Đóng cửa rừng, từ chính sách đến thực tiễn

TRẦN HỮU 16/05/2017 08:21

Quảng Nam là một trong số ít địa phương trong cả nước thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên từ rất sớm bằng các công cụ pháp lý, từ đó tài nguyên rừng nhiều nơi được bảo vệ.

Khu vực bất khả xâm phạm

Hàng loạt nguyên nhân dẫn đến mất rừng đã được ngành kiểm lâm chỉ ra như rừng còn vô chủ; lực lượng chức năng chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ, phát triển và quản lý rừng; tình trạng di dân tự do dẫn đến phá rừng, xâm hại rừng tự nhiên để mở rộng diện tích trồng rừng, lấy đất trồng cây công nghiệp. Từ năm 1998, cây cao su đã cắm rễ trên đất Quảng nên cả doanh nghiệp lẫn người dân rất cần quỹ đất để trồng. Chính vì vậy, ngày 5.2.2002, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 05/CT-UB về việc tạm đóng cửa rừng và tăng cường các biện pháp quản lý lâm sản, quản lý bảo vệ rừng nhằm giữ được tài nguyên rừng tự nhiên hiện có, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để rừng phát triển tốt, đảm bảo phát huy các chức năng phòng hộ, điều tiết dòng chảy, cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học.

Cán bộ kiểm lâm tuần tra ở rừng phòng hộ Phú Ninh. Ảnh: T.H
Cán bộ kiểm lâm tuần tra ở rừng phòng hộ Phú Ninh. Ảnh: T.H

Đầu năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 120/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, thành lập thêm một số ban quản lý rừng phòng hộ. Điều này làm cho diện tích rừng có chủ tăng lên. Trước đó năm 2015, các địa phương lần lượt dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trừ việc khai thác tận thu, tận dụng gỗ trên diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện các công trình như thủy điện, đường giao thông, công trình quốc phòng. Hầu hết diện tích chuyển đổi này là đất trống hoặc trạng thái rừng nghèo (dưới 50m3/ha).  Cạnh đó, rà soát, chuyển đổi các lâm trường, công ty lâm nghiệp có thực hiện khai thác gỗ rừng tự nhiên thành các đơn vị sự nghiệp công lập. Điểm đáng lưu ý, triển khai các dự án trồng cao su trên địa bàn tỉnh không thực hiện việc chuyển đổi rừng tự nhiên, chỉ thực hiện việc trồng cao su trên các diện tích đất trống, diện tích đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp, do đó không ảnh hưởng đến rừng. Theo thống kê, tổng diện tích rừng chuyển đổi phải trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh là 1.805ha, chủ yếu diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng công trình thủy điện. Đến nay, chủ dự án đã đạt gần 100% tiến độ kế hoạch trồng rừng thay thế.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, rừng Quảng Nam có hệ sinh học đa dạng bậc nhất miền Trung là nhờ các chính sách siết chặt quản lý của Nhà nước về bảo vệ rừng. Hầu như cả hệ thống chính trị đã được huy động để giữ rừng. Nhiều cơ quan, đơn vị đã ký kết quy chế phối hợp, hiệu quả rõ nhất là giữa lực lượng kiểm lâm với công an và bộ đội biên phòng. Trong vành đai biên giới, giữa tháng 3.2017, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Chi cục Thanh tra lâm nghiệp tỉnh Sê Kông (Lào) đã ký kết biên bản ghi nhớ về phối hợp trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh 2 tỉnh giai đoạn 2017 – 2020. Trong 4 tháng đầu năm 2017, tình hình vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản giảm cả về số lượng và tang vật vi phạm so với cùng kỳ năm 2016. Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: “Chuyển biến nhất là thay đổi nhận thức, tư tưởng của người dân. Nhiều cánh rừng bình yên, dân xem như khu vực bất khả xâm phạm”.

Tránh làm tổn thương “lá phổi xanh”

Theo ông Phan Tuấn, nhờ chủ trương đóng cửa rừng sớm, cùng với việc triển khai hàng loạt chính sách lâm nghiệp khác như khuyến khích tổ chức và nhân dân trồng rừng, khoanh nuôi, phục hồi tái sinh rừng, thực hiện việc khoán bảo vệ rừng, sắp xếp lại tổ chức lâm nghiệp nên độ che phủ rừng liên tục tăng theo các năm, từ 42,5% (năm 2005), 49,8% (năm 2014), 51,5% (năm 2015) và 56,1% (năm 2016). Theo kết quả kiểm kê năm 2016, diện tích rừng tự nhiên tăng 34.306,5ha. Đề cập giải pháp bảo vệ rừng theo hướng lâu dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, các địa phương có rừng và các ngành liên quan khẩn trương rà soát lại quy hoạch các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Những dự án thủy điện công suất nhỏ có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên cần đưa ra khỏi quy hoạch, kể cả những dự án đã được cấp phép nhưng chưa triển khai thực hiện cũng phải theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhận thức vai trò quan trọng của công tác bảo vệ vành đai xanh, thời gian qua một số địa phương đã sẵn sàng từ chối dự án tác động vào rừng, hoặc điều chỉnh công trình đi lệch qua các khu rừng cấm. Điển hình là chính quyền huyện Tây Giang đã từng đề xuất UBND tỉnh xem xét, dừng ngay dự án mở đường từ xã Zuôih (Nam Giang) qua xã Lăng (Tây Giang) đi xuyên khu rừng qua địa bàn huyện. Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Bhling Mia cho biết, tuyến đường giao thông nối xã Zuôih với xã Lăng dài 32km khởi công từ năm 2012. Tuyến đường này đã thi công hoàn thành giai đoạn 1 với chiều dài 8km qua địa phận huyện Nam Giang. Giai đoạn 2 nếu tiếp tục triển khai qua địa phận huyện Tây Giang sẽ tác động nghiêm trọng đến cánh rừng lim. Cho nên, chính quyền địa phương kiến nghị điều chỉnh mở lại tuyến đường theo hướng khác, tránh ảnh hưởng đến rừng lim. Nhiều dự án mở đường, hệ thống điện đã khảo sát thực địa kỹ càng, chủ đầu tư lựa chọn tuyến tối ưu là không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên. Hiện nay, lực lượng kiểm lâm đẩy nhanh tiến độ cắm mốc ranh giới các loại rừng phòng hộ, đặc dụng và diện tích rừng do UBND xã quản lý. Thêm vào đó, sắp xếp lại quy hoạch xưởng cưa gỗ, trại mộc phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương. “Về quy hoạch, tuyệt đối không được đặt xưởng cưa gỗ ven rừng, gần rừng tự nhiên và đặc biệt là trong vùng biên giới. Cơ quan sẽ cương quyết đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở chế biến gỗ vi phạm pháp luật” - ông Tuấn nhấn mạnh.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đóng cửa rừng, từ chính sách đến thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO