Gần đây, tôi quay lại thăm Đồng Đình, thích thú và bất ngờ với một trưng bày ngoài trời gồm những mảnh thuyền, dây neo, phao, lưới… cùng những công cụ đánh bắt cá của ngư dân làng chài trong không gian mở mang tên “Ký ức làng chài”.
Các hiện vật trưng bày ở Đồng Đình. Ảnh: T.Đ.T |
Dưới chân Đồng Đình là những làng chài Thọ Quang, Mân Thái nổi tiếng của Đà Nẵng từ xưa đã vượt qua bao thăng trầm. Do vậy, “Ký ức làng chài” với tôi là một phần gây ấn tượng bên chân Sơn Chà! Giữ lại những di sản của ngư dân ở một góc nhỏ Đồng Đình lại có thể gợi ý cho một bảo tàng nghề cá mà Đà Nẵng cần nghĩ đến…
Nhớ lại, hơn 10 năm trước, lãnh đạo TP.Đà Nẵng phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng bảo tàng tư nhân Đồng Đình (rộng gần 10.000m2) tại khu vực suối Bụt (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Đây là bảo tàng nghệ thuật tư nhân độc đáo đầu tiên được cấp phép xây dựng ở duyên hải miền Trung.
Khởi đi từ say mê
Chủ nhân của bảo tàng, nhà thơ - đạo diễn truyền hình - NSƯT Đoàn Huy Giao từng được biết đến như một người say mê sưu tầm đồ cổ và hội họa. Tưởng chỉ là thú tiêu khiển như bao nhà sưu tầm không chuyên khác, không ngờ gần đến tuổi nghỉ hưu, anh lại “làm thiệt”! Khu vực này cũng chính là chỗ gần ngôi nhà nhỏ trước năm 1975 của anh. Giao kể ngày xưa anh từng làm vườn, đào ao thả cá ở dưới chân núi và lên đây lấy củi, trồng cây. Lúc đó, những năm đầu 1970, ban ngày anh sang Đà Nẵng làm báo, chiều tối và ngày nghỉ lại quay về với vườn, với núi. Sơn Trà luôn gợi trong anh những kỷ niệm của quê hương tuổi nhỏ…
Quê Đoàn Huy Giao ở vùng ven biển huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Nơi đó có dãy núi Thình Thình đầy huyền thoại vốn in đậm trong những kỷ niệm tuổi thơ. Bảo tàng mang tên Đồng Đình, là loại cây họ cau (caryota mitislour) mọc phổ biến ở Rừng cấm quốc gia Sơn Trà. Loại cây này mọc tự nhiên và được trồng thêm chung quanh khu vực bảo tàng như một điểm nhấn cho cảnh quan sinh thái ở đây.
Là người say mê hội họa, văn chương và làm phóng viên rồi đạo diễn truyền hình trong hơn 35 năm, Đoàn Huy Giao có dịp đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Anh lại giao du với nhiều nhà văn hóa, văn nghệ sĩ nên hiểu tường tận nhiều giá trị văn hóa Chămpa, Sa Huỳnh, Đại Việt xứ Đàng Trong và say sưa với nhiều loại cổ vật từ gốm cổ đến các công cụ sản xuất, sinh hoạt của các nền văn minh của vùng đất này. Có cơ hội và dành dụm được đồng nào, Giao đều “ném” vào các loại đồ cổ, sưu tập cho đủ bộ và mời nhiều nhà chuyên môn về đánh giá, làm lý lịch… Đó là tất cả tiền đề cho một bảo tàng.
Đoàn Huy Giao vạch ra trong ý tưởng ban đầu: “Bảo tàng vừa góp phần làm phong phú các sản phẩm văn hóa du lịch của Đà Nẵng, vừa là điểm giao lưu, tổ chức các sự kiện giữa các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tập, các nghệ sĩ tạo hình cần một không gian sáng tác, nghiên cứu hoặc trưng bày các tác phẩm mỹ thuật hiện đại… Thế nhưng sau ngày khai mạc, người anh cả của Giao từ Quảng Ngãi ra đã nói với người viết: “Chú khuyên nó giùm tui, già rồi, lo dành dụm nuôi thân, làm chi mà dữ vậy? Để cho ai ăn!...”. Tôi kể lại với Giao, anh chỉ cười. Trong thâm tâm, tôi từng biết tính Giao, làm được gì cho đời, cho đam mê của mình, cứ làm. Sau mình không còn sức nữa, những người trẻ tuổi sẽ tiếp tục. Chẳng có gì lo cả!
Bảo tàng văn hóa độc đáo
Sau gần chục năm vừa âm thầm xây dựng vừa sưu tầm hiện vật bổ sung, Đồng Đình đã tạo ra một quần thể độc đáo. Sử dụng tối đa lợi thế địa hình tự nhiên, giới hạn tối thiểu sự phá vỡ hoặc làm biến dạng cảnh quan và cả sử dụng vật liệu địa phương theo quan điểm “xây dựng cùng nhân dân” của kiến trúc sư bậc thầy Fatah người Ai Cập mà ta từng biết. Bảo tàng gồm một quần thể nhà rường truyền thống của xứ Quảng, có ba hồ nước tự tạo cùng với dòng suối Bụt róc rách tạo hiệu ứng sơn thủy hài hòa. Hai ngôi nhà rường truyền thống xứ Quảng được sử dụng để trưng bày các hiện vật gốm cổ có niên đại từ 100 năm trở đi. Những hiện vật gốm cổ này đã được giám định, thuộc các nền văn hóa Đại Việt, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, văn hóa Trung Hoa và các nền văn hóa khác trong khu vực. Các tác phẩm hội họa đương đại, độc đáo của hai tác giả Đinh Ý Nhi (tranh bột màu đen trắng nhưng đa sắc) và tranh màu mặt nạ của hoạ sĩ Đặng Việt Triều, một thể nghiệm giàu biểu cảm giữa hội hoạ và điêu khắc, là kết quả nhiều năm nghiên cứu các loại tượng nhà mồ Tây nguyên và mặt nạ Tuồng Trung bộ của tác giả… Không gian tranh của Ý Nhi và Việt Triều chiếm nguyên căn nhà rường còn lại, trên những mảng tường xây lẩn vào các tảng đá tự nhiên…
Riêng bộ sưu tập gốm cổ của Đoàn Huy Giao là có một không hai hiện nay, được các chuyên gia đánh giá là có một số tiêu bản quý nhìn thấy lần đầu ở Việt Nam như chiếc đĩa gốm men lam đắp nổi hình cá chép tìm thấy ở khu vực tháp Đồng Dương có niên đại thế kỷ 16; một Kosa Linga bằng bạc tìm thấy ở kinh thành Trà Kiệu. Các hiện vật trang sức bằng đá của văn hóa Sa Huỳnh và nhiều cổ vật gốm sứ được ngư dân tìm thấy trong lòng biển Đông thuộc các nền văn hóa Đại Việt và Trung Hoa…
Những ai quan tâm đến dân tộc học còn có thể tìm thấy ở bảo tàng Đình Đồng các hiện vật quý hiếm từ các dân tộc thiểu số miền Trung - Tây Nguyên, những nơi mà tác giả từng gắn bó nhiều năm. Từ chiếc trống bằng da voi của một thủ lĩnh Mơ Nông, đến con thuyền độc mộc (buồng) của người Cơ Tu và chiếc cà ràng được tìm thấy dưới lòng sông Đồng Nai Thượng. Hàng loạt công cụ và linh khí thuộc nền văn hóa rừng của người thiểu số ở các miền đất còn nhiều bí ẩn nhưng thấm đẫm các sắc thái văn hóa độc đáo này. Những chum lọ, hũ, tĩn bằng gốm Chăm, gốm Việt bên cạnh những đôi thúng bầu, mủng thúng dân gian đặt rải rác trên các lối đi khiến ta lại dừng chân, ngắm nhìn và nhớ…
Đoàn Huy Giao mê gốm và hội họa nên anh dựng thêm một lò nung theo môtip dân gian và nhà lưu trú dành cho các nghệ sĩ, nghệ nhân đến sáng tác. Bên cạnh đó là một nhà sàn làm thư viện với nhiều sách vở tài liệu nghiên cứu các lĩnh vực có liên quan, vừa là chỗ ở và làm việc của chủ dự án. Nhưng đặc biệt, không gian mở “Ký ức làng chài” tạo ra một ấn tượng mạnh, gợi ra bao nhiêu suy tưởng về Đà Nẵng với câu ca dao đau đáu lòng người “Chiều chiều mây phủ Sơn Chà/ Lòng ta thương nhớ bậu nước mắt và lộn cơm…”.
*
* *
“Mục đích của dự án Bảo tàng Đồng Đình không đặt trọng tâm thu lợi nhuận, mà là tạo thêm một địa chỉ văn hóa góp phần vào diện mạo văn hóa chung của Đà Nẵng…”. Nhà thơ Đoàn Huy Giao nói vậy. Nhưng ghé lại Đồng Đình nhiều lần, tôi cứ nghĩ anh vẫn còn có thể làm hơn thế nữa cho Đà Nẵng, nếu có sự tiếp sức của những ai quan tâm đến văn hóa của một thành phố biển.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG