Đông Giang khẩn trương chuẩn bị mùa vụ mới

CÔNG TÚ 18/12/2020 08:05

Những đợt bão lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng cho ngành sản xuất nông nghiệp huyện Đông Giang. Vì vậy, thời điểm này, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực triển khai các kế hoạch sản xuất cho mùa vụ mới.

Người dân địa phương thu hoạch các sản phẩm phù hợp với vùng cao. Ảnh: C.T
Người dân địa phương thu hoạch các sản phẩm phù hợp với vùng cao. Ảnh: C.T

Kỳ vọng vụ đông xuân

Do ảnh hưởng của bão lũ liên tiếp vừa qua nên nhiều diện tích đất sản xuất ở xã Ba bị bồi lấp bởi cát sỏi, kênh mương sạt lở. Trên hầu khắp các cánh đồng canh tác lúa nước (rộng khoảng 30ha) ở địa phương, cỏ dại, lúa chét mọc nhiều nhưng chưa được nông dân làm đất, vệ sinh đồng ruộng…

Huyện Đông Giang phấn đấu năm 2021 đạt tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản là 284,9 tỷ đồng (nông nghiệp chiếm 208,9 tỷ đồng); tăng độ che phủ rừng đạt hơn 65,5%; xây dựng mới 4 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Về chỉ tiêu sản xuất, huyện đặt mục tiêu gieo trồng cây hàng năm 3.535ha; tổng sản lượng lương thực có hạt hơn 6.811 tấn; tổng đàn gia súc 31.920 con (đàn heo chiếm 25.000 con).

“Chúng tôi xác định đây là những yếu tố không tích cực, chứa đựng nguy cơ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng và dễ khiến bùng phát dịch hại. Để hạn chế bất lợi của thời tiết và chủ động phòng ngừa nguy cơ gây hại trên cây trồng, địa phương đã hướng dẫn các thôn áp dụng một số biện pháp kỹ thuật về sản xuất đầu vụ; diệt chuột, ốc bươu vàng” - ông Phạm Xuân Vân, Chủ tịch UBND xã Ba chia sẻ.

Ông Phạm Xuân Vân cho biết thêm, Ban nông nghiệp xã đang khẩn trương tập huấn, hướng dẫn cách thức vệ sinh đồng ruộng, thời vụ, cơ cấu giống, kỹ thuật sử dụng thuốc trừ cỏ, kỹ thuật tưới nước hợp lý, biện pháp diệt chuột, ốc bươu vàng cho nông dân. Nhà nông còn được cung cấp kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.

Theo ông Lê Vương - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Giang, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và đơn vị liên quan tập trung sửa chữa các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng bị hư hỏng do bão lũ gây ra. Cạnh đó, vận động người dân khắc phục tình trạng bị bồi lấp tại chân ruộng, nhất là lúa nước; chuẩn bị giống, phân bón để cung ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất vụ đông xuân; đồng thời hướng dẫn bà con biện pháp phòng chống rét và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Về nguồn giống cây trồng, ông Lê Vương cho biết, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện đã chuẩn bị sẵn, cùng sự hỗ trợ của tỉnh sẽ đảm bảo nguồn giống gieo trồng trên khoảng 425ha lúa nước, gần 1.000ha lúa rẫy. Đó là chưa kể, nhiều gia đình còn dự trữ giống hàng năm, nhất là giống đặc hữu dành để tái sản xuất. Tránh tình trạng bỏ đất hoang hoặc canh tác không phù hợp, các địa phương tăng cường vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn như bắp, mè, rau đậu các loại, cây dược liệu. Đặc biệt, huyện khuyến khích mở rộng sản xuất rau an toàn.

Phát huy thế mạnh địa phương

Bước vào sản xuất nông nghiệp năm 2021, Đông Giang sẽ đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổng hợp đánh giá các tiêu chí tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất nông - lâm - thủy sản, đặc biệt là phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực của vùng cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Hồ Quang Minh cho hay, địa phương chú trọng sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi giá trị; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; nâng cao chất lượng các sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay như ớt A riêu, chuối mốc, lòn bon, chè dây Ra zéh, heo đen… Trên cơ sở này, các xã, thị trấn vận động nhân dân tích cực tích tụ ruộng đất; rà soát và có giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện gắn kết hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cùng chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, chính quyền đang khuyến khích cơ giới hóa khâu gieo tỉa, thu hoạch cho cây đậu phụng, bắp. Địa phương cũng khuyến khích chăn nuôi trang trại, gia trại, theo hướng sản phẩm sạch, an toàn dịch bệnh có liên kết theo chuỗi; nâng cao hiệu quả chăn nuôi ở nông hộ; giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Một hướng đi khác trong phát triển lâm nghiệp bền vững mà Đông Giang hướng đến là tiếp tục vận động trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, thâm canh rừng. Địa phương đang xây dựng phương án trồng cây gỗ lớn để lấy gỗ làm nhà ở miền núi; tranh thủ tài trợ từ các dự án nhằm tăng nhanh diện tích cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC).

Phát huy thế mạnh, Đông Giang đang tiếp tục thực hiện phát triển cây dược liệu tại vùng có điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Cạnh đó, sau khi các đề tài nghiên cứu về cây trồng, con vật nuôi được nghiệm thu cho kết quả khả quan, địa phương sẽ có cơ chế ưu tiên nhằm đẩy mạnh ứng dụng vào thực tế. Đồng thời, xúc tiến thương mại, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng nông sản đặc trưng với các địa phương lân cận cũng như TP.Đà Nẵng để góp phần ổn định đầu ra, mang lại thu nhập bền vững cho người dân.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Giang khẩn trương chuẩn bị mùa vụ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO