinh.jpg
Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta

Trong hoàn cảnh bị địch khủng bố rất ác liệt, đồng chí Trần Phú - trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo thực hiện những nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ nhất với khối lượng công việc khổng lồ, quan trọng và chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 3/1931).

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã lãnh đạo, trực tiếp soạn thảo và hoàn thiện các văn kiện, triển khai thực hiện việc phát triển các tổ chức đảng, tổ chức chính trị, đoàn thể, hội quần chúng nhằm tập hợp, đoàn kết thống nhất mọi lực lượng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hàng loạt văn kiện quan trọng được thông qua liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức đảng, công tác dân vận, công tác mặt trận, đặt nền móng cho việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, thành lập các tổ chức: Công hội, Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ. Chỉ sau một thời gian, tổ chức đảng, các đoàn thể, hội quần chúng đã có sự phát triển nhanh chóng.

chuong-trinh-nghe-thuat-ky-niem-120-nam-ngay-sinh-dong-chi-tran-phu-do-tinh-ha-tinh-to-chuc.jpg
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú do tỉnh Hà Tỉnh tổ chức.

Nhằm xây dựng khối đoàn kết nhất trí trên cơ sở cương lĩnh, đường lối của Đảng, Tổng Bí thư Trần Phú rất quan tâm đến vấn đề đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng, khắc phục những nhận thức lệch lạc, cơ hội, bè phái, chỉ ra những vấn đề nảy sinh từ chủ nghĩa cơ hội và khuynh hướng hòa hoãn trong Đảng. Mỗi đảng viên phải là người hăng hái hoạt động, tham gia sinh hoạt đảng và công việc của Đảng, trở thành một phần tử hoạt động của Đảng. Kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt dựa trên nguyên tắc dân chủ tập trung.

Giữ vững nguyên tắc trong xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân về tư tưởng và tổ chức; đề xuất những vấn đề nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng thông qua tăng cường tính chất giai cấp công nhân; kiên quyết chống lại chủ nghĩa cơ hội… là những cống hiến đóng góp có giá trị lý luận và chỉ đạo thực tiễn to lớn của đồng chí Trần Phú, mà cho đến nay vẫn là vấn đề thời sự trong công tác xây dựng Đảng.

Dưới chỉ đạo sát sao của đồng chí Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương Đảng thời kỳ 1930 - 1931, khí thế phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân trong cả nước bùng lên mạnh mẽ. Bộ Tham mưu tối cao của Đảng, do Tổng Bí thư Trần Phú đứng đầu, đã thực hiện sứ mệnh lịch sử, dấy lên cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.

Trong công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ xây dựng và phát huy vai trò của chi bộ đảng được đồng chí Trần Phú và Ban Chấp hành Trung ương rất chú trọng: Chi bộ là cơ sở của Đảng. Nếu chi bộ mà không biết làm việc thì Đảng không phát triển được; cho nên chi bộ cần phải tổ chức sinh hoạt cho náo nhiệt và cho có kế hoạch. Ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng mạnh hay yếu, trình độ chính trị và hoạt động của đảng viên cao hay thấp cũng theo trình độ sinh hoạt của chi bộ cao hay thấp.

Tấm gương mẫu mực về chí khí người cộng sản

Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, Trần Phú đã sớm chọn con đường chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng chí là tấm gương mẫu mực cho tinh thần ham học hỏi. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí đã tìm đọc các loại sách báo tiến bộ để trau dồi kiến thức.

Khi là thầy giáo, đồng chí đã truyền cho các lớp học sinh tinh thần yêu nước và vận động quần chúng tham gia đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho một xã hội tốt đẹp, không còn bị áp bức, bất công…

Sau khi được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, từ chủ nghĩa yêu nước, đồng chí Trần Phú đã đến với lý tưởng cộng sản và quyết tâm dâng hiến đời mình cho lý tưởng cao đẹp đó.

Sự trưởng thành vượt bậc của đồng chí Trần Phú về xây dựng hoạch định đường lối và chỉ đạo triển khai các nghị quyết của Đảng vào thực tiễn phong trào cách mạng đã khẳng định sự sáng suốt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong lựa chọn, đào tạo, huấn luyện, sử dụng cán bộ, nhất là việc lựa chọn và sử dụng cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trong đó Trần Phú là một học trò tiêu biểu.

khu-trai-giam-benh-vien-cho-quan-noi-dong-chi-tran-phu-bi-giam-giu-va-hy-sinh.jpg
Khu Trại giam bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú bị giam giữ.

Bị địch bắt ở Sài Gòn ngày 18/4/1931, trước những thủ đoạn của kẻ thù, đồng chí Trần Phú đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và cách mạng, về tinh thần bất khuất, chiến đấu kiên cường trước kẻ thù. Ngày 6/9/1931, trước lúc hy sinh, đồng chí vẫn nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời nói bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu.

Phẩm chất cộng sản kiên trung và khí tiết lẫm liệt của Trần Phú trước kẻ thù đã cổ vũ các thế hệ người Việt Nam trong cuộc chiến đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc, ấm no hạnh phúc của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đấu tranh giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước; đưa cả nước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa theo các mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

ubndqu-1.jpg
UBND quận 5 (TP.Hồ Chí Minh) khởi công tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử cấp quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán. Đây là nơi đồng chí Trần Phú (1904-1931), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam bị giam giữ và hy sinh.
tranh-tran-phu-in.jpg
Căn phòng trong Di tích nhà 90 Thợ Nhuộm (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm), nơi đồng chí Trần Phú dự thảo bản Luận cương Chính trị đầu tiên của Đảng.
Căn phòng trong Di tích nhà 90 Thợ Nhuộm (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm), nơi đồng chí Trần Phú dự thảo bản Luận cương Chính trị đầu tiên của Đảng.
Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Ảnh Báo Hà Tĩnh)
Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Ảnh Báo Hà Tĩnh).
Dâng hương nơi từng là phòng giam và là nơi Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh
Dâng hương nơi từng là phòng giam và là nơi Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh.
1920x1080-3-v.png
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đồng chí Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO