Huyện Đông Giang đang nỗ lực bảo tồn nghề dệt thổ cẩm để duy trì, phát huy làng nghề truyền thống và gắn kết với phát triển du lịch.
Năm 2014, nghề dệt thổ cẩm của 3 huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang được công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Theo ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, trên cơ sở này, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện bằng các nghị quyết, đề án, kế hoạch về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa người Cơ Tu qua các giai đoạn.
Bước đầu, sưu tầm và bảo tồn tấm choàng, váy quấn dài của nữ, bộ váy ngắn nữ, dây thắt lưng, khố của nam, tấm choàng của nam. Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Đhrôồng (xã Tà Lu) duy trì dệt, may, thiết kế mẫu mã sản phẩm dệt phục vụ khách du lịch và người dân.
Ngày 25/10/2023, Huyện ủy Đông Giang ban hành Nghị quyết số 35 về tiếp tục lãnh đạo công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Nhiều việc cụ thể cần làm được vạch ra, như biên soạn hoàn chỉnh và phát hành sách kỹ thuật dệt, hệ hoa văn trên sản phẩm dệt; phát triển nghề dệt thổ cẩm tại cấp xã, thôn, tổ dân phố có điều kiện.
Duy trì, nâng cao chất lượng làng du lịch cộng đồng gắn với phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống thôn Aréh - Đhrôồng (xã Tà Lu), thôn Bhơhôồng (xã Sông Kôn).
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Đông Giang đã tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em của các xã, thị trấn…
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Đỗ Hữu Tùng cho hay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã gắn kết phát triển du lịch với sản phẩm nhiều mẫu mã, màu sắc, kiểu dệt khác nhau. Đây là hướng đi đúng, không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Cơ Tu mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Huyện Đông Giang sẽ tiếp tục đào tạo nghề truyền thống để nâng cao tay nghề, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng thời, đa dạng hóa mẫu mã, cải tiến kỹ thuật dệt, tìm đầu ra cho sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt tới du khách. Huyện cũng sẽ mời nghệ nhân và nhà thiết kế sản phẩm giảng dạy, chuyển giao công nghệ mới cho người dân.
Tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để làm ra các sản phẩm phù hợp cho cộng đồng, vừa lưu giữ được nghề vừa mang lại hiệu quả thiết thực cuộc sống.
Xây dựng các làng nghề thổ cẩm thành điểm đón khách tham quan, phải coi nghề dệt thổ cẩm là một sản phẩm du lịch. Khảo sát hình thành điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, sản phẩm OCOP, nông sản gắn với du lịch và nông nghiệp...