Đông Giang chọn hướng đi cho nông - lâm nghiệp

CÔNG TÚ 28/04/2021 13:50

Để khai phá tiềm năng nông - lâm nghiệp, huyện Đông Giang đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đưa ngành này vươn lên, trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương.

Một địa điểm khoanh nuôi, bảo vệ chè dây Ra zéh tại xã Tư. Ảnh: CT
Một địa điểm khoanh nuôi, bảo vệ chè dây Ra zéh tại xã Tư. Ảnh: CT

Chuyển động từ rừng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đông Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn gắn xây dựng chứng chỉ SFC. Xây dựng các sản phẩm OCOP hàng hóa; đẩy mạnh công nghiệp chế biến vật liệu, sản phẩm nông nghiệp, dược liệu…

Ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, địa phương sẽ tập trung phát triển kinh tế theo cơ cấu nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp; khai thác lợi thế về rừng và đất lâm nghiệp.

Như vậy, nông - lâm nghiệp được định vị đóng vai trò ngành chủ lực, bởi lẽ hơn 90% dân số trên địa bàn là người đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống gắn liền với nông nghiệp, gắn với rừng. Trong định hướng và giải pháp để thúc đẩy đời sống vật chất, cải thiện thu nhập của nhân dân thì khai phá tiềm năng, lợi thế về nông - lâm nghiệp là rất quan trọng.

Để theo đuổi mục tiêu này, Đông Giang đề ra giải pháp tiếp tục thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 156/2019 của Chính phủ, tạo điều kiện cho người dân có thu nhập ổn định để quản lý bảo vệ tốt toàn bộ diện tích 48.582ha rừng tự nhiên hiện có, bảo tồn quỹ gen, bảo đảm đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường.

Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, việc cải thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế rừng, nhất là chuyển diện tích rừng trồng sang trồng rừng gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ đang được thực hiện. Đến thời điểm này, người dân trồng được khoảng 2.000ha rừng gỗ lớn; phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích rừng trồng đạt 17.500ha, trong đó 6.000ha rừng gỗ lớn.

Nhằm nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng, Đông Giang khuyến khích triển khai mô hình liên kết trồng rừng bền vững có chứng nhận FSC. Dưới tán rừng, các loại dược liệu, nhất là sản vật đặc trưng bản địa có tính cạnh tranh cao đã được trồng với diện tích ngày càng tăng.

Chẳng hạn với chè dây Ra zéh, ngoài nhân giống trồng tại vườn nhà hoặc trên đất rừng từng trồng keo, địa phương còn chủ động khoanh nuôi, bảo vệ trong những khu đất rừng sau nương rẫy và cho tái sinh tự nhiên. Ngoài ra, các loại lâm sản phụ như cây đót, cây mây nước mang lại thu nhập cũng được khuyến khích nhân rộng.     

Ưu tiên nông nghiệp

Đông Giang đang tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bằng việc xác định vùng nguyên liệu liên thôn, liên xã để tiếp tục nhân rộng các loại cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của huyện như chè xanh, chè dây, ớt Ariêu, chuối, lòn bon, cây ăn quả và các loài cây dược liệu. Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao giá trị sản phẩm.

Huyện sẽ cho hình thành các vùng sản xuất, nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến an toàn theo chuỗi quy trình VietGap; triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, có giá trị kinh tế gắn với thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong chăn nuôi, Đông Giang chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng heo, bò trong đàn vật nuôi; chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung trang trại, gia trại bằng giống heo địa phương để tăng giá trị và khoanh vùng chăn nuôi xa khu dân cư không ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ kiểm soát dịch bệnh.

Hỗ trợ chăn nuôi nông hộ áp dụng kỹ thuật và công nghệ phù hợp, khuyến khích áp dụng công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị ngành chăn nuôi và hỗ trợ cho dịch vụ nông, lâm nghiệp. Cùng với đó, khai thác diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản.

Ông A Vô Tô Phương cho biết, địa phương đang xúc tiến quy hoạch vùng phát triển sản xuất, tạo quỹ đất mời gọi doanh nghiệp và hợp tác xã có năng lực về nông - lâm nghiệp vào đầu tư. Những xã nào mà địa hình đồi dốc cao, khó khăn trong trồng trọt sẽ chọn hướng đi chăn nuôi, đơn cử như nuôi heo cỏ địa phương, bò sữa.

“Qua các cơ quan thông tin đại chúng, chúng tôi muốn gửi thông điệp mời gọi cộng đồng doanh nghiệp về đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp tại Đông Giang. Huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư triển khai các bước cần thiết trong thực hiện sản xuất trên địa bàn” -  ông A Vô Tô Phương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Giang chọn hướng đi cho nông - lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO