Sinh năm 1927, tại làng Bàn Thạch, tổng An Lạc, phủ Duy Xuyên - mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh yêu nước nên đồng chí Trần Thận sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản và tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
1. Năm 1940, Trần Thận được các đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) - Bí thư Tỉnh ủy và Nguyễn Sắc Kim giác ngộ cách mạng và được giao nhiệm vụ vận động thêm người để lập tổ chức cứu quốc ở trong xã; đồng thời được hướng dẫn về các bước công tác điều tra, tuyên truyền.
Giữa năm 1941, Trần Thận cùng Dương Tranh và Phan Vĩnh được đồng chí Trần Thượng Hàm kết nạp vào Ban Vận động cứu quốc xã Bàn Thạch.
Theo giới thiệu của hai đồng chí Võ Toàn và Nguyễn Sắc Kim, tháng 6.1942, đồng chí Phạm Thị Đợi kết nạp đồng chí Trần Thận cùng Dương Tranh và Phan Vĩnh vào Đảng, lập Chi bộ Bàn Thạch; đồng chí Trần Thận được cử làm Bí thư.
Những tháng cuối năm 1942, phong trào cách mạng tỉnh Quảng Nam được phục hồi nhanh chóng. Tỉnh ủy lâm thời được lập lại.
Đầu năm 1943, phong trào cách mạng tỉnh Quảng Nam lại bị bể vỡ; Trần Thận bị địch bắt và kết án 3 năm tù giam. Ban đầu, đồng chí bị giam ở nhà lao tỉnh Quảng Nam (Vĩnh Điện), đến khoảng tháng 7.1943 bị đưa xuống giam ở nhà lao Hội An.
Trong nhà giam, mặc dù bị bọn cai ngục giám sát chặt chẽ nhưng khi có cơ hội, anh em lại tổ chức học văn hóa, học chính trị, giúp nhau nâng cao trình độ để sau khi ra tù vận dụng vào thực tiễn.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Trần Thận được trả tự do và được tổ chức phân công tham gia Ủy ban vận động cứu quốc khu Đông Duy Xuyên, trực tiếp xây dựng cơ sở tổng An Lạc.
Từ đây, đồng chí nhanh chóng phát triển cơ sở, lập các Ủy ban vận động cứu quốc ở một số xã; xây dựng lực lượng tự vệ, đưa người nắm lực lượng thanh niên Phan Anh biến thành lực lượng tự vệ cứu quốc, ngày đêm luyện tập, chuẩn bị khởi nghĩa; tổ chức mít tinh khắp các thôn kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít Nhật, giành độc lập.
2. Khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 thắng lợi, đồng chí Trần Thận tích cực tham gia công tác xây dựng cơ sở ở khu Tây Duy Xuyên, nay là vùng B huyện Đại Lộc.
Mùa Xuân năm 1947, đồng chí được Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng cử đi học trường Lục quân do Quân khu 5 tổ chức ở Quảng Ngãi. Mùa hè năm 1952, đồng chí được Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng điều động bổ sung vào Huyện ủy Duy Xuyên, rồi bổ sung vào Ban Thường vụ Huyện ủy, làm Chính trị viên Huyện đội.
Trên cương vị này, đồng chí đã góp phần cùng lực lượng vũ trang của huyện đánh bại âm mưu bình định của địch, nhất là trực tiếp chỉ đạo chỉ huy trận tập kích vào tháp canh Cây Kén ở Xuyên Đông, Long Xuyên, Hạt Toán, Mỹ Khê, bắt trọn hội đồng tề ở Xuyên Đông, mở rộng địa bàn giải phóng phía bắc đường 104 của xã Duy An, tạo thế cho Trung đoàn 108 lót quân phục kích đánh điểm tiêu diệt viện ngày 17.5.1953.
Hiệp định Giơnevơ ký kết, đồng chí Trần Thận được phân công ở lại hoạt động và được chỉ định làm Phó Bí thư Huyện ủy; tháng 3.1955 đồng chí được cử làm Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên.
Tháng 2.1959, đồng chí được cấp trên chỉ định vào Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, tiếp tục làm Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên kiêm Bí thư Ban cán sự khu Trung của tỉnh gồm các địa phương Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Hội An.
Tháng 10.1961, đồng chí Trần Thận được Tỉnh ủy cho ra miền Bắc chữa bệnh và dự lớp học 18 tháng tại trường Nguyễn Ái Quốc khóa III.
Đầu năm 1964, đồng chí Trần Thận về lại chiến trường miền Nam, được Khu ủy 5 điều động và bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Đà, được Tỉnh ủy phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách Chính trị viên Tỉnh đội kiêm Trưởng ban Dân vận - Binh vận, Đấu tranh chính trị, Tuyên huấn.
Đến tháng 6.1965, đồng chí thôi làm Chính trị viên Tỉnh đội, trực tiếp làm Trưởng ban Dân vận, Trưởng ban Tuyên huấn.
3. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với cương vị là Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, đồng chí Trần Thận cùng các đồng chí lãnh đạo Đặc khu ủy Hồ Nghinh, Hà Kỳ Ngộ, Nguyễn Duy Hưng vào trực tiếp chỉ đạo trong nội thành.
