Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, có 30 năm đồng chí Võ Chí Công giữ các cương vị Khu ủy viên khu 5 kiêm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Phó Bí thư Khu ủy, rồi Bí thư Khu ủy. Trên chặng đường ấy, đồng chí đã vinh dự được gặp Bác Hồ ba lần.
Sau khi thôi trọng trách Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Chí Công đã kể cho tôi về cuộc đời cách mạng của mình, để hoàn thành tập hồi ký: “Võ Chí Công trên những chặng đường cách mạng”. Trên những chặng đường ấy, có 30 năm đồng chí Võ Chí Công với cương vị Khu ủy viên khu 5 kiêm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Phó Bí thư Khu ủy, rồi Bí thư Khu ủy đã lãnh đạo Đảng bộ, quân dân khu 5 kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vinh dự được gặp Bác Hồ ba lần.
Nay tôi hệ thống lại nội dung lời kể về ba lần gặp Bác đã ghi lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời cách mạng của đồng chí Võ Chí Công.
1. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, từ tháng 3.1953 tôi dẫn đầu đoàn cán bộ khu 5 ra miền Bắc học tập kinh nghiệm thực hiện chính sách cải cách ruộng đất. Sau hơn một tháng đi nghiên cứu thực tế, trước khi trở về Nam, tôi được Ủy ban Chỉ đạo cải cách ruộng đất của Trung ương thông báo: “Đoàn sẽ được Bác Hồ tiếp, thời gian trong vài tiếng đồng hồ, có thể vào ngày mai”. Cả đoàn rất vui mừng phấn khởi vì đã đáp ứng được nguyện vọng và mong ước cao nhất là được gặp Bác trước khi về Nam.
Sáng ra đoàn dậy rất sớm, ăn sáng xong, quần áo chỉnh tề khác ngày thường. Khoảng 8 giờ 30 đoàn được dẫn đến một ngôi nhà, đây là nơi tiếp khách của Bác tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi vào ngồi chờ vài phút thì Bác đến. Thấy Bác gầy nhưng khỏe mạnh vui vẻ. Cả đoàn đứng dậy vỗ tay chào mừng: “Kính chúc sức khỏe Bác!”.
“Bác chào các chú!”. Bác bắt tay từng người và hỏi: “Ở trong Nam ra Bắc, thời tiết thay đổi, các chú có khỏe không?”. Tôi đứng dậy trả lời: “Kính thưa Bác, chúng cháu được gặp Bác mừng quá nên sức khỏe được tăng cường. Cháu xin phép được thay mặt Đảng bộ và nhân dân khu 5 kính chúc sức khỏe Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ!”. Bác cám ơn và nói: “Ở chiến khu có mặt còn hạn chế nhưng vẫn đảm bảo đủ, Bác và các đồng chí lãnh đạo vẫn khỏe mạnh. Trong kháng chiến các tỉnh khu 5 đã thực hiện giảm tô giảm tức cho nông dân có được tốt không? Bác nghe chú báo cáo luôn kết quả nghiên cứu của đoàn”.
Tôi thưa với Bác: “Ngay từ đầu kháng chiến ở khu 5 đã thực hiện việc tự nguyện giảm tô, giảm tức. Chính quyền cách mạng đã chia công điền công thổ cho nông dân nên sự đoàn kết trong nông thôn được tốt. Thưa Bác, đoàn chúng cháu đã đi nghiên cứu thực tế một số nơi ở địa phương thực hiện chính sách cải cách ruộng đất đều thấy nông dân phấn khởi, nhân dân đoàn kết tích cực thực hiện nhiệm vụ kháng chiến. Đoàn đã thu được những kinh nghiệm tốt trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách và xin phép Bác là đoàn cũng đã phát hiện một số sai sót ở một số nơi, như việc phân định giữa địa chủ và phú nông, việc xác định tính chất bóc lột đối với nông dân chưa được nhất trí đồng tình giữa cấp ủy đảng với đoàn ủy và nhân dân nên việc thực hiện có ảnh hưởng đến sự đoàn kết nông thôn ở nơi ấy”.
Bác Hồ khen ngợi: “Đó là kết quả tốt trong việc nghiên cứu thực tế của các chú. Những sai sót các chú phát hiện, Trung ương đã thấy và đang tích cực sửa chữa, việc tốt thì tiếp thu, việc sai phải sửa vì mục đích cách mạng và lợi ích của nhân dân. Những kinh nghiệm tốt ở nơi này chưa chắc đã tốt ở nơi khác vì thực tế tình hình ở mỗi nơi khác nhau nên vận dụng những kinh nghiệm ấy phải sáng tạo phù hợp với thực tiễn mới đem lại kết quả tốt. Các cấp ủy đảng lãnh đạo cách mạng, khi quyết định một chủ trương chính sách gì phải phù hợp với tình hình thực tiễn, đem lại lợi ích cho cách mạng và lợi ích của nhân dân, được Đảng và nhân dân tin thì việc thực hiện mới tốt được”...
Trở về khu 5, tôi truyền đạt nội dung trên với khu ủy và các cấp ủy đảng trong khu, tất cả đều vui mừng tiếp thu ý kiến của Bác. Lời dạy của Bác đã soi sáng cho khu ủy quyết định chủ trương đúng đắn là khu 5 không tiến hành cải cách ruộng đất nữa mà triệt để giảm tô, giảm tức, được Trung ương đồng ý phù hợp với tình hình thực tế. Toàn Đảng, toàn dân đồng tình và thực hiện thành công lớn.
2. Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết tháng 7.1954, Khu ủy 5 tập trung chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân dân khu 5 quán triệt nội dung hiệp định và chuẩn bị tư tưởng cho thời kỳ mới, hoàn thành việc sắp xếp cán bộ tập kết ra Bắc, đồng thời chuyển hướng tổ chức và hoạt động bí mật của Đảng.
Cuối tháng 7.1954 tôi đến Hà Nội. Chưa đầy một tuần thì Văn phòng Trung ương đến đưa tôi về số nhà 67 gặp Bác Hồ. Tôi rất vui mừng khi bước vào phòng đã thấy Bác. “Bác chào chú!”. Tôi nhanh miệng: “Kính chúc sức khỏe Bác! Được gặp Bác lần này đúng như lời tiên đoán của Bác khi cháu gặp Bác ở Chiến khu Việt Bắc năm 1953”. Bác mời ngồi và nói: “Chú còn nhớ đó à! Rồi hỏi ngay: “Vì sao khu 5 để xảy ra vụ Sơn Hà?”. Tôi thưa Bác, nguyên nhân vụ việc xảy ra là do khuyết điểm của cấp ủy đảng bộ địa phương mất dân chủ, quan liêu, không sát thực tế, không nghe ý kiến của dân khi giải quyết một số vấn đề quyền lợi của dân nên gây sự bất bình. Kẻ địch và bọn phản động lợi dụng những sai lầm đó kích động quần chúng nổi dậy chống chính quyền trong xã và huyện gây mất ổn định. Khi khu ủy biết sự việc xảy ra rất nghiêm trọng, nên đã trực tiếp kiểm điểm Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Đảng bộ Sơn Hà để trực tiếp xin lỗi nhân dân Sơn Hà, đồng thời sửa chữa ngay những khuyết điểm ấy trước dân. Nhân dân rất đồng tình, tình hình đã trở lại bình thường. Khu ủy xin nhận khuyết điểm với Bác và Trung ương Đảng.
Bác nói: “Đảng lãnh đạo, có khuyết điểm sai lầm thì phải kiểm điểm nhận lỗi trước dân thì nhân dân càng tin Đảng, đó là bài học quý giá cho Đảng. Ngày trước Bác đã đi qua các tỉnh khu 5 và có ở lại cực Nam Trung Bộ, Bác thấy nhân dân Nam Trung Bộ và khu 5 có truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, chống chế độ cai trị, áp bức, bóc lột của thực dân và phong kiến...”. Đặc biệt Bác khen ngợi: “Trong khi đại quân ta tấn công tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ thì tháng 7.1954 quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng tập kích vào cứ điểm Bồ Bồ tiêu diệt một số lượng lớn quân thiện chiến Pháp, đã kìm chân chúng ở đó... Chiến thắng Bồ Bồ Quảng Nam đã trực tiếp góp phần thắng lợi cho Điện Biên Phủ, đồng thời có tác động thúc đẩy Pháp ký Hiệp định Giơnevơ ngày 20.7.1954”.
Bác hỏi:“Vùng tự do khu 5 trong kháng chiến, nay giao cho đối phương quản lý, đồng bào ta có lo lắng gì?”. Tôi thưa với Bác, trong khi phổ biến quán triệt nội dung hiệp định, nhân dân rất vui mừng là hòa bình được lập lại, nửa nước được giải phóng, nhưng khu 5 giao cho đối phương quản lý nhất định sẽ gặp nhiều khó khăn như mất quyền tự do và các quyền lợi do cách mạng đem lại sẽ bị thiệt hại, nhất là bọn phản động chống kháng chiến trở lại sẽ có sự trả thù, v.v.
Sau đó Bác vui và nói: “Bác nghe Quảng Nam hay cãi có phải không?”. Tôi thưa Bác: “Khi họ làm một việc gì thì thường hỏi lại cho rõ nội dung việc ấy rồi tích cực làm”. Bác hỏi ngay lại: “Chú tên thật là Võ Toàn người Quảng Nam có phải không?”. “Dạ thưa Bác phải ạ!”. “Chú cũng là người hay cãi đó!”. Hai Bác cháu đều vui cười.
Bác nói: “Hôm nay Bác thay mặt Bộ Chính trị thông báo cho chú: Bộ Chính trị và Bác quyết định giao cho chú trở về lại khu 5 tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng toàn khu, trước mắt là lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi đối phương thi hành hiệp định và đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhiệm vụ của chú vô cùng khó khăn phức tạp, tình hình ở miền Nam, khu 5 diễn biến thế nào chưa đoán trước được, nhưng đã thấy đối phương ra sức phá hoại hiệp định. Khu 5 là vùng tự do của ta trong kháng chiến đã bộc lộ hết lực lượng cách mạng, nay giao cho chúng quản lý sẽ xảy ra những vấn đề phức tạp kể cả sự hy sinh và thiệt hại cho cách mạng. Trong tình hình đó Bác và Bộ Chính trị tin tưởng chú sẽ hoàn thành được nhiệm vụ”. Tôi thưa: “Kính thưa Bác, cháu vui mừng được Bác và Bộ Chính trị tín nhiệm, cháu rất vui vẻ xin nhận nhiệm vụ và xin hứa với Bác và Bộ Chính trị, cháu sẽ cố gắng hoàn thành”.
Bác nói tiếp: “Trong nhiệm vụ khó khăn này, chú có chỗ dựa là nửa đất nước được giải phóng, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác đang ở Thủ đô Hà Nội luôn luôn hỗ trợ cho chú. Nếu có vấn đề gì khó giải quyết chú ra gặp Bác. Bác chúc chú khỏe, nghỉ lại vài hôm, tổ chức sẽ bố trí kế hoạch để chú trở về khu 5 cho an toàn”.
3. Trải qua 4 năm thi hành Hiệp định Giơnevơ, ở khu 5 đã thấy rõ đối phương ra sức phá hoại, dùng bạo lực đàn áp đánh phá nhân dân đấu tranh chính trị đòi thi hành hiệp định, liên tiếp bắt bớ giết hại cán bộ đảng viên, trả thù những người kháng chiến cũ, đe dọa những gia đình có người đi tập kết gây nhiều thiệt hại cho phong trào đấu tranh cách mạng trong khu 5... Trăn trở trước thiệt hại nặng nề của phong trào cách mạng, tôi xin phép khu ủy ra Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương.
Đầu năm 1958 tôi ra đến Hà Nội xin được gặp Bộ Chính trị và Bác Hồ. Sau hai tuần thì Bác Hồ gọi đến nhà số 67 gặp Bác. Tôi bước vào phòng thấy Bác và đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tôi kính chào, chúc mừng sức khỏe Bác và đồng chí Hoàn. Bác bắt tay, hỏi thăm sức khỏe và nói luôn: “Tình hình chung ở miền Nam và các tỉnh khu 5 Bác theo dõi và nghe báo cáo của các địa phương đã biết. Chú nói rõ thêm những nét tổng quát và nhận định triển vọng phong trào cách mạng ở khu 5”.
Tôi thưa: “Khu ủy 5 nhận định đối phương đã ra sức phá hoại hiệp định, dùng bạo lực đàn áp đánh phá phong trào đấu tranh của nhân dân, giết hại nhiều cán bộ đảng viên, trả thù những người kháng chiến... Phong trào đấu tranh nhiều nơi bị lắng xuống”. Bác hỏi: “Ở đồng bằng thì thế, còn ở miền núi thì sao?”. Tôi thưa với Bác: “Vùng giáp ranh đồng bằng cũng xảy ra tương tự như vậy. Miền núi, vùng xa, vùng cao tương đối ổn định. Một số nơi ở Quảng Ngãi, Quảng Nam đồng bào dân tộc viện cớ chống thú rừng nên đã đào hầm cắm chông, đặt bẫy, khi binh lính của chúng vào bị thiệt hại nên không dám đến nữa mà dùng máy bay rải truyền đơn kêu gọi chống cộng ủng hộ chúng. Nhiều lúc quá khó khăn, khu ủy, tỉnh ủy và cán bộ thoát ly phải lánh lên vùng núi, được đồng bào dân tộc tích cực đùm bọc bảo vệ. Nếu không có phương pháp đấu tranh mới hiệu quả thì phong trào cách mạng bị thiệt hại càng nặng nề hơn, không bảo tồn cũng không phát triển được lực lượng cách mạng”.
Bác hỏi: “Khu ủy và chú có ý kiến gì với Trung ương?”. Tôi thưa: “Khu ủy và cháu đề nghị với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bác cho phép thay đổi phương pháp đấu tranh theo nguyên tắc: Kẻ thù dùng bạo lực đàn áp quần chúng đấu tranh cách mạng thì quần chúng phải dùng bạo lực cách mạng để chống trả. Cụ thể là phải xây dựng lực lượng tự vệ dần dần phát triển lực lượng vũ trang đấu tranh cùng với đấu tranh chính trị mới bảo vệ và phát triển được lực lượng để thực hiện được mục tiêu cách mạng”.
Bác lắng nghe. Tôi thấy Bác xúc động im lặng, đôi mắt Bác đỏ dần và nháy liên tục. Bác nhấn mạnh: “Bị thiệt hại nặng nề hơn, không bảo vệ, không phát triển được...”. Bác áp tay phải lên ngực xúc động nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”.
Sau giây phút đó, Bác nhìn đồng chí Trần Quốc Hoàn rồi quay lại nói: “Bác rất thông cảm những thiệt hại nặng nề của nhân dân miền Nam và khu 5. Việc thay đổi phương thức đấu tranh cũng khó khăn và phức tạp, nhưng với thực tế, Bác ủng hộ kiến nghị của chú vì nội dung này phù hợp với Đề cương cách mạng miền Nam do Trung ương Cục và đồng chí Lê Duẩn đem ra xin ý kiến. Phải có nghị quyết của Trung ương mới được. Làm thế nào đây để các đồng chí Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thấu hiểu thực tế để có quyết định đúng đắn. Vậy chú ở lại góp ý với Trung ương xây dựng nghị quyết”.
Tôi cám ơn Bác và xin ở lại.
Tháng 1.1959 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II họp lần thứ 15, ra Nghị quyết số 15 về cách mạng miền Nam, mở ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng miền Nam và cả nước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới để hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau hội nghị này, tôi được Bộ Chính trị quyết định làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Trở về khu 5, tôi truyền đạt Nghị quyết 15 cho khu ủy 5 rồi vào Nam Bộ tổ chức Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tháng 12.1960.