(Xuân Nhâm Dần) - FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) luôn được xem là một trong 4 động cơ quan trọng của cỗ xe tăng trưởng.
Đến và ở lại
Văn phòng Công ty CP Wei Xern Sin Việt Nam (Đài Loan) dựng trên đồi cao, nhìn ra công trường có đầy thiết bị khai thác đá như những chiếc phi cơ vươn cánh trên núi đồi Tam Nghĩa (Núi Thành).
Khi người chủ đầu tiên không còn nữa, bà Chuang Yang Yu Feng thay mặt chồng, trở thành tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp hơn 20 năm qua. Bà nói sẽ tiếp tục gắn bó với mảnh đất này, vì đây là quê hương thứ hai của mình...
Còn rất nhiều người như bà Chuang Yang Yu Feng. Chẳng hạn, Kim Byung Tae - Giám đốc Sedo Vinako ở Đông Yên (Duy Trinh, Duy Xuyên) từ Hàn Quốc đã trở thành “công dân” Duy Xuyên nhiều năm để dựng nhà máy sản xuất lều, bạt, túi xách. Ở miệt biển Hội An là một “thế giới” khác.
Claude - Tổng Giám đốc Victoria neo đời mình trong khu du lịch được xây dựng như một ngôi làng cổ xưa với những lối đi, ao cá bên những căn nhà mái ngói rêu phong.
Hay như Kim Vinh, Georges Guigon của Le Belhamy chọn đất Điện Dương (Điện Bàn) làm quê... Có thể họ đã từng gặp khó khăn, đôi khi chán nản chuyện thành bại trong sản xuất kinh doanh, nhưng không một ai cho biết có ý định rời xứ sở này.
Không chỉ những nhà đầu tư “có tuổi” chọn ở lại Quảng Nam, nhiều tập đoàn đa quốc gia vẫn tiếp tục mở rộng dự án. Kim Byung Tae quyết định mở rộng dự án đầu tư giai đoạn 2. Kim Vinh, Georges Guigon vẫn nuôi ý định mở một trường đua ngựa.
Amann (Đức) tại KCN Tam Thăng đã hoàn tất việc đào tạo, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ Việt Nam, để có thể đạt đến năng suất sản xuất 1.000 tấn chỉ may/năm. Steve Wolstenholme - quyền Tổng Giám đốc của siêu dự án 4 tỷ USD HOIANA đã xong các khóa đào tạo miễn phí về buồng phòng, nghiệp vụ nhà hàng…
Tập đoàn Panko (KCN Tam Thăng) quyết định mở rộng đầu tư, không chỉ dệt may mà cả nông nghiệp công nghệ cao... Năm 2021, trong cơn bão đại dịch, vẫn có 6 dự án đầu tư FDI được cấp phép, dù số lượng cấp mới hay tổng vốn đăng ký đều giảm, nhưng có thể giải thích được!
Quảng Nam có 192 dự án FDI (gần 5,8 tỷ USD) còn hiệu lực. Những thương hiệu “đình đám” từ du lịch đến sản xuất trên thế giới đều có mặt. Hyosung (Hàn Quốc), Misubishi (Nhật Bản), Công ty điện Ratchaburi (Thái Lan), Trường Hàng không New Zealand, Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản), Amann (Đức), Tập đoàn UMS (Singapore), Panko (Hàn Quốc), TUI Blue (Đức)... cũng chọn đất này.
Làn sóng mới
FDI vẫn hấp dẫn. Nhưng làm gì để chọn những nhà đầu tư chất lượng là chuyện không hề đơn giản. Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói dòng vốn FDI hiện giảm, nhưng sẽ nhanh chóng quay trở lại trong những năm tới nhất là nhờ các FTA thế hệ mới và khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc Ryu Hang Ha khẳng định những cải cách hiệu quả của Quảng Nam sẽ đón làn sóng đầu tư, không chỉ doanh nghiệp Hàn Quốc. Ông Hwang Hong Koo - Phó Giám đốc KOTRA (Hàn Quốc) khẳng định sẽ có một làn sóng đầu tư vào khu vực này. Nhưng địa phương phải biết định lượng bằng những ý tưởng, cơ chế để mời gọi.
Thông tin từ các cơ quan quản lý: Công ty Dae Young E&C, nhóm các nhà đầu tư Đài Loan hay Nagasaki (Nhật Bản) về lĩnh vực môi trường, xúc tiến đầu tư Nhật Bản thông qua Công ty VBP Accounting, Công ty Brainworks, Công ty DD Diamond - Hàn Quốc về dự án sản xuất máy cắt kim cương, dự án sản xuất rượu Rum của nhà đầu tư Pháp, Công ty TNHH Hasegawa Việt Nam hay Hutecs Vina (sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng), Gift by Design (in ấn và sản xuất túi giấy), Narae (sản xuất, chế biến nông phẩm và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch)..., hoặc Shilla đang là thương hiệu khách sạn hạng sang hàng đầu ở Hàn Quốc và là “con đẻ” của Samsung chưa bao giờ từ bỏ ý định đầu tư vào Quảng Nam.
Theo ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính, Quảng Nam kỳ vọng có khoảng 15 doanh nghiệp FDI chính thức hoạt động vào cuối năm 2021, đầu 2022 sẽ gia tăng nộp thuế đáng kể, giúp tỉnh giảm dần tỷ lệ ngân sách phụ thuộc quá lớn từ Trường Hải.
Làn sóng FDI là một cơ hội. Nhưng đó có phải là lực hấp dẫn không thể cưỡng? Lịch sử đầu tư FDI chủ yếu đóng vai trò công cụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng, hướng đến tốc độ GRDP. Vốn, thị trường, chuyển giao công nghệ hay kết nối chuỗi giá trị toàn cầu như mong đợi từ các doanh nghiệp FDI chưa rõ ràng.
FDI mới chỉ dừng lại ở mức giải quyết được nguồn lao động giản đơn và cho thuê mặt bằng là chính. Một ít nhà đầu tư lớn, còn lại chủ yếu những ngành thâm dụng lao động như may mặc, giày dép, không cần nhiều vốn, không cần công nghệ cao - điều mà rất nhiều doanh nghiệp lớn nội địa có đủ khả năng thực hiện.
Theo thống kê, từ 2016 - 2020 thu ngân sách từ FDI chỉ khoảng 7.221 tỷ đồng, chiếm 8,7% thu nội địa, chủ yếu vẫn từ bia Heineken (64,5% số thu từ khu vực này). Ước định năm 2022 sẽ thu khoảng 1.500 tỷ đồng thì bia vẫn chiếm đến hơn 886,5 tỷ đồng, 100 tỷ đồng từ HOIANA. Cho nên, nếu chỉ giải quyết lao động, không mang lại lợi ích nhiều cho ngân sách địa phương thì khó có thể nói thu hút FDI đạt hiệu quả.