Sau đó, đồng chí được phân công làm Bí thư Quận ủy quận Nhất và đến mùa hè năm 1968, Khu ủy 5 điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thay cho đồng chí Vũ Trọng Hoàng.
Tháng 11.1969, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam tiến hành Đại hội lần thứ VIII. Tại đại hội, đồng chí Trần Thận tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; được bổ sung Khu ủy viên Khu 5.
Tháng 1.1971, đồng chí Trần Thận được Khu ủy 5 cho ra miền Bắc điều trị bệnh. Sau thời gian điều trị, năm 1972, đồng chí trở lại chiến trường miền Nam. Ban đầu, đồng chí được cử tham gia Ban Đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại khu Trung Trung Bộ.
Đến tháng 9.1972, đồng chí được điều về làm Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà và đến cuối năm 1972 làm Bí thư Đặc Khu ủy thay cho đồng chí Hồ Nghinh được điều về Khu ủy 5.
Ngày 22.3.1975, đồng chí Trần Thận trực tiếp nhận chỉ thị chuẩn bị giải phóng Đà Nẵng từ đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5. Ngày 24.3.1975, đồng chí chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà triển khai ý kiến chỉ đạo giải phóng Đà Nẵng của Khu ủy 5.
Nhờ phân tích đúng tình hình địch ta, sáng 29.3.1975, đồng chí Trần Thận điện đề xuất với đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5 đưa quân tiến vào Đà Nẵng.
Kết quả, 11 giờ 30 phút ngày 29.3, quân ta đã làm chủ Tòa thị chánh Đà Nẵng và sau đó lần lượt giải phóng các địa bàn còn lại của Đà Nẵng. 12 giờ 30 phút ngày 29.3, đồng chí Trần Thận vào nội thành Đà Nẵng.
4. Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 10.1975, tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí Trần Thận được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Tuyên huấn.
Mới bước ra khỏi chiến tranh, Quảng Nam - Đà Nẵng còn mang nhiều thương đau, cơ sở vật chất hầu như không có gì, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Muốn khắc phục những vấn đề trên, đồng chí cùng tập thể Tỉnh ủy luôn tập trung công tác xây dựng Đảng, Đảng có mạnh mới lãnh đạo các mặt công tác khác phát triển.
Nhờ đó, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo triển khai nhiều chủ trương, biện pháp nhằm xóa bỏ mọi mặc cảm trong xã hội giữa các tầng lớp nhân dân, thực hiện chính sách “Người cày có ruộng”, đưa dân về lại quê cũ, tổ chức các chiến dịch “rà phá bom mìn”, “tiến công đồng cỏ”, làm thủy lợi, chỉ đạo sản xuất vụ xuân hè để giải quyết vấn đề lương thực, khôi phục các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhờ đó, Quảng Nam - Đà Nẵng đã vượt qua khó khăn ban đầu, cơ bản khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân.
Tháng 1.1980, do yêu cầu công tác, đồng chí Trần Thận được Ban Bí thư Trung ương Đảng điều động về công tác tại Ủy ban Thanh tra Nhà nước, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra. Đồng chí được phân công phụ trách mảng nông nghiệp, sau đó là Phó Chủ nhiệm Thường trực.
Chuyển từ lãnh đạo trong chiến tranh sang lãnh đạo trong hòa bình, xây dựng đất nước, với tinh thần trách nhiệm, đồng chí Trần Thận đã có nhiều đề xuất và việc làm cụ thể góp phần xây dựng ngành thanh tra Nhà nước ngày một đáp ứng yêu cầu.
*
* *
Năm 1992, sau 52 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Trần Thận được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu.
Trở về đời thường nhưng với sức lực còn lại, nặng tình với quê hương, trách nhiệm của người đảng viên đã vào sinh ra tử, đồng chí đã có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, nhất là lĩnh vực xây dựng Đảng, nghiên cứu, biên soạn lịch sử, truyền thống của các địa phương, ngành, đoàn thể.
Giữ vững nguyên tắc, chỉ đạo sát sao, cụ thể là những đức tính trong phong cách lãnh đạo và làm việc của đồng chí Trần Thận. Còn trong đời thường, đồng chí sống chan hòa, thẳng thắn, chân thành, sống có trách nhiệm với đồng đội, đồng chí.
Lãnh đạo tỉnh viếng và dự lễ truy điệu đồng chí Trần Thận
Ngày 5.6.2021, đồng chí Trần Thận, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Khu ủy viên Khu 5, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Chính phủ, đã từ trần, tại TP.Đà Nẵng. Chiều 6.6, Đoàn lãnh đạo tỉnh do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường dẫn đầu đã đến viếng và dự lễ truy điệu đồng chí Trần Thận.
Đoàn lãnh đạo tỉnh đã dành phút mặc niệm thành kính tưởng nhớ đồng chí Trần Thận, một vị lãnh đạo tài năng gắn liền với những cống hiến quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, xây dựng và phát triển quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng.
Đồng chí Trần Thận (tên khai sinh: Trần Cát; Bí danh: Sản) sinh ngày 25.1.1927; quê quán xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huy hiệu 30, 40, 50, 60, 65, 70, 75, 80 năm tuổi Đảng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Thành đồng hạng Ba; Huân chương Giải phóng hạng Nhất; Huy chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều bằng khen, giấy khen khác…