(QNO) - Gần đây, trên địa bàn huyện Đông Giang, tình trạng lừa đảo, trộm cắp liên quan đến tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng. Liên quan tới loại tội phạm này, công tác đấu tranh, phòng chống của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, chỉ dừng lại ở hình thức răn đe, giáo dục là chính.
Vị thành niên trộm cắp
Gần đây, tình trạng trộm cắp tài sản trên địa bàn huyện Đông Giang có xu hướng phức tạp, trong đó, đáng chú ý là số vụ việc liên quan đến đối tượng học đường, trẻ vị thành niên có chiều hướng gia tăng. Phương pháp phạm tội của các đối tượng là lợi dụng sự sơ hở của các cơ quan, trường học, nhân dân, lợi dụng ngày nghỉ để đột nhập, trộm cắp tài sản.
Cán bộ điều tra làm việc với một đối tượng vị thành niên. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Liệt kê những vụ điển hình phải kể đến đối tượng Lê Ngọc P. (SN 2001, thôn Tà Me, thị trấn P’rao) - vốn là học sinh Trường THCS Mẹ Thứ (P'rao, Đông Giang). P. giao du với nhóm bạn bè hư hỏng, có ý định bỏ nhà đi chơi với bạn bè, bèn nảy ra ý định trộm cắp để làm “lộ phí”. Đêm 28.3.2016, lợi dụng lúc cha mẹ ngủ say, P. lấy xe đạp từ nhà mình lên ngã ba, thị trấn P’rao. Khi đi ngang nhà bà Võ Thị Phụng (thôn Tà Me, P'rao), nhìn vào trong thấy cửa nhà hé mở, P. nảy sinh ý định lẻn vào trộm cắp. Khi vào nhà, P. lục tủ gương, lấy trộm 39.000 đồng trong tủ và 32 card điện thoại Vinaphone với nhiều mệnh giá. P. còn lấy 1 điện thoại di động, 1 cục sạc pin dự phòng gần đó. Toàn bộ số card điện thoại, vật ăn trộm, P. đem bỏ thùng rác ở khu vực Bưu điện Đông Giang rồi quyết tâm đột nhập vào nhà bà Phụng lần thứ 2. Lần này, P. lấy 1 túi xách màu xanh đen, 1 túi nhỏ bằng da rồi đi ra khỏi nhà, mở túi xách, thấy có 15.000 đồng và 78 card điện thoại với nhiều mệnh giá, 1 điện thoại di động. Mở tiếp túi nhỏ, phát hiện 3,4 triệu đồng và 688 card, 58 sim điện thoại. P. đem tang vật gồm giấy tờ, card bỏ lại trong túi, bỏ gần nhà thi đấu, rồi đột nhập nhà bà Phụng lần thứ 3 khoảng 20 giờ 30. P. đi vào nhà bằng cửa chính, đi theo đường luồng lấy 1 điện thoại di động Nokia, rồi đi về phía cây xăng Tuấn Cẩm Minh gầnt đó, lấy thêm 1 điện thoại di động và 1 sạc pin dự phòng. Sau đó, P. ôm tiền, các điện thoại di động, cục sạc dự phòng đến một con đường đợi trời sáng.
6 giờ sáng, Phúc thấy cha đi tìm kiếm, liền vứt 2 điện thoại vào bụi cây nên gia đình không mảy may nghi ngờ. Sự việc vỡ lẽ khi người dân phát hiện túi xách giấy tờ trên, báo cơ quan chức năng. Chẳng mấy chốc, P. được mời lên công an. Ban đầu, đối tượng quanh co chối tội, nhưng bằng biện pháp nghiệp vụ, chứng cứ thuyết phục của các điều tra viên, P. đành khai nhận toàn bộ. Tang vật phạm tội của P. được thu hồi toàn bộ với tổng giá trị 26 triệu đồng, được bàn giao lại cho người bị hại. Do thời điểm phạm tội, P. chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên vụ việc chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, răn đe, kiểm điểm, giáo dục trong nhà trường. Lực lượng Cảnh sát điều tra Công an huyện đã làm việc với ban giám hiệu nhà trường, nơi P. theo học và phía gia đình đối tượng để tìm biện pháp giáo dục, cải tạo, qua một thời gian theo dõi, đối tượng có biểu hiện tiến bộ rõ rệt.
Vụ thứ 2, liên quan tới ALăng L. (SN 2001, xã Mà Cooih), một “siêu trộm nhí” của xã này. L. bỏ học sớm, nhà nghèo, thiếu giáo dục từ gia đình, đối tượng sa ngã, hư hỏng sớm. Đặc biệt, đối tượng này chuyên đi “ăn đêm”, vốn nhỏ con, lanh lẹ, đối tượng gây ra các vụ trộm cắp vặt, lấy tiền và tài sản của hàng xóm bán tiêu xài, chơi game. Chỉ trong thời gian ngắn, L. gây ra cả chục vụ trộm cắp vặt khiến gia đình, xóm làng lụy phiền. Do còn nhỏ tuổi, chính quyền, công an địa phương chỉ xử lý hành chính. Dù đã giáo dục, răn đe ở những lần phạm tội trước đó, nhưng đối tượng không chuyển biến, ngày càng tỏ ra manh động. Không thể cải tạo được, Công an huyện Đông Giang đã làm hồ sơ đưa đối tượng vào trại giáo dưỡng vào cuối năm 2015.
