Tháng 12.2009, lần đầu tiên Công ty Điện lực Quảng Nam bán điện cho huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào) qua đo đếm ranh giới tại cửa khẩu Đắc Ốc (Nam Giang). Từ đó đến nay, đã có hơn 1 triệu kWh từ Quảng Nam được xuất qua nước bạn với giá 0,06USD/kWh.
Lưới điện từ biên giới Việt - Lào kéo về huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông).Ảnh: NHỊ TRIỀU |
Quảng Nam có chung đường biên giới dài hơn 142km với tỉnh Sê Kông. Đồng bào các dân tộc sinh sống dọc theo biên giới đã từ lâu qua lại mua bán, trao đổi hàng hóa và kết tình hữu hảo. Tháng 2.2006, khi cửa khẩu Nam Giang khai mở, mối bang giao giữa hai nước càng có điều kiện phát triển, tô thắm thêm tình hữu nghị đoàn kết của người dân hai tỉnh. Vùng đất heo hút, hoang sơ, vắng vẻ giữa đại ngàn Trường Sơn ngày nào đã trở nên sinh động và khởi sắc hơn, cả hai phía người xe đi lại tấp nập. Tuy nhiên, nỗi buồn vẫn cứ canh cánh bên lòng người dân miền biên viễn trong suốt mấy chục năm qua bởi tối đến phải thắp đèn dầu!
Do không có điện nên cuộc sống của đồng bào nơi đây gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Chị Uông Thị Mớt - một cán bộ hưu trí quê ở xã Đắc Pre, giáp biên giới Lào, cho biết: “Mấy chục năm thống nhất đất nước rồi mà người dân quê tôi vẫn cứ nghèo. Thiếu đường, thiếu điện nên cuộc sống chẳng đổi thay được bao nhiêu. Nhiều hộ dân muốn quay trở lại với nếp sống du canh, du cư như cha ông ngày xưa, có người lọ mọ xuống thị trấn tìm cái điện cho con cái học hành”.
Khát khao có điện của người dân vùng cao biên giới đã thôi thúc lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) vào cuộc. Tuy nhiên, nếu đầu tư thương mại thì không có đối tác nào dám bỏ ra hàng chục tỷ đồng đưa điện từ thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) lên biên giới xa hàng chục cây số để rồi chỉ bán điện cho vài trăm hộ dân sinh sống rải rác dọc theo quốc lộ 14D và một vài đơn vị ở cửa khẩu, bởi vốn đầu tư quá lớn, phụ tải quá bé và không có khả năng hoàn vốn. Thế nhưng, không thể vì mục tiêu lợi nhuận mà ngồi yên để nhìn cuộc sống của đồng bào cứ mãi khó khăn. Hơn nữa, cấp điện cho cư dân miền núi ngoài nhiệm vụ chính trị, nhân văn còn phải có tầm nhìn xa hơn là hướng đến xây dựng một cửa khẩu Đắc Ốc sớm trở thành cửa khẩu quốc tế trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây. Từ năm 2004, EVNCPC đã đầu tư đưa điện lên biên giới, đón đầu sự ra đời của cửa khẩu. Thế là bằng vốn vay hơn 25,5 tỷ đồng, EVNCPC xây dựng lưới điện dài hơn 86km với 18 trạm biến áp đưa điện từ ngã ba Bến Giằng trên đường Hồ Chí Minh lên cửa khẩu. Chỉ một năm sau, người dân dọc đường 14D và khu vực cửa khẩu đã có điện. Trong khi đó, ở phía bên kia biên giới, huyện bạn vẫn đang loay hoay tìm nguồn điện. Thậm chí, thủy điện Sê Ka Mán 3 chỉ cách cửa khẩu Đắc Ốc vài chục ki lô mét cũng không có điện mà phải dùng máy nổ cho việc thi công công trình.
Ngày 16.12.2009, cùng với sự kiện khánh thành cột mốc đại 717 tại cửa khẩu Đắc Ốc, EVNCPC phối hợp với Điện lực Lào (EDL) và điện lực hai tỉnh đã tổ chức lễ khánh thành đóng điện đường dây 22kV Quảng Nam - Sê Kông. Tại đây, ông Trần Đình Thanh - Tổng Giám đốc EVNCPC khẳng định: “Lưới điện này ra đời tô thắm thêm tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào, giữa Sê Kông và Quảng Nam. Vì vậy, Công ty Điện lực Quảng Nam phải thường xuyên liên hệ, phối hợp với Điện lực Sê Kông để thực hiện việc mua bán điện theo thông lệ quốc tế và giữ vững an toàn lưới điện để cấp điện ổn định cho huyện bạn”. Còn ông Phun-Mi-Say Say-Nha-Vông - Phó Giám đốc Công ty Phân phối điện (thuộc EDL) phấn khởi: “Công trình cung cấp điện từ Quảng Nam sang huyện Đắc Chưng là sản phẩm của nghĩa tình, thể hiện tình cảm thủy chung của nhân dân hai nước, của cán bộ công nhân viên ngành điện Việt Nam đối với nhân dân huyện Đắc Chưng. Tôi kỳ vọng với lưới điện này, chắc chắn đời sống của người dân ở huyện Đắc Chưng sẽ thay đổi, khởi sắc hơn”.
Nhị Triều