(VHQN) - Nhà Nho xưa dùng từ “phong sử” để chỉ các câu ca dao, đồng dao có nguồn gốc từ chuyện sử xưa. Trong phong sử, nhiều câu đồng dao được tạo thành nhằm qua miệng trẻ con hát chơi lan truyền chuyện thời thế. Lâu dần, dụng ý mất đi, chỉ còn lại lời ca đơn thuần hoặc lời ca gắn với trò chơi con trẻ.
“Chi chi nhành nhành, cái đanh thổi lửa, con ngựa đứt cương, còn vương ngũ đế, lập kế đi tìm. Ú tim… ập”. Ai cũng biết câu ca giữ nhịp cho trò chơi “trốn tìm” thuở ấu thơ này (có các dị bản cả về lời và trò chơi sử dụng bài đồng dao này - B.T).
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra “cái đanh thổi lửa” ám chỉ tiếng súng của thực dân Pháp nổ vào cửa biển Đà Nẵng. “Con ngựa đứt cương” ám chỉ chuyện vua Hàm Nghi bỏ ngai vàng, ra căn cứ Tân Sở - Quảng Trị xướng hịch Cần Vương chống Pháp.
Từ đó, nêu giả thuyết “còn vương ngũ đế” chính là chỉ những biến động của triều đình Huế sau khi vua Tự Đức mất: trong bốn tháng dựng lên ba vua Hiệp Hòa, Dục Đức, Kiến Phúc; rồi vua Đồng Khánh được dựng lên sau khi thực dân Pháp “lập kế đi tìm”, bắt được vua Hàm Nghi đưa đi đày sang Algerie.
Câu hát “Thiên đàng - địa ngục hai bên, ai khôn thì nhờ ai dại thì chịu. Đêm nằm tưởng Chúa nhớ Cha, đọc kinh cầu nguyện theo cha linh hồn. Linh hồn phải giữ linh hồn, đến khi già chết được lên thiên đàng” gắn liền với một trò chơi. Hai đứa trẻ vòng tay làm hai cổng ngăn để thử thách độ nhanh nhạy của các đứa trẻ khác; đứa nào nhanh chui lọt qua cửa thiên đàng sung sướng, đứa nào chậm phải chịu vào cửa địa ngục tối tăm.
Ban đầu, đó là trò chơi được đặt ra cho các trẻ con các xóm đạo Công giáo, về sau, phai nhạt mục đích ban đầu, được phổ biến rộng rãi, trẻ con chơi đều khắp. “Thiên đàng - địa ngục” chỉ còn mang chức năng là hai cánh cổng thử thách niềm vui con trẻ - chúng nó chơi mà chẳng hề biết dụng ý phổ biến tín ngưỡng trong nội dung câu hát ban đầu.
Một nhà Nho nước ta, đầu thế kỷ 20 đã sưu tập 100 câu phong dao ở vùng Trung Bộ rồi tìm cách giải thích gốc gác lịch sử, văn hóa của chúng trong cuốn “Việt Nam phong sử” (tác giả: Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại - bản chép tay chữ Nho ký hiệu VNT19 lưu tại Viện Khảo cổ Sài Gòn từ sau năm 1955; bản dịch của Tạ Quang Phát; Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa Sài Gòn xuất bản năm 1972). Trong tuyển tập này, có nhiều câu đồng dao rất xưa mà khi giải thích xuất xứ có chỗ tác giả nêu giả thuyết khá rõ ràng, có chỗ vẫn còn mơ hồ, nghi ngại.
“Ban mai xuống tắm bể Đông, đạp lấy con rồng nổi lên chín khúc. Ta hồ hởi/ Loạn chuồn chuồn là loạn kim thoa, bên bay mở cửa bên ta sang luồn. Ta hồ hởi/ Chào rắn rắn đi đâu? Vuốt râu ông hùm. Ta hồ hởi”. Ba câu này thuộc ba chương 18, 19, 20 trong sách đã dẫn, được tác giả Nguyễn Văn Mại nhận định “đều là lời hát cợt đùa của trẻ chăn trâu, mà ý nghĩa không rõ là nói gì” (sđd tr. 72 - 74).
Tuy nhiên, sau đó ông phỏng đoán: “Ba chương này ý nói Đinh Tiên Hoàng lúc còn là mục đồng đã cùng lũ trẻ chơi đùa, chế làm trận đồ đánh giặc và khiến lũ trẻ hát lên.
Chương 18 giống như Long trận (trận rồng), chương 19 giống như Hồ điệp trận (trận bướm), chương 20 giống như Xà trận (trận rắn), vì lâu ngày từ xưa mà nay thể chế không còn. Nay mục đồng mỗi lần chăn trâu ngoài đồng tụ tập lại hát mấy khúc này, cho nên chép lại để hỏi các bậc quân tử” (sđd tr.75).
“Hỡi Nược Nược! Trăng khuya đã mọc, con nước đà lên. Chèo sang bến kinh, bày năm ba rổ. Họa may trời độ, đặng cá ông voi. Tiền xỏ đầy lòi, gạo năm ba thúng”. Câu đồng dao này gắn liền với trò chơi lặn hụp đuổi bắt trên sông, được tác giả “Việt Nam phong sử” giải thích là lời kể bóng gió về chuyện một ông lão thuyền chài tên là Tráng có công bí mật lặn qua đầm Thị Nại đem thư của Võ Tánh (đang bị quân Tây Sơn vây ở thành Quy Nhơn) đến chúa Nguyễn Ánh đang dừng thuyền ngoài biển định đến cứu. Võ Tánh khuyên nhà chúa không nên cứu mình mà thừa dịp này tiến ra đánh lấy Phú Xuân.
Nguyễn Ánh nghe lời, ra chiếm được kinh đô phía bắc của nhà Tây Sơn. Thắng lợi quyết định này đã làm nền cho việc lập vương triều nhà Nguyễn. Về sau, khi được vua Gia Long triệu đến trả công, lão thuyền chài không xin gì, chỉ muốn được vui thú với nghề đánh cá mưu sinh hàng ngày.
Gần đây, rộ lên tranh cãi về truyền thuyết mẹ con bà Phi Yến - thứ phi của vua Gia Long (mẹ tên Răm và người con tên Cải) là xuất phát điểm của câu đồng dao “Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.
Nhưng, hơn 100 năm trước (1914 - 1920), tác giả Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại đã cho biết câu này do cung phi cuối thời Hậu Lê tên Nguyễn Thị Kim viết ra để diễn tả nỗi lòng của mình; sau đó đã thành câu đồng dao phổ biến.