Vụ thứ 3, đối tượng Trương Quốc T. (SN 2001, thôn Chờ Ke, thị trấn P’rao), trộm cắp tài sản nhà trường vào 12.2015. T. cũng là học sinh của Trường THCS Mẹ Thứ. Biết trường vừa có dàn máy vi tính mới do một tổ chức nước ngoài hỗ trợ, sau khi đi học về, T. nảy ý định trộm cắp. T. mang CPU từ máy tính ở nhà, bỏ vào ba lô mang đến trường, lên phòng làm việc của văn thư tháo CPU từ máy nhà trường ra, hoán đổi. Phát hiện máy tính nhà trường có biểu hiện “lạ” với nhiều game, CPU khác lạ nên nhà trường đã báo công an. Qua triệu tập, xác định T. là thủ phạm, tổng giá trị tài sản thiệt hại là 3,6 triệu đồng, đủ cơ sở để xử lý hình sự nhưng do T. chưa đủ tuổi, Công an huyện Đông Giang đã làm việc với nhà trường yêu cầu kiểm điểm, chấn chỉnh đồng thời yêu cầu địa phương, gia đình có hướng quản lý, giáo dục đối tượng tại gia đình và cộng đồng.
Khó xử lý
Theo Thiếu tá Hoàng Công Quốc - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đông Giang, gần đây, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động của các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, thông tin tội phạm trong 6 tháng tăng 8 tin, án khởi tố tăng 2 vụ; 9 vụ liên quan đến trộm cắp tài sản (tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2015), 3 vụ cố ý gây thương tích. Đáng chú ý là hiện tượng phạm tội ở độ tuổi vị thành niên có dấu hiệu gia tăng: 9 vụ, tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2015, liên quan đến 5 đối tượng (tăng 3 đối tượng so với cùng kỳ).
Trước sự gia tăng của tội phạm vị thành niên trong 6 tháng đầu năm, Công an huyện Đông Giang đã tập trung đấu tranh, xử lý cơ bản, quyết liệt. Công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng được tăng cường. Nhìn chung, đối tượng vị thành niên phạm tội do nhận thức còn hạn chế; khâu quản lý, giáo dục trẻ từ nhà trường, gia đình còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, không kiểm soát được hoạt động ngoài giờ của trẻ; nhiều trẻ bỏ bê việc học hành sớm, giao du với các phần tử xấu trên địa bàn; đặc biệt là tội phạm liên quan đến game online. Bên cạnh mặt tích cực, hệ lụy về mặt xã hội từ internet và game online cũng rất lớn. Từ thực tế đó, lực lượng chức năng, cảnh sát hình sự đã tăng cường kiểm tra các tiệm internet và game online hoạt động ngoài giờ quy định và xử phạt hành chính đối với 3 cơ sở game online và internet vi phạm về khoản này.
Khó khăn không nhỏ trong công tác đấu tranh, xử lý đối tượng vi phạm là hầu hết đối tượng gây ra các vụ trộm đều là vị thành niên, nhận thức còn hạn chế. Nhiều vụ việc vi phạm cũng chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính, kiểm điểm trước nhà trường. "Chúng tôi phải khéo léo, vận động, thuyết phục về tư tưởng, làm tốt công tác giáo dục, giúp các em hiểu và hợp tác với cơ quan điều tra. Cùng với đó, quan tâm, thăm hỏi, làm việc với gia đình, xã hội xem tiến bộ của các em như thế nào. Những hội nghị, sơ kết, diễn đàn, noi gương các em tiến bộ để các cấp quan tâm hơn nữa. Với những trẻ mà gia đình và địa phương cảm hóa, răn đe vẫn tái diễn hành vi phạm tội, sẽ lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dưỡng” - Thiếu tá Hoàng Công Quốc cho biết.
Bên cạnh công tác đấu tranh thì công tác phòng ngừa được Công an huyện Đông Giang chú trọng. Lực lượng cảnh sát điều tra thường xuyên báo cáo, tham mưu lãnh đạo Huyện ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể, mặt trận, nhà trường, gia đình cùng chung tay phối hợp vận động quần chúng tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng chức năng còn tăng cường công tác phối hợp với người có uy tín, già làng, trưởng bản để chung tay giáo dục, răn đe trẻ vị thành niên phạm tội. Trẻ vị thành niên phạm tội trước tiên sẽ chịu sự giám sát, răn đe của già làng, trưởng bản, của gia đình, cộng đồng, rồi mới tới pháp luật. Để làm tốt công tác phòng ngừa, lực lượng chức năng còn vận động cá biệt, lên danh sách những em có biểu hiện hư hỏng, cùng với chính quyền, gia đình, gọi các em lên cơ quan công an để giáo dục, răn đe, làm cam kết dưới sự giám sát của gia đình và nhà trường, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nơi các em. Tuy nhiên, cũng theo Thiếu tá Quốc, hiệu quả từ việc giáo dục, răn đe trẻ phạm tội vị thành niên từ cơ quan chức năng, cộng đồng, trường học và gia đình vẫn chỉ dừng lại ở mức tương đối, tình trạng "nhờn luật" ở tội phạm vị thành niên cũng là mối lo của xã hội, đi sâu vào các vấn đề này có rất nhiều điều cần phải bàn...
TRIÊU NHAN