Đông Giang bảo tồn văn hóa Cơ Tu

CÔNG TÚ 03/03/2023 04:31

Đông Giang xác định gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu là nền tảng góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Đông Giang chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Ảnh: C.T
Đông Giang chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Ảnh: C.T

Bảo tồn di sản

“Những giá trị văn hóa độc đáo được trao truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó trong đời sống của từng gia đình, dòng họ hay cộng đồng dân tộc và đang tiếp tục phát huy giá trị trong việc cố kết cộng đồng, lòng tự tôn dân tộc, khích lệ tình yêu quê hương, đất nước.

Để phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của người Cơ Tu, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, ông Đỗ Hữu Tùng cho biết.

 Đối với văn hóa phi vật thể, Đông Giang tiếp tục ưu tiên khôi phục, giữ gìn 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm múa tân tung - da dá, nói lý - hát lý, nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu, kết hợp với xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng.

Huyện đã sưu tầm, nghiên cứu kiến trúc xây dựng gươl, nhà nghỉ (moong), nhà ở, chòi rẫy (zơng), kho lúa (crơlăng), nhà mồ (ping) cùng nghệ thuật đan lát, dệt thổ cẩm, điêu khắc, chạm trổ gỗ hay nghệ thuật nói lý - hát lý.

Cùng với đó, các bài tế, cúng của người Cơ Tu được sưu tầm, ghi âm. Câu lạc bộ nói lý - hát lý cũng đã thành lập tại 11 xã, thị trấn. Tại Trường THPT Quang Trung có câu lạc bộ nói lý - hát lý, dạy múa tân tung - da dá.

Lãnh đạo Phòng Văn hóa - thông tin huyện Đông Giang cho biết, huyện đã kiểm kê, sưu tầm các giá trị văn hóa vật thể như mô hình làng truyền thống Cơ Tu, cây nêu, hòm đôi, cối, chày giã gạo, nhà dài truyền thống, tượng người.

Các dụng cụ lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày gồm khiên, giáo, gùi nữ, gùi nam, nỏ, ống đựng tên, dụ, vợt xúc cá, ống đựng cá, khung dệt vải, trang phục bằng vỏ cây, khay trà bằng mây, gùi đựng trang sức (prôm), vòng đeo tay cổ xưa của nữ, trống, chiêng hay các loại nhạc cụ cũng được sưu tầm. Cùng với đó, địa phương còn chăm lo xây mới, hoặc sửa chữa nhà gươl, xây dựng bia di tích lịch sử cấp tỉnh Bờ sông A Vương, Cột Buồm, Bến Hiên, Làng Đào (Bến Hiên).

Tạo bước đột phá

Đông Giang đã cố gắng bảo tồn và gìn giữ, song một số giá trị văn hóa truyền thống đã bị mai một, mất mát. Lớp trẻ quên dần tiếng mẹ đẻ, ít sử dụng chữ viết của dân tộc mình. Nghề dệt truyền thống, trang phục truyền thống đang có nguy cơ bị thất truyền, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống thưa dần trong các hội họp…

Trước tình hình đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đặt ra mục tiêu phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Cơ Tu gắn với phát triển du lịch.

Ngoài các làng du lịch cộng đồng gồm Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn), Đhơ Rôồng (xã Tà Lu) được đầu tư cải tạo, xây dựng nhiều hạng mục, huyện còn phối hợp với các huyện Tây Giang, Nam Giang và A Lưới (Thừa Thiên Huế) ký kết hợp tác phát triển du lịch trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Trong kêu gọi đầu tư, các dự án du lịch sinh thái, điển hình như Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang có các hạng mục, hoạt động gắn với phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu.

Ông Đỗ Hữu Tùng cho hay, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tộc người Cơ Tu gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu là phải tập trung bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Những di sản văn hóa được công nhận sẽ tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, tạo thành sản phẩm văn hóa gắn với phát triển du lịch nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thêm thu nhập, tạo điều kiện cho nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; xây dựng hình ảnh du lịch Đông Giang hướng đến du lịch xanh, bền vững.

Đề án này đã được Thường trực Huyện ủy, MTTQ cho ý kiến và sẽ trình Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thông qua tại kỳ họp được tổ chức trong tháng 3 năm nay.

Đáng chú ý, dự án “Công viên văn hóa Cơ Tu Đông Giang” đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để triển khai thi công. Công viên này khi hình thành sẽ là không gian sinh hoạt cộng đồng phục vụ nhu cầu giải trí, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cho người dân vùng núi huyện Đông Giang, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển về văn hóa, đời sống tinh thần của người Cơ Tu nói riêng, thành quả phát triển về kinh tế - xã hội huyện Đông Giang nói chung.

Công viên sẽ là nơi tổ chức các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa Cơ Tu, là không gian mềm phục vụ du khách nằm phía bờ tây sông A Vương. Dự án đang tham vấn ý kiến của các chuyên gia, già làng có uy tín để hoàn thiện và sẽ triển khai trong giai đoạn 2023 - 2024.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Giang bảo tồn văn hóa Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO