Đồng dao trong không gian văn hóa đương đại

BÙI VĂN TIẾNG 01/01/2024 10:00

(VHQN) - Những người quan tâm tới đời sống tinh thần của thiếu nhi hiện nay vẫn thường đau đáu một vấn đề là làm thế nào để đồng dao và trò chơi đồng dao có thể đồng hành với không gian văn hóa đương đại.

Cùng chơi với trẻ. ảnh: HÀ NGUYỄN
Cùng chơi với trẻ. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Trẻ em thời nào cũng đều thích được vui chơi cùng nhau, tương tác trực tiếp với nhau, cũng đều có nhu cầu về trò chơi tập thể - ít nhất là hai trẻ cùng chơi. Chính vì thế, trong các trò chơi đồng dao - một loại trò chơi dân gian không có chỗ cho trò chơi “một mình”/“độc diễn”.

Kể cả khi mới lớn trẻ cũng được chơi trò chơi đồng dao với mẹ, hay nói đúng hơn là được mẹ dạy những bài học đầu đời qua trò chơi đồng dao - chơi mà học. Rồi khi chơi thể thao, trẻ em cũng thích chơi những môn thể thao mang tính tập thể cao như bóng chuyền, bóng rổ và nhất là bóng đá.

Ngay khi chơi cầu lông hoặc bóng bàn, thường trẻ em cũng thích… đánh đôi hơn đánh đơn - mặc dầu đánh đơn đã là chơi cùng nhau. Đó là chưa kể tham gia những trò chơi tập thể đông vui ấy - kể cả các cuộc chơi cờ tướng hoặc cờ vua mặt đối mặt giữa hai kỳ thủ nhỏ tuổi không chỉ có các người chơi trẻ em mà còn có các người xem trẻ em/cổ động viên trẻ em.

Một số trò chơi đồng dao (tranh minh họa).
Một số trò chơi đồng dao (tranh minh họa).

Chính vì thế, hiện tượng nhiều trẻ em thời nay suốt ngày cứ ngồi cắm mặt vào màn hình máy tính bảng hoặc vào smartphone để một mình chơi trò chơi điện tử là trái ngược với niềm vui được chơi cùng nhau trước sự reo hò cổ vũ của bạn bè đồng trang lứa…

Do vậy, muốn đồng dao và trò chơi đồng dao có thể đồng hành với không gian văn hóa đương đại, cần dạy cho những người chơi trẻ em đầu óc tổ chức để rủ bạn chơi cùng, cũng như cần có tinh thần đồng đội để có thể cùng chơi…. Đồng thời cần chú ý huy động không chỉ người chơi trẻ em mà còn huy động cả người xem trẻ em/cổ động viên trẻ em.

 

Tiếp theo cần thấy rõ mối quan hệ giữa đồng dao và trò chơi đồng dao. Rõ ràng muốn học chơi trò chơi đồng dao, không thể không bắt đầu từ việc học hát đồng dao, mà muốn học hát đồng dao thì cần phải được phổ cập các bài hát đồng dao thông qua sóng phát thanh và truyền hình, đương nhiên lịch phát sóng phải phù hợp để khán/thính giả trẻ em có thể xem/nghe mà không ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ hoặc đến việc học - điều mà các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh đang lo lắng khi học trò/con cái mình đắm chìm vào trò chơi điện tử.

Thuận lợi hiện nay là các bài hát đồng dao trong trẻ em có điều kiện phổ biến rộng rãi hơn xưa, bởi gần đây có một số các nhạc sĩ đương đại đã ký âm những làn điệu đồng dao, sưu tập/biên tập lại ca từ, làm cho hàng trăm bài hát đồng dao có thể đến với người chơi trẻ em, trong đó có người chơi trẻ em đất Quảng.

Chẳng hạn nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh ở Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng đã dày công sưu tầm, biên soạn tập sách “119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em” (NXB Đà Nẵng, 2020); tập sách “219 trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non” (NXB Đà Nẵng, 2021) và cả tập sách “70 trò chơi âm nhạc dành cho trẻ em” (NXB Đà Nẵng, 2022). Cũng có thể kể thêm tập sách “Đồng dao và trò chơi truyền thống” do nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng - đồng tác giả cuốn sách “Địa chí Đại Lộc” - chủ biên (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019).

Chính nhờ những sản phẩm truyền thông và xuất bản nêu trên, cộng với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo trong trường học, người chơi trẻ em không chỉ có khả năng biết hát đúng lời đúng nhạc bài hát đồng dao mà còn có khả năng biết chơi đúng cách chơi/luật chơi - biết thực hiện động tác nào trước động tác nào sau cho tương thích với ca từ, rồi biết thế nào thì thắng thế nào thì thua, thế nào thì được thưởng thế nào thì bị phạt.

Các em còn có khả năng biết tìm dụng cụ trong các trò chơi đồng dao, thậm chí có trường hợp người chơi vừa dùng tay vừa dùng chân của chính mình để làm dụng cụ.

Chẳng hạn trong trò chơi “Đi chợ về chợ”: có hai em ngồi lần lượt duỗi chồng bàn chân lên nhau rồi chồng bàn tay làm hoa, trong khi hai em khác vừa đi qua đi lại rồi nhảy qua nhảy lại vừa hát bài đồng dao “Đi chợ về chợ” có ca từ tương thích với từng động tác duỗi bàn chân, chụm bàn tay hay xòe bàn tay...

Để đồng dao và trò chơi đồng dao có thể đồng hành với không gian văn hóa đương đại, những người chơi trẻ em và cả những người xem trẻ em/cổ động viên trẻ em cần có sự đồng hành của bà/mẹ - nói chung là của người thân trong gia đình, càng cần có sự đồng hành của thầy cô giáo trong trường học.

Tuy nhiên nhất thiết không nên áp đặt đối với các em. Sở thích của người chơi trẻ em thường đa dạng, bởi có em thích chơi thể thao có em thích chơi đồng dao; hoặc cùng thích trò chơi đồng dao nhưng có em thích “Dung dăng dung dẻ”, có em thích “Tập tầm vông”…

Trong tập sách “219 trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non”, nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh đồng thời là một nhà sư phạm lâu năm trong nghề đã nhấn mạnh: “Bất kỳ hoạt động nào do bé khởi xướng cũng sẽ thu hút bé lâu hơn so với hoạt động do người lớn gợi ý. Khi bé chọn chơi gì thì bé sẽ học được nhiều điều hơn từ trò chơi ấy (…).

Bé rất mong được chơi với bố mẹ vì điều này tạo nên cảm xúc rất đặc biệt cho bé; thế nhưng bố mẹ đừng áp đặt suy nghĩ của người trưởng thành cho trẻ nhỏ mà hãy làm điều ngược lại để bé cảm thấy bố mẹ là những người bạn cùng chơi, luôn biết lắng nghe, quan sát và hỗ trợ bé khi cần chứ không phải là người thầy người cô”.

Mà thực ra bản thân những người thầy người cô giàu kinh nghiệm giảng dạy lại càng thấy rõ hơn về hiệu quả tối ưu của phương pháp sư phạm lấy người học làm trung tâm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đồng dao trong không gian văn hóa đương đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO