Đồng dao ơi, thương quá!

TẦN HOÀI DẠ VŨ 28/12/2023 13:30

(VHQN) - Đồng dao (僮謠), đồng là đứa trẻ, dao là câu hát, bài hát. Vậy đồng dao là bài hát của trẻ con.

Không gian làng quê nuôi lớn những khúc đồng dao. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG
Không gian làng quê nuôi lớn những khúc đồng dao. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

Văn nghệ dân gian của cả nước rất phong phú, nhiều màu sắc, nhưng thật lạ, phần dành cho đồng dao không nhiều. Ngay cả các nhà nghiên cứu folklore cũng ít có những công trình nghiên cứu thấu đáo về đồng dao.

Một khúc đồng dao thường có lời ca có vần điệu vui tươi, đôi khi hóm hỉnh, nhưng lại ẩn chứa những giá trị giáo dục sâu sắc. Thông thường, mỗi bài đồng dao gắn liền với một trò chơi, mỗi câu hát trong bài đồng dao ứng với một động tác trong trò chơi. Nói cách khác, lời ca của bài đồng dao như là phần thanh âm đệm theo và cầm nhịp cho phần diễn xướng; nó giống như lời chỉ dẫn cho động tác của đứa trẻ đang hát.

Đồng dao là những bài hát dân gian được trẻ em hát, kèm theo một trò chơi, nên rất thích hợp cho những cuộc vui chơi của trẻ em. Cũng có khi chúng là những câu đố giản dị nhưng ý nhị, lý thú, gợi sự hiểu biết cho trẻ, chính vì thế, tính giáo dục của đồng dao thường rất cao.

Về đặc điểm ngôn ngữ

Lời hát trong đồng dao thường là thể thơ ba chữ, bốn chữ, bốn chữ biến thể và thơ lục bát. Thành phần cấu tạo một bài đồng dao bao gồm âm điệu và thanh điệu, lối bắt vần chân, vần lưng tạo cho lời ca bài đồng dao dễ hát, dễ thuộc.

Cùng với sự xuất hiện phổ biến của vần bằng, vần trắc ở giữa dòng và cuối dòng, tạo nên tính trầm bổng cho giai điệu có chứa cả phần nhạc và phần thơ.

Ví dụ: “Đúc cây dừa/ Chừa cây nạng/ Cây lồng ống/ Cây bí đao/ Cây nào cao/ Cây nào thấp/ Cây nào rập/ Cây nào rà/ Mồng tơi, bí đỏ/ Quan văn, quan võ/ Ăn cắp trứng gà…”.

Hay như bài “Ve vẻ vè ve” được cấu tạo với thể thơ bốn chữ, sử dụng lối bắt vần chân luân phiên, thanh bằng trắc tương đối nhịp nhàng: “Ve vẻ vè ve/ Gốc mẻ gốc tre/ Ta vè cũng đặng/ Mấy núi gánh nặng/ Ta vè hai vai/ Mấy mụ lấy trai/ Ta vè làng bắt/ Mấy mụ nghèo ngặt/ Ta vè nợ đòi/ Hát chẳng ai coi/ Ta vè hà tiện…”.

Một số bài đồng dao sử dụng thể thơ hỗn hợp, thể thơ lục bát… Thể thơ này  phù hợp với nhận thức của trẻ và quan trọng là dễ nhớ, dễ nhận biết ý nghĩa. Ví dụ: “Thằng Bờm có cái quạt mo/ Phú ông xin đổi ba bò chín trâu/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu/ Phú ông xin đổi ao sâu cá mè…”.

Lời ca của đồng dao có vị trí quan trọng trong việc thực hiện trò chơi dân gian, giúp trẻ dễ nhớ, dễ phát âm, nội dung lời ca có mối liên hệ mật thiết với môi trường xung quanh. Đặc biệt, phần lời ca hỗ trợ cho động tác vận động, khiến trò chơi thêm linh hoạt, phong phú và hấp dẫn..

Về đặc điểm âm nhạc và diễn xướng

Âm nhạc giữ phần quan trọng trong đồng dao, vì chính âm nhạc giúp cho bài đồng dao tồn tại trong đời sống văn hóa dân gian; cụ thể là âm nhạc làm nền cho sinh hoạt trò chơi bắt nguồn từ đồng dao. Lại nữa, chính âm nhạc làm cho trẻ em thích thú bài hát đồng dao và trong trò chơi bằng sự diễn xướng qua ngôn ngữ  của bài đồng dao.

Diễn xướng chính là trình bày bài đồng dao bằng lời lẽ, bằng âm thanh và bằng nhịp điệu. Bài đồng dao không thể tồn tại nếu không được hát lên, theo một số âm điệu gọn nhẹ, thường lặp lại và rất dễ hát.

Bài đồng dao vang lên với giai điệu vui tươi, rộn ràng, nhiều khi dí dỏm, khoái trá, dễ gây tiếng cười, gây nên sự thích thú, không chỉ cho đám trẻ đang chơi, đang hát, mà còn khiến cho những người lớn nghe được cũng cảm thấy rất vui tai, thích thú.

Có thể nói không ngoa rằng, đồng dao bằng khả năng nhân cách hóa tài tình, đã khiến thế giới loài vật trở thành gần gũi, thành bạn bè của những trẻ em thôn quê, của đời sống văn nghệ dân gian từ bao đời nay của dân tộc ta. 

Chính đồng dao đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của biết bao thế hệ trẻ em trong đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân Việt Nam... Với nội dung phong phú, hình thức diễn xướng đa dạng, với những nhịp điệu vui tai, hấp dẫn, đồng dao đi kèm những trò chơi đã hình thành thế giới quan, hình thành nhận thức và tình yêu con người, loài vật và thiên nhiên trong tâm hồn con trẻ.

Trò chơi là sản phẩm tinh thần của trẻ em, sinh ra bằng óc tưởng tượng của nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Vì vậy, trò chơi từ đồng dao mang tính cộng đồng, chứa đựng nhu cầu, nguyện vọng của người nông dân bao đời nay, giúp thỏa mãn nhu cầu giải trí không chỉ của trẻ em mà còn của nhiều người, nhiều độ tuổi khác nhau trong đời sống văn hóa dân gian.

Những bài đồng dao khi được hát lên, được diễn xướng (nghĩa là đi kèm với động tác của trò chơi) đã tạo nên nếp sinh hoạt đặc biệt trong đời sống nông thôn trước đây. Đấy cũng chính là môi trường giáo dục trong lành, hiệu quả cho trẻ em.

Tiếc rằng ngày nay, đời sống nông thôn đã thay đổi, những sinh hoạt dân gian truyền thống hầu như vắng bóng, những bài đồng dao chỉ còn trong những tài liệu của những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian.

Thảng hoặc, một vài địa phương ở  miền quê còn giữ lại được một vài trò chơi từ những bài đồng dao sinh động. Còn đa số trẻ em thành phố thì ngoài giờ học, suốt ngày chỉ ôm chiếc điện thoại di động với những trò chơi ảo. Chắc hẳn không chỉ có tôi là người tiếc nhớ những khúc đồng dao hồn nhiên và những trò chơi mang nặng tính giáo dục trong sáng, làm đẹp tâm hồn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đồng dao ơi, thương quá!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO