Đồng chí Võ Chí Công với khao khát có một trường đại học cho Khu V

NGÔ VĂN HÙNG 13/11/2020 09:59

Vào năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gần đến ngày thắng lợi, đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy Khu Trung Trung bộ (Khu V) với tầm nhìn chiến lược về đào tạo cán bộ cho công cuộc xây dựng đất nước khi hòa bình lập lại, nên tại cuộc họp Khu ủy ở căn cứ Trà My, đã đưa ra bàn và thống nhất chủ trương thành lập một trường đại học trong vùng giải phóng. Sau đó, Khu ủy dời xuống đóng tại Phước Trà, Phước Sơn (nay là xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức) và bắt đầu thực hiện chủ trương này.

Tác giả (người ngồi) cùng các bạn học sinh Trường cấp III, Khu V chụp vào tháng 4.1975, sau khi tham gia giải phóng TP. Đà Nẵng.
Tác giả (người ngồi) cùng các bạn học sinh Trường cấp III, Khu V chụp vào tháng 4.1975, sau khi tham gia giải phóng TP. Đà Nẵng.

Những ngày đầu gian khó

Để tiến đến thành lập trường đại học, điều cơ bản trước hết là phải có sinh viên, còn giáo viên thì được sự chi viện từ miền Bắc vào và từ Trường Sư phạm Khu V. Nhưng lúc bấy giờ, lấy đâu để có được sinh viên đi học là chuyện rất khó. Để giải quyết vấn đề này, Khu ủy chủ trương vận động con em cán bộ, gia đình cách mạng đang học tập tại các vùng địch lên và các cán bộ trẻ đang công tác ở các tỉnh có trình độ học vấn cấp III để đào tạo. Sau một thời gian vận động, nhà trường tập hợp được 30 học sinh từ các tỉnh trong Khu V về học tập. Trong đó, Quảng Nam và Quảng Đà có 7 người, Quảng Ngãi 11 người, Bình Định 7 người, Phú Yên 5 người. Tuy nhiên, do trình độ của học sinh được triệu tập không đồng đều, nên Khu ủy quyết định thành lập Trường cấp III nhằm tiếp tục giáo dục số học sinh đó để đủ điều kiện vào học đại học.

Trong bài viết đề ngày 15.11.2002 “Đôi lời cho tập kỷ yếu khóa dự bị đại học đầu tiên - 1975 tại Đà Nẵng”, đồng chí Võ Chí Công đã viết: “Quyết tâm của Khu ủy V từ những ngày còn chiến tranh đã thành hiện thực, năm 1976 đại bộ phận số học sinh trên đã thi đỗ vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Một số đỗ điểm cao được cho đi học nước ngoài, số còn lại tiếp tục học ở Trường và trở thành nòng cốt trong các khoa. Nhiều người học xong ra trường đã đảm nhận những cương vị công tác quan trọng trong các cơ quan và có người phấn đấu tiếp tục học thêm sau đại học, đạt các bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ…”.

Qua một thời gian thầy và trò cùng nhau lao động để xây dựng nhà trường, vừa sản xuất tự túc lương thực, Trường cấp III Khu Trung Trung bộ đã ra đời và đi vào hoạt động vào năm 1974 tại căn cứ Khu ủy Phước Trà, gần ngầm Bà Huỳnh. Nhà trường có các phòng học, hội trường, nhà ở của thầy cô giáo, cán bộ và học sinh, nhà ăn, nhà kho làm bằng nứa, gỗ, lợp tranh, có thêm các hầm trú ẩn… Thầy Phan Đức Hòa (quê Bình Định) được Ban Giáo dục Khu V phân công làm Hiệu trưởng một thời gian ngắn, sau đó thầy Trần Phổ Thi (quê Quảng Ngãi) làm Hiệu trưởng. Nhà trường có 6 thầy cô giáo dạy các môn văn, toán, lý, hóa, sử, địa. Có 1 y tá và 1 cấp dưỡng.

Sự ra đời của Trường cấp III Khu Trung Trung bộ có ý nghĩa rất to lớn về mặt chính trị sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Chứng tỏ cho thế giới thấy rằng, để thực thi Hiệp định Paris, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam không những lo ổn định đời sống của nhân dân vùng giải phóng, mà còn lo việc đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai để xây dựng đất nước khi hòa bình thật sự được lập lại. Lúc bấy giờ, Đài BBC gọi Trường cấp III Khu Trung Trung bộ là “một bóng ma” với dụng ý là điều không có thật. Phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng đã về trường phỏng vấn các thầy cô và học sinh để thông tin cho thế giới biết rằng, tại Khu Trung Trung bộ có một trường cấp III thật sự.

Công việc dạy và học của Trường cấp III Khu Trung Trung bộ đang được tiến triển, thì chiến dịch mùa Xuân năm 1975 bắt đầu, mở màn là chiến thắng Buôn Ma Thuột. Vì vậy, các cơ quan của Khu V phải tập trung nguồn lực tham gia các chiến dịch là chủ yếu. Tất cả học sinh Trường cấp III Khu Trung Trung bộ đã được phiên chế qua Ban Tuyên huấn Khu V để tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng. Trong những ngày cuối tháng 3.1975 lịch sử ấy, 30 học sinh và thầy cô giáo phấn khởi, hăng hái tham dự lễ hạ sơn tại Ban Tuyên huấn Khu V và tham gia tiếp quản bộ máy chính quyền của TP.Đà Nẵng, góp phần giữ ổn định tình hình an ninh trật tự của thành phố trong những ngày đầu mới được giải phóng.

Ước mơ thành hiện thực

Tưởng đâu ý tưởng thành lập một trường đại học tại Khu Trung Trung bộ được Khu ủy Khu V “cất lại” do phải giải quyết nhiều công việc để ổn định tình hình chính trị sau ngày giải phóng, nhưng đồng chí Võ Chí Công vẫn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thành lập trường đại học ngay sau ngày giải phóng Đà Nẵng. Đồng chí đã giao cho Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng bàn bạc với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp xúc tiến thành lập Viện Đại học Đà Nẵng (tiền thân của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng trước đây, Đại học Đà Nẵng hiện nay). Với sự tác động của Khu ủy và Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ, vào khoảng cuối tháng 4.1975, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp đã cử các thầy Lý Ngọc Sáng, Nguyễn Đức Cán, Trần Ngọc Chương, Trần Công Khanh  cùng với các thầy từ Ban Giáo dục Khu Trung Trung bộ là Phan Tấn Trình - Khu ủy viên, Trưởng ban Giáo dục Khu, Nguyễn Phiên - cán bộ của Ban, dưới sự lãnh đạo của thầy Phan Tấn Trình để lo thành lập Viện Đại học Đà Nẵng.

Sau một thời gian chuẩn bị đề án thành lập, được Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp hỗ trợ nhân lực, ngày 11.7.1975, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Khu Trung Trung bộ ra Quyết định số 66/QĐ thành lập Viện Đại học Đà Nẵng, gồm có 4 khoa: Dự bị đại học, Cơ khí, Điện và Kinh tế, đánh dấu sự ra đời một trường đại học của miền Trung. Sau khi được thành lập, nhà trường tập trung công tác chiêu sinh. Đến nửa cuối tháng 10.1975, khóa dự bị đại học đầu tiên của Viện Đại học Đà Nẵng đã được khai giảng tại số 24 Trần Phú, Đà Nẵng (do Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng bố trí, tiếp quản từ Trường Nguyễn Hiền của chế độ cũ để lại). Các học sinh từ Trường cấp III Khu Trung Trung bộ tham gia giải phóng Đà Nẵng đã được vào học tại đây. Đồng thời, nhà trường tổ chức thi tuyển sinh khóa I (1975), khai giảng tháng 3.1976. Trong 45 năm qua, từ Viện Đại học Đà Nẵng ban đầu, rồi đến Đại học Bách khoa Đà Nẵng (1976) và Đại học Đà Nẵng (1994), ngôi trường đại học đa ngành của miền Trung - Khu V đã đào tạo nguồn nhân lực đáng kể cho khu vực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Như vậy, ước mơ cùng với sự khao khát cháy bỏng có một trường đại học cho Khu V của đồng chí Võ Chí Công đã trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đồng chí Võ Chí Công với khao khát có một trường đại học cho Khu V
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO