Đông Giang chuẩn bị mùa vụ mới

CÔNG TÚ 19/12/2019 11:30

Huyện Đông Giang đã tập trung phân tích thành quả, chỉ ra tồn tại của ngành nông nghiệp trong năm qua, đồng thời đưa ra giải pháp thực hiện cho vụ mùa sản xuất năm 2020 đạt thắng lợi.

Người dân Đông Giang khai thác rừng keo trồng ven quốc lộ 14G. Ảnh: C.T
Người dân Đông Giang khai thác rừng keo trồng ven quốc lộ 14G. Ảnh: C.T

Đề ra giải pháp

Huyện Đông Giang đặt chỉ tiêu năm 2020 ngành nông nghiệp phải đạt tổng giá trị sản xuất nông - lâm thủy sản 259,1 tỷ đồng, tăng trưởng 6,7% so với năm 2019. Theo đó, gieo trồng cây hàng năm chiếm 3.560ha; phấn đấu sản lượng lương thực có hạt 6.850,05 tấn (lúa 4.982,65 tấn); 31.670 con gia súc; 46.600 con gia cầm… Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, địa phương sẽ tập trung phát triển mũi nhọn là kinh tế rừng để cải thiện đời sống, nâng thu nhập cho đồng bào. Đơn cử như việc phải thực hiện giao quản lý, bảo vệ 48.582ha rừng thật tốt. Đồng thời, các xã, thị trấn phấn đấu trồng thêm 3.250ha rừng, bao gồm trồng theo Nghị quyết số 01/NQ-HĐND của HĐND huyện là 400ha, trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định số 14/QĐ-UBND của UBND tỉnh là 504ha và người dân trồng lại rừng trồng sau khai thác chiếm 2.346ha. Cạnh đó, khuyến khích đồng bào trồng các loài cây dược liệu là sa nhân, ba kích, đinh lăng, chè dây Ra Zéh, quế Trà My đạt khoảng 100ha. Ngoài 750ha chuối mốc, chuối tiêu cần cải tạo và chăm sóc, địa phương sẽ trồng thêm 30ha loại cây mang lại giá trị kinh tế cao này. Ở xã Mà Cooih, diện tích canh tác cây ớt A Riêu cũng phấn đấu tăng lên 10,2ha (trồng mới 5ha).

Để vụ sản xuất đông xuân đạt được kết quả cao, Đông Giang áp dụng nhiều giải pháp như rà soát, điều chỉnh, bổ sung các đề án, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và quản lý thực hiện tốt theo quy hoạch. Khai thác một cách có hiệu quả, bền vững thế mạnh về trồng rừng sản xuất với mục đích kinh doanh gỗ lớn trở thành sinh kế chính của người dân. “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và giá trị trên đơn vị diện tích đất. Lựa chọn ớt A Riêu, chè dây Ra Zéh, keo, lòn bon, chuối, bò, heo địa phương và các loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và phù hợp nhu cầu sản xuất để đầu tư” - ông Hồ Quang Minh nói. Huyện Đông Giang cũng huy động, lồng ghép nguồn lực từ trong dân, doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác vào đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Ngoài ra, việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững được tiến hành.

Chú trọng vụ đông xuân

Tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2019 của Đông Giang đạt 242,8 tỷ đồng (đạt 102,25% kế hoạch, tăng 7,24% so với năm 2018). Bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa xảy ra trên địa bàn. Năm 2019, người dân trồng thêm 420ha keo tai tượng có xuất xứ từ Úc, nâng tổng diện tích rừng trồng đạt 15.000ha.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Giang - ông Lê Vương cho hay, địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020 nhằm đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trước mắt, ngành đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân nạo vét kênh mương, vệ sinh đồng ruộng, tu bổ bờ ao; quản lý, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa kịp thời các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị hư hỏng, xuống cấp để kịp thời phục vụ đời sống và sản xuất. Các nhận định về thời tiết trong vụ đông xuân tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, chính vì vậy huyện khuyến cáo phải thật chủ động ứng phó rét lạnh trong tháng 12.2019 và tháng 1, tháng 2.2020 gây bất lợi cho sản xuất và đời sống. Đồng thời, vận động nhân dân chấp hành tốt các chỉ đạo chung của tỉnh về cơ cấu giống, lịch thời vụ. Đối với diện tích ruộng có nước tưới chủ động, thời gian gieo sạ bắt đầu từ ngày 30.12.2019 đến ngày 15.1.2020. Những chân ruộng cao, địa phương khuyến khích người dân chuyển sang trồng bắp, lạc hay rau quả thực phẩm vụ đông xuân sớm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo nhiều vấn đề sát sườn như diện tích lúa rẫy cần xen canh, gối vụ với các loại cây bắp, đậu xanh, sắn, kể cả cây keo cũng như các loại cây trồng khác và nên làm ngay sau khi kết thúc mùa mưa. Ở địa bàn các xã, việc canh tác lúa theo phương pháp SRI cần tiếp tục duy trì và nhân rộng. Giám sát và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên cây trồng, con vật nuôi, chủ động các phương án phòng tránh. Hỗ trợ khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng sản phẩm sạch, an toàn dịch bệnh có liên kết theo chuỗi. Phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng FSC. Tạo điều kiện thuận lợi để Công ty TNHH Hào Hưng Đông Giang và Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam triển khai liên kết với người dân đầu tư phát triển rừng gỗ lớn, xây dựng nhà máy chế biến gỗ và vườn ươm giống cây lâm nghiệp...

Để sản xuất nông nghiệp năm 2020 được thuận lợi, Đông Giang kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, các chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm để nhân dân triển khai đúng mùa vụ. Đồng thời, ủy quyền cho UBND huyện về việc chịu trách nhiệm thẩm định nội dung kế hoạch thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Giang chuẩn bị mùa vụ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO