Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam, tỉnh sẽ tổ chức một hội thảo cấp quốc gia để tiếp tục khẳng định giá trị lẫn tìm kiếm những cách thức phát huy giá trị Khu di tích Phật viện Đồng Dương. Đây hẳn là tin vui với những trông mong về một dự án tổng thể bảo vệ, phát huy giá trị của vùng đất bí ẩn này từ nhiều năm trước.
Đô thành thiêng
Một Đồng Dương huy hoàng của quá khứ. Một Đồng Dương nay chỉ là ký hiệu trên bản đồ di tích Chăm trường tồn trên vùng đất Quảng. Những cuộc nghiên cứu khảo cổ quy mô từ cả thế kỷ trước cho đến những dấu chân sau này, ngõ hầu muốn giải mã bí ẩn của vùng đất cũ.
PGS-TS. Ngô Văn Doanh mô tả: “Bằng cuộc khai quật được tiến hành vào năm 1902, các nhà nghiên cứu của Pháp đã phát hiện ra cả một quần thể kiến trúc Phật giáo lớn vào loại bậc nhất và cũng độc đáo nhất của Chămpa và khu vực Đông Nam Á.
Toàn bộ khu di tích là những cụm kiến trúc kế tiếp nhau chạy dài suốt 1.330m theo hướng từ tây sang đông. Trong quần thể kiến trúc đô thành lớn này, khu đền thờ Phật hay thường được gọi là Phật viện nằm trong một vành đai hình chữ nhật rộng có tường bao quanh.
Trên cơ sở phân tích bố cục kiến trúc và các biểu tượng thờ phụng trong các đền miếu lớn nhỏ khác nhau, các nhà nghiên cứu gần như khẳng định Đồng Dương là một đô thành thiêng tiêu biểu của Chămpa, còn Phật viện Đồng Dương chính là tu viện Laksmindra Lokesvara mà bia ký đã nhắc đến”.
Lần dò theo những cuốn sách đã công bố, PGS-TS. Ngô Văn Doanh cho biết, mô tả của H.Parmentier trong cuốn “Thống kê và khảo tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ” xuất bản năm 1909 đã có những khái quát và nhận xét khá chi tiết về khu di tích này. Ngôi đền Đồng Dương nằm trong địa phận làng Đồng Dương (Bình Định Bắc, Thăng Bình).
Một bia ký phát hiện từ đây cho thấy ngôi đền thờ này nằm trong thành Indrapura cổ, có lẽ là kinh đô Chămpa, vào thời thành phố được xây dựng (thế kỷ 9) và là một tu viện Phật giáo.
“Chỉ vào năm 875, những tài liệu bia ký mới xuất hiện trở lại ở Champa, nhưng không phải ở miền Nam hay Mỹ Sơn mà ở một địa điểm mới: Indrapura (khu di tích Đồng Dương thuộc làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam hiện nay)...
Theo bia ký Đồng Dương, lần đầu tiên trong lịch sử Champa, thủ phủ của nước Champa được đặt tên theo tên vị vua trị vì theo truyền thống phổ biến ở Chân Lạp từ trước đó cả thế kỷ: thủ đô là Indrapura, vua trị vì là Indravarman. Theo các nhà nghiên cứu, có thể vì thế mà người Trung Quốc dùng cái tên Chiêm Thành (Campapura) mà từ trước tới giờ người Champa dùng để gọi nơi vua ở để làm tên nước.
Cũng từ thời điểm này trở đi cho đến khi vương quốc Champa không còn tồn tại nữa, người Trung Quốc và người Việt không dùng một tên gọi nào khác, ngoài cái tên Chiêm Thành, để gọi Champa. Tất cả những đổi thay về tên gọi Champa trong sử sách cổ Trung Quốc và Việt Nam hẳn phải gắn với một sự kiện quan trọng nào đấy trong lịch sử vương quốc Champa. Không một tư liệu nào nói về việc này cả.
Vì thế, chúng ta chỉ có thể suy đoán về việc thay đổi tên nước Champa trong các thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam, trên những sự kiện lịch sử của Champa từ thời điểm này trở đi. Không phải ngẫu nhiên mà G. Maspero, từ năm 1928, trong công trình “Vương quốc Chàm”, đã xếp thời kỳ Indrapura vào vương triều thứ sáu (875 - 991).
Như vậy là, với vương triều Indrapura, vai trò của công quốc Champa phía bắc, mà các bia ký Mỹ Sơn thế kỷ 7 gọi là Campapura, bắt đầu thực sự giữ vai trò bá quyền trong lịch sử Champa” - PGS-TS. Ngô Văn Doanh viết.
Vùng đất chờ đợi
“Huyện Lệ Dương có hai tháp ở làng Đồng Dương. Hai tháp cách nhau 15 trượng, có một tòa cao bốn trượng, xây gạch trên hình bát giác, dưới hình vuông, mỗi mặt dài một trượng. Cách đó 40 trượng có nền cũ” - Đại Nam nhất thống chí (triều Nguyễn) viết.
Chuyện của những thế kỷ trước đã nằm lại trong tư liệu cũ. Tuy được người Chăm chọn làm kinh đô nhưng Đồng Dương và vùng phụ cận đều không gần kề những dòng sông lớn nên đất đai cằn cỗi. Chỉ đến khi các nhà khảo cổ Pháp tới đây khai quật và nghiên cứu, người ta mới được biết những ngôi tháp cổ Đồng Dương là di tích của một tu viện Phật giáo trong lòng kinh đô Indrapura của vương triều Indrapura do vua Indravarman II sáng lập năm 875.
Riêng với cư dân địa phương, đặc biệt với ngôi làng Chăm của hơn 130 hộ trong dòng họ Trà đang sinh sống quanh đây, Tháp Sáng - di tích duy nhất còn lại của khu đô thành cũ, như một chứng tích tiền nhân để lại. Một người anh trong nghề chúng tôi bộc bạch, “thời trước chiến tranh, với cư dân địa phương, những gì thuộc về di tích Đồng Dương dù chỉ là viên gạch cũng linh thiêng, không ai dám động đến nếu không muốn bị thần linh “quở phạt”.
Nhưng con tạo xoay vần, gạch thiêng bị dỡ, cho đến những ngày sau, khi Phật viện Đồng Dương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, những câu chuyện bảo tồn mới được đặt ra nghiêm túc.
Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thăng Bình cho biết, huyện đã thành lập tổ quản lý di tích Phật viện Đồng Dương, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể từng giai đoạn đối với công tác bảo tồn di tích này.
“Thăng Bình đã đưa Phật viện Đồng Dương vào một trong các điểm đến du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, trong kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thì Phật viện Đồng Dương cùng những giá trị văn hóa lịch sử luôn phải được truyền đến cho các thế hệ trẻ của địa phương” - ông Trương Công Hùng nói.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, Sở đã yêu cầu địa phương quản lý nghiêm ngặt cũng như khoanh vùng quản lý, tuyệt đối không cho phép người dân trồng cây trong khu vực vùng lõi khu di tích cũng như tác động xâm hại đến di tích.
Hẳn đã đến lúc danh phận của Đồng Dương cần được khơi gợi nhiều hơn, bằng chính những cuộc bảo tồn mạnh mẽ...