Dòng điện kết nối Việt - Lào

NHỊ TRỊ - BÁ VỸ 15/01/2014 12:49

Huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào) hiện có khoảng 500 hộ dân trên địa bàn 4 xã sử dụng điện mua từ Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam). Dòng điện từ Việt Nam sang đã mang lại nhiều đổi thay cho vùng đất giáp biên này.

Lưới điện kéo dài từ Nam Giang sang cấp điện cho huyện Đắc Chưng (Lào)
Lưới điện kéo dài từ Nam Giang sang cấp điện cho huyện Đắc Chưng (Lào)

Cầu nối tình thân

Vùng biên Việt – Lào vào những ngày cuối năm tiết trời se lạnh, không có mây và sương mù nên khu vực này trở nên sôi động, nhộn nhịp bởi người dân 2 huyện Nam Giang và Đắc Chưng qua lại thăm hỏi, mua sắm hàng hóa chuẩn bị đón Tết Giáp Ngọ. Dù Tết Bunpimay của Lào diễn ra từ ngày 13 - 16.4 hằng năm không trùng với Tết Nguyên đán của người Việt, song người dân vùng biên từ lâu đã là “hàng xóm” của nhau nên thường vẫn qua lại vui tết.

Tuyến đường 14D qua khu vực cửa khẩu mới rải nhựa láng bóng. Cơ quan, nhà dân xung quanh khu vực cửa khẩu còn mới toanh, cột mốc biên giới tọa lạc vững chãi trên một ngọn đồi. Xa xa phía bên kia là đồn biên phòng và khu làm việc của Hải quan Lào. Đường dây 22kV cấp điện cho huyện Đắc Chưng kéo từ Quảng Nam vượt qua biên giới, ẩn hiện trên những cánh rừng già. Tại trạm đo đếm cửa khẩu bán điện qua Lào, anh Busi - Tổ trưởng tổ quản lý điện Đắc Chưng đang cùng các công nhân điện của Đội quản lý điện tổng hợp Nam Giang ghi chỉ số, lập biên bản cho kỳ sử dụng điện cuối năm 2013 của nhân dân huyện Đắc Chưng để chi trả cho phía Việt Nam. Bán điện qua biên giới có nhiều cái khó, nhưng do có sự thống nhất và đồng thuận cao từ chính phủ 2 nước và các cấp chính quyền đến người dân nên lưới điện qua Lào được xây dựng hoàn thiện vào cuối năm 2009. Từ ngày 16.12.2009, người dân huyện Đắc Chưng được cung ứng điện.

Anh Lương Bang - Đội phó Đội quản lý điện tổng hợp Nam Giang cho biết, chủ trương hợp tác xây dựng các nhà máy thủy điện và mua bán điện qua biên giới là một trong những hạng mục ưu tiên của 2 nước. Vì thế khu vực cửa khẩu Đắc Ôốc (Nam Giang) trong những năm gần đây trở nên đông đúc, rộn ràng hơn do việc xây dựng cửa khẩu, nhà máy thủy điện Sê Ka Mán và việc trồng cao su, khai thác khoáng sản trên đất Lào đã thu hút hàng nghìn công nhân, kéo theo người dân đến lập nghiệp buôn bán ngày càng nhiều ở khu vực cửa khẩu, sớm biến nơi này trở thành một thị tứ giữa rừng già, điện đóm sáng trưng. Trao đổi với chúng tôi, anh Busi cho biết hồi chưa có điện, vùng biên giới Nam Giang - Đắc Chưng gần như bị cô lập, người dân sống khép kín. Bấy giờ, nhiều người không dám mơ vùng này có điện, bởi điểm đấu nối ở hai nước đều cách xa hàng trăm cây số, lại qua vùng đồi núi heo hút, giao thông cách trở. Thế nhưng niềm vui đến thật bất ngờ khi Tổng Công ty Điện lực miền Trung quyết định đầu tư khoảng 30 tỷ đồng kéo gần 100km đường dây 22kV đưa điện từ ngã ba Bến Giằng của huyện Nam Giang lên biên giới. “Bao đời nay quê tôi vẫn loay hoay với cái nghèo, cuộc sống co cụm, khép kín vì không có điện. Từ ngày Cửa khẩu Đắc Ôốc được khai mở, đường sá được nâng cấp mở rộng, và nhất là từ ngày có điện cuộc sống người dân đã thay đổi” – anh Busi nói. Cũng theo anh Busi, việc mua bán điện giữa Công ty Điện lực Quảng Nam với Công ty Điện lực Sê Kông đã góp phần phục vụ lâu dài cho mục tiêu bang giao quốc tế, xây dựng Cửa khẩu Đắc Ôốc sớm trở thành cửa khẩu quốc tế quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Gian nan giữ điện

Công trình cấp điện cho huyện Đắc Chưng là lưới điện 22kV liên hoàn từ huyện Nam Giang đến trung tâm huyện Đắc Chưng băng qua biên giới. Mỗi nước tự xây dựng hạng mục công trình bên phần đất của mình. Ngoài đường dây từ Nam Giang lên, phía Việt Nam còn đầu tư thêm gần 10 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 2,5km đường dây từ 15kV lên 22kV, rồi tiếp tục cải tạo hàng chục ki lô mét đường dây 22kV từ Đồn biên phòng La Dêê lên biên giới; chuyển dịch đường dây gần biên giới để tránh qua các cánh rừng già nhiều loại gỗ quý hiếm; xây dựng mới 1km đường dây 22kV từ trạm biến áp cửa khẩu đến sát hành lang biên giới cùng 1 trạm đo đếm điện năng, 1 trạm tự động điều chỉnh điện áp...

Từ ngày được giao bán điện qua huyện Đắc Chưng, Công ty Điện lực Quảng Nam luôn quan tâm chỉ đạo Điện lực Đại Lộc mà trực tiếp là Đội quản lý điện tổng hợp Nam Giang tăng cường kiểm tra, quản lý vận hành, bảo đảm đường dây luôn ở tư thế an toàn để cấp điện cho nước bạn. Ngoài ra còn hỗ trợ phía bạn đảm bảo việc quản lý, vận hành lưới điện phía bên kia biên giới được thông suốt. Do nhiều nguyên nhân tác động, mà chủ yếu là do địa hình phức tạp, chia cắt và khoảng cách kéo điện quá xa nên đến thời điểm này, việc mua điện từ Quảng Nam chỉ mới cấp được một phần của huyện Đắc Chưng. Hiện tại, nơi đây đã lắp đặt 6 trạm biến áp phụ tải, cấp điện cho khoảng 500 hộ dân trên địa bàn 4 xã và các cơ quan ban ngành của huyện, với sản lượng điện thương phẩm năm 2013 đạt 746 nghìn kWh, giá bán điện bình quân 1.556 đồng/kWh. Anh Lương Bang tâm sự: “Để điện đến được với đồng bào Đắc Chưng phải qua 5 cấp điện áp với gần 150km đường dây băng rừng núi, thường xuyên bị nạn sạt lở đất, dông sét và cây rừng uy hiếp. Vì thế, Tổ quản lý điện Nam Giang phải rất vất vả để giữ an toàn lưới điện, bảo đảm độ tin cậy cấp điện cho huyện bạn”.

Việc bán điện sang Lào lúc đầu có trở ngại do chưa quen với thông thương, mua bán theo thông lệ quốc tế, song do nỗ lực từ hai phía nên dần dần kết quả đạt được khá tốt. Nguồn điện từ Quảng Nam đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Đắc Chưng và mang lại tín hiệu mới cho việc giao thương ở vùng biên 2 nước, nhất là phục vụ xây dựng các công trình thủy điện trên sông Sê Ka Mán và hình thành hành lang Đông - Tây thứ 2, liên thông các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và các tỉnh Nam Lào với biển Đông Việt Nam.

NHỊ TRỊ - BÁ VỸ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dòng điện kết nối Việt - Